Sáng 13/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) đã tổ chức buổi họp chia sẻ thông tin với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài về tình hình biển Đông dưới sự chủ trì của ông Phan Anh Sơn, đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị.
Tham dự buổi họp có khoảng 300 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị, đại diện các ban, đơn vị trong Liên hiệp Hữu nghị, đại diện từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và các cơ quan báo chí trong và ngoài nước. Bốn diễn giả, nhà bình luận tham dự buổi chia sẻ thông tin về tình hình biển Đông gồm ông Nguyễn Vũ Tùng, Viện Biển Đông; bà Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao; ông Lê Văn Cương, nhà phân tích quan hệ quốc tế và ông Lê Thanh Sơn, luật sư Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Các diễn giả đã chia sẻ về lịch sử, khía cạnh pháp lý cũng như các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng biển của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Theo các diễn giả, hành động này là bất hợp pháp và đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, trực tiếp là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, đi ngược lại nội dung thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Hành động xâm phạm này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, làm cho dư luận Việt Nam cũng như khu vực và thế giới lo ngại, tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Trên cơ sở đó, cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trước hành động leo thang của Trung Quốc, kiên trì thúc đẩy đàm phán trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế; đồng thời ra tuyên bố đề nghị Liên Hợp Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột ở biển Đông. Việc Trung Quốc rút hết giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam sẽ góp phần làm ổn định môi trường hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Hội thanh niên-sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã cực lực phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, kêu gọi các bạn du học sinh Việt Nam tại Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung trở thành các sứ giả truyền tin cho bạn bè quốc tế biết về việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Thông cáo báo chí trên trang mạng http://www.sinhvienusa.org viết rằng hầu hết các quốc gia ở Đông và Đông Nam Á luôn mong muốn hòa bình và ổn định để phát triển và thịnh vượng. Với tư cách là một cường quốc đang nổi lên, Trung Quốc được trông đợi sẽ gánh vác trách nhiệm lớn trong quan hệ với các nước láng giềng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc hồi đầu tháng này đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chiểu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, là hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, luật pháp và các công ước quốc tế. Thông cáo báo chí viết: “Chúng tôi là những người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tôn trọng thông lệ quốc tế và luôn mong muốn duy trì mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc".
Tuy nhiên, trước những hành động vi phạm trên của Trung Quốc, Hội thanh niên-sinh viên Việt Nam, một tổ chức chính thức của hàng nghìn thanh niên-sinh viên tại Mỹ, tuyên bố cực lực phản đối các hành động bá quyền của giới cầm quyền Trung Quốc hòng thôn tính lãnh thổ của Việt Nam; kêu gọi người dân trên khắp thế giới, trong đó có người dân Trung Quốc và người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình, hãy cùng nhau lên tiếng phản đối hành động xâm lấn và đòi giới cầm quyền Bắc Kinh giảm leo thang căng thẳng, chấm dứt các yêu sách lãnh hải sai trái để ổn định tình hình khu vực. Yêu sách đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc là không dựa vào cơ sở pháp lý hoặc lịch sử. Cùng với tuyên bố trên đây, Hội thanh niên-sinh viên Việt Nam tại Mỹ cũng kêu gọi du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới trở thành các sứ giả truyền tin về các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Hòa chung trong không khí cùng bày tỏ sự phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981trái phép tại thềm lục địa Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam tại Thái Lan đã tổ chức buổi thảo luận và lên kế hoạch tuần hành để gửi thư kiến nghị phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc cùng một số cơ quan quốc tế tại Bangkok. Cuộc gặp đã thu hút hơn 60 sinh viên, học sinh đang theo học tại các trường đại học ở Thái Lan và một số Việt kiều. Tất cả các ý kiến phát biểu đều bày tỏ quan điểm phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông và hưởng ứng việc tổ chức tuần hành cũng như gửi thư kiến nghị phản đối của Hội sinh viên Việt Nam tại Thái Lan.
Dự kiến buổi tuần hành để gửi thư phản đối sẽ diễn ra vào 15/5, trong đó các sinh viên cũng thống nhất thực hiện theo phương châm lịch sự, ôn hòa, tôn trọng luật pháp Thái Lan và chấp hành các quy định cũng như hướng dẫn của ban tổ chức. Bác Nguyễn Văn Hồng, Việt kiều tại Thái Lan, chia sẻ: "Tôi là Việt kiều xa quê hương. Trước việc người Trung Quốc tiến hành xâm lấn nên tôi mong muốn góp phần tham gia phản đối bằng việc tuần hành trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Thái Lan nhằm thể hiện cho người dân trên thế giới biết được rằng Việt kiều xa quê luôn có tình cảm hướng về Tổ quốc".
Anh Đoàn Sĩ Long, sinh viên Trường đại học Thammasat, cho biết: "Thông qua việc đưa lá thư kiến nghị này, Trung Quốc có thể sẽ hiểu được rằng không chỉ người Việt trong nước mới phản đối việc họ đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, mà người Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới điều phản đối hành động vô luật pháp và trái với công ước quốc tế này”. Các sinh viên Việt Nam tham dự tuần hành để gửi thư kiến nghị dự kiến cũng sẽ mời bạn bè quốc tế ở Thái Lan cùng tham dự nhằm tạo nên một hình ảnh thân thiện.
Tàu Trung Quốc đâm vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam
Tường thuật từ “điểm nóng” quanh khu vực giàn khoan trái phép HD-981, phóng viên Báo Người Lao Động, cho biết vào lúc 8 giờ ngày 13/5, tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003, 2013, 4032 và các tàu kiểm ngư của Việt Nam, đồng loạt tiếp cận giàn khoan trái phép HD-981 do Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Các tàu Việt Nam tiếp tục mở loa tuyên truyền, yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hoạt động trái phép ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các tàu của Việt Nam liên tục phát loa bằng 3 thứ tiếng Việt Nam, Trung Quốc và tiếng Anh với nội dung: “Đây là vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo Luật Biển Việt Nam và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, mọi hoạt động của các vị trên vùng biển này là trái phép, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược với Tuyên bố ứng xử của các bên đối với biển Đông. Yêu cầu các vị chấm dứt và đưa giàn khoan ra khỏi vị trí vùng biển Việt Nam”.
Sau khi tàu 8003 của Việt Nam tiến về hướng cách giàn khoan trái phép khoảng 7 hải lý, lập tức tàu Trung Quốc 3411 áp sát tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003 và có hành động uy hiếp. Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc liên tục đeo bám, dùng mọi biện pháp hăm dọa từ 8 giờ đến 9 giờ mới chịu dừng lại.
Cũng trong sáng nay, khi tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4032 làm nhiệm vụ chấp pháp tại vùng biển cách giàn khoan trái phép khoảng 5 hải lý (nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam) liền bị 2 tàu Trung Quốc 7028 và 4601 áp sát rồi đâm thẳng vào mũi tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4032 khiến mũi tàu này bị trầy xước. Tuy nhiên, các chiến sĩ trên tàu của Việt Nam vẫn rất kiên cường đeo bám, kiềm chế và tìm mọi cách tránh bị tàu Trung Quốc tấn công. Theo chứng kiến của PV Báo Người Lao Động, tình hình trên khu vực quanh giàn khoan trái phép HD-981 tiếp tục căng thẳng. Các tàu Trung Quốc có mặt tại khu vực giàn khoan tỏ ra hết sức hung hăng.
Sau khi khắc phục hư hại do bị tàu Trung Quốc đâm trái phép, tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4033 đã quay trở lại khu vực Hoàng Sa để cùng các tàu khác của Việt Nam thực thi pháp luật, ngăn chặn Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Thông tin mới nhất của PV Báo Người Lao Động đang tác nghiệp tại “điểm nóng” Hoàng Sa, cho biết, chiều 13-5, tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4033 đã có mặt tại khu vực vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD-981. Tàu 4033 sẽ cùng với các tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư của Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước đó, trao đổi với PV Báo Người Lao Động, đại úy Nguyễn Huy Trung, Chính trị viên tàu Cảnh sát biển 8003 của Việt Nam, cho biết, mặc dù tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng nhưng các lực lượng của ta vẫn tiếp tục bám trụ, thực hiện đúng đối sách, mệnh lệnh từ sở chỉ huy. Ngoài việc tiếp cận tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu thuyền hộ tống trái phép ra khỏi thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, các cán bộ chiến sĩ còn có nhiệm vụ bảo vệ ngư dân đang hoạt động đánh bắt trong vùng biển Việt Nam.
(NLĐO) |
PV (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)