Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam khiến người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế bày tỏ sự phẫn nộ và phản đối.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp người Việt toàn LB Đức cùng một số tổ chức, hội đoàn người Việt ở Đức, chiều 11/5, khoảng 5.000 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở mọi miền nước Đức đã tề tựu về khu vực đại sảnh quảng trường Potsdam ở trung tâm thủ đô Berlin để bày tỏ tình đoàn kết, hướng về Việt Nam cũng như biểu tình, lên án các hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc.
Phát biểu trước hàng nghìn người biểu tình, ông Lê Hồng Cường, Trưởng Ban tổ chức cuộc biểu tình khẳng định việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam đã xâm phạm Lô 143 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu Trung Quốc còn tấn công, phá hoại các tàu của cảnh sát biển và tàu kiểm ngư Việt Nam.
Ông Lê Hồng Cường nêu rõ với hành động này, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây căng thẳng hơn cho tình hình ở biển Đông. Theo ông Lê Hồng Cường, dân tộc Việt Nam luôn mong muốn hòa bình và nhân ái, không muốn chiến tranh, cũng như không muốn phá vỡ đi tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt - Trung. Nhưng một khi chủ quyền, độc lập dân tộc bị đe dọa, nhân dân Việt Nam, dù ở bất cứ đâu, cũng kiên quyết đứng lên bảo vệ đất nước.
Cùng tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, ông Siegfried Sommer, Chủ tịch Hội Đức-Việt khẳng định hành động của Trung Quốc đã vi phạt luật pháp quốc tế, gây bất ổn cho an ninh khu vực và quốc tế. Nhiều người từ những nơi xa hàng trăm km cũng đã về Berlin, choàng lên mình những lá cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc và bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động của Trung Quốc.
Ban tổ chức cũng đã làm các khẩu hiệu, biểu ngữ bằng tiếng Việt, Đức và tiếng Anh cùng những tờ rơi nêu rõ việc Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông, qua đó giúp bạn bè Đức cũng như quốc tế hiểu rõ hơn hành động vi phạm luật pháp Việt Nam của Trung Quốc, có tiếng nói ủng hộ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam cũng như phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng của Trung Quốc. Một biển cờ đỏ sao vàng tung bay giữa lòng Berlin đã gây sự chú ý lớn đối với bạn bè Đức và quốc tế.
Trong những ngày qua, kiều bào và các lưu học sinh, sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Ý cũng bày tỏ sự bất bình trước hành động phi pháp của Trung Quốc. Ông Trần Quan Vinh, Việt kiều tại Ý cho biết, ông cảm thấy rất quan ngại trước tình hình Trung Quốc đã vi phạm Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông. Ông Vinh chia sẻ, ông theo dõi rất sâu sát tình hình đang diễn ra ở biển Đông và được biết hiện nay Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vị trí thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mọi thông tin đến nay ông đều cập nhật chi tiết và được ông chuyển lên trang mạng cá nhân cũng như gửi cho một số bạn bè, Việt kiều để mọi người cùng chia sẻ. Là người thường xuyên theo dõi mọi thông tin từ các nguồn, kể cả trong và ngoài nước, ông Vinh khẳng định, việc Trung Quốc quyết định đem giàn khoan ngang nhiên vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm cho cho tình hình ở biển Đông trở nên cực kỳ căng thẳng.
Ông Trần Quan Vinh, Việt kiều tại Ý - Ảnh: Vietnam+ |
Chung quan điểm với ông Quan Vinh, anh Nguyễn Đức Thiện, hiện là nghiên cứu sinh tại Ý, Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Ý cho biết, anh và các bạn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Ý cũng rất bức xúc và kịch liệt phản đối hành động của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sinh viên Việt Nam tại Ý yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông; đề nghị phía Trung Quốc phải ngồi vào vòng đàm phán đa phương trong vấn đề giải quyết các tranh chấp; kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế có thái độ kiên quyết đối với hành động sai trái này của Trung Quốc.
Trước hành động sai trái của Trung Quốc, Hội sinh viên Việt Nam tại Ý dự kiến sẽ tổ chức biểu tình tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Ý vào ngày 17/5 tới. Hiện Hội đang làm các công tác chuẩn bị cũng như hoàn tất thủ tục xin phép các cơ quan chức năng của sở tại để tổ chức biểu tình. Ngoài ra, hội sẽ tổ chức buổi tọa đàm để mọi người bày tỏ bày tỏ tình yêu đối với đất nước, thể hiện quan điểm, thái độ trước hành vi ngang ngược nói trên của Trung Quốc hy vọng góp một tiếng nói chung, nhằm sát cánh cùng người dân trong nước trong cuộc đấu tranh vì toàn vẹn lãnh thổ.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 11/5, cộng đồng nhiều hội, đoàn Việt Nam tại Pháp đã ra tuyên bố chung phản đối hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan di động Hải Dương-981 từ ngày 2/5 vừa qua vào khu vực nằm cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đại diện các hội, đoàn gồm Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam (AVSE), Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), nhóm Biển Đông tại Pháp (BDTP), Hội Xây dựng, Cơ học và Vật liệu (GCMM), Hội Cầu Đường Pháp (CDP), và các Hội sinh viên Việt Nam tại Montpellier và tại Nantes, đã nhóm họp ngày 8/5 tại Nhà Việt Nam (Foyer Vietnam) tại Paris để phản đối hành động bất hợp pháp của Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi khu vực.
Tuyên bố chung của các hội, đoàn nhấn mạnh hành động đơn phương này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa an ninh khu vực và vi phạm nguyên tắc giải quyết các tranh chấp tại biển Đông một cách hòa bình. Tuyên bố có đoạn viết: "Việt Nam là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán trên mọi hoạt động thăm dò, khai thác trong vùng này. Bất kỳ quốc gia nào muốn khai thác trong vùng này đều phải có sự đồng ý của Việt Nam. Vì vậy, hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Các hành động của Trung Quốc đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN vào năm 2002, theo đó các bên không làm căng thẳng thêm tình hình và nỗ lực giải quyết các tranh chấp tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế".
Trao đổi với phóng viên TTXVN, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, nguyên Chủ tịch nhóm Biển Đông tại Pháp (BDTP), Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam (AVSE), nói : "Là một công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Pháp, tôi nhận thấy hành động này là đáng bị lên án, đây là một hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta cần phải hành động mạnh mẽ và quyết liệt để cho cộng đồng quốc tế hiểu được rằng hành động của Trung Quốc không chỉ xâm hại đến chủ quyền của Việt Nam mà còn ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an ninh, chính trị trong khu vực, bởi vì hành động đó không tuân thủ bất kỳ một quy tắc nào của luật pháp quốc tế".
Theo tiến sĩ Nguyễn Hoài Tưởng, Phó chủ tịch Hội AVSE, thành viên Nhóm Biển Đông tại Pháp, vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là việc làm có tính chất xâm lược, đây là điểm khác biệt so với vụ cắt cáp của tàu Bình Minh II và Viking II trước đây. "Chính vì vậy, việc người Việt Nam ở bất kỳ nơi nào trên trái đất phản ứng là rất tự nhiên. Chúng ta cần có sự liên kết cộng đồng để tạo thành sức mạnh nhằm ngăn chặn những hành động tương tự tiếp diễn trong thời gian tới", tiến sĩ nói.
Nhóm Biển Đông tại Pháp được thành lập vào năm 2011, sau cuộc biểu tình ngày 24/11/2011 của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp chống lại việc Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh II trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Nhóm hoạt động dựa trên tinh thần duy lý và hòa bình với nhiệm vụ là nghiên cứu tìm hiểu về các tranh chấp cũng như các phức tạp trong việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo trong vùng biển Đông.
Còn theo tiến sĩ Đậu Văn Huân, người đã làm việc trong ngành điện tử tại Singapore gần một thập kỷ nay trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Singapore, anh Huân nói: “Tôi cũng như các anh em người Việt ở đây đều rất là phẫn nộ và kịch liệt phản đối hành động của Trung Quốc”.
Chị Tạ Thùy Liên, một người Việt đã sống và làm việc tại Singapore được 13 năm, cũng “cực lực phản đối và lên án hành động vi phạm chủ quyền, xâm lấn biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam” của Trung Quốc. Cả anh Huân và chị Liên đều cho rằng cộng đồng người Việt ở Singapore và các nước khác đồng lòng cùng đồng bào ở trong nước và cùng nhau cực lực phản đối hành động của Trung Quốc thông qua các kênh khác nhau như mạng xã hội, báo chí…
Những người Việt này tại Singapore kêu gọi cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ và tương trợ nhau và có những hành động thiết thực để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và hùng cường, có đủ khả năng chống lại sự xâm lăng của ngoại bang. Tiến sĩ Đậu Văn Huân cho rằng cộng đồng người Việt tại nước ngoài cần “tuyên truyền với các cộng đồng khác ở nơi mình sinh sống để họ hiểu rằng hành động vừa qua của Trung Quốc đối với Việt Nam là sai trái”.
Chia sẻ ý kiến của anh Huân, anh Tạ Hùng Cường, sinh viên năm cuối của Học viện Kaplan (Kaplan Higher Education Academy), cũng bày tỏ bức xúc trước hành động của Trung Quốc trong những ngày gần đây tại vùng biển của Việt Nam. Anh nói: "sinh viên Việt Nam đang học tập tại Singapore sẽ 'cố gắng tuyên truyền để các bạn ở Trung Quốc nói riêng và bạn bè trên thế giới nói chung hiểu đúng về tình hình ở Việt Nam…, hiểu rằng người Việt yêu chuộng hòa bình vì Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, các lớp cha ông đã mất nhiều xương máu (để giành hòa bình) nên hiểu và quý trọng hòa bình và độc lập dân tộc' và 'Việt Nam không muốn xảy ra xung đột”.
Cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ đỏ rực trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Praha - Ảnh: Vietnam+ |
Tại, CH Czech, chiều 11/5, cũng có hơn 2.000 người Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập ở đây tham gia cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Prague để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển gần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Con phố vốn yên tĩnh gần ga tàu điện ngầm Hradcanska ở quận Prague 6 của thủ đô Czech đỏ rực quốc kỳ Việt Nam với hàng nghìn người Việt đủ mọi lứa tuổi đội mũ đỏ, áo đỏ in hình ngôi sao vàng. Họ giương cao biểu ngữ bằng tiếng Việt, tiếng Czech, tiếng Anh phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc và hô vang các khẩu hiệu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Trung Quốc rút khỏi biển Đông”, “Trung Quốc đưa ngay giàn khoan dầu ra khỏi vùng biển Việt Nam”…
Ông Vương Quốc Viễn, Chủ tịch Câu lạc bộ Năm anh em tập hợp các cựu quân nhân của Binh chủng Tăng thiết giáp và là thành viên ban tổ chức cuộc biểu tình, cho phóng viên biết: “Hơn 2.000 người Việt ở Czech, trong dó có cả đại diện của các chi hội người Việt tại các tỉnh cách Prague 300-400km như Ostava, Cheb, Brno ể biểu thị lòng yêu nước và sự phẫn nộ đối với hành động khiêu khích của Trung Quốc”.
Sát cánh cùng với người Việt là những người bạn Czech, những người con dâu, con rể của Việt Nam hoặc những người mang một nửa dòng máu Việt. Ông Marsel Winter là một người Czech hăng hái dẫn đầu đoàn biểu tình. Ông cho biết: “Tôi tham gia hành động phản đối Trung Quốc với tư cách là công dân Séc và là Chủ tịch Hội Hữu nghị Czech - Việt. Tôi rất bất bình trước hành động vi phạm luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc”.
Số lượng người tham gia biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Prague được ban tổ chức đánh giá là vượt xa dự kiến. Ông Nguyễn Thịnh, Tổng biên tập tạp chí Xa Xứ bằng tiếng Việt ở Prague cho biết: “Sáng kiến ban đầu là của các cựu chiến binh trong tòa soạn và của cây lạc bộ Năm anh em. Chúng tôi định tổ chức một cuộc phản đối trước Đại sứ quán Trung Quốc với sự tham gia của 30 anh em chúng tôi thôi. Không ngờ lòng yêu nước và sự nhiệt tình của những người Việt xa xứ dù 10 năm, 20 năm hay 30 năm vẫn sục sôi như vậy”.
Cuộc biểu tình kéo dài hơn 2 giờ, kết thúc có trật tự trong tiếng hát quốc ca và bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Các phương tiện thông tin đại chúng của CCH Czech, trong đó có kênh truyền hình CT1 và CT24 đã phát nhiều lần phóng sự về cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của cộng đồng người Việt.
L.HỘI (tổng hợp từ Vietnam+)