Thứ Năm, 28/11/2024 01:35 SA
Những cống hiến của đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta cho cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 12/05/2014 09:00 SA

Một vấn đề quan trọng nổi bật của công tác xây dựng Đảng trong khoảng cuối năm 1930 đầu năm 1931 là một mặt Ban Chấp hành Trung ương chủ trương kết nạp thêm nhiều công nhân vào Đảng, mặt khác, cũng là lúc phải uốn nắn một sai lầm nghiêm trọng của Xứ ủy Trung Kỳ: thanh trừ những đảng viên thuộc các thành phần trí, phú, địa, hào. Bản Chỉ thị của Trung ương gửi Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng Trung Kỳ phản ánh quan điểm của Trung ương Đảng và của Tổng bí thư Trần Phú, cho dù khi ban hành chính thức văn kiện này, ngày 20/5/1931, Trần Phú đã bị chính quyền thực dân bắt giam hơn 1 tháng. Ở đây có thể thấy rất rõ sự đồng nhất quan điểm đánh giá thái độ cảm tình và ủng hộ cách mạng của nhiều người trong hàng ngũ trí thức, trung, tiểu địa chủ, phú nông tại Chỉ thị của Trung ương Thường vụ về vấn đề thành lập Hội “Phản đế đồng minh” ngày 18/11/1930, và Chỉ thị của Trung ương gửi Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng Trung Kỳ. Chỉ thị của Trung ương Thường vụ về vấn đề thành lập Hội “Phản đế đồng minh” viết: “Ở Trung Kỳ thì Nghệ Tĩnh đã thành một cao trào cách mạng đỏ, mà trong các tầng lớp trên đã phân hóa, có một tụi đã ôm chân đế quốc chặt chẽ phản lại dân tộc, ra làm bang tá, đoàn dũng để giết hại phong trào. Tuy vậy (số đó - TG.) không nhiều, mà ngược lại các tầng lớp trí thức và một số sĩ phu, một số trung tiểu địa chủ lại có xu hướng cách mạng rõ ràng.

 

Qua khủng bố trắng dữ dội, họ vẫn cố gắng bám lấy cách mạng và âm thầm ủng hộ cách mạng nhất là tiểu địa chủ và phú nông, trung nông hạng trên. Một số nhà nho bần hàn cũng cảm tình với cách mạng…

Trong Nghệ Tĩnh thì địa chủ và phú nông cùng một số quan lại nhỏ, nói đúng sĩ phu nhỏ trong nông thôn đã phân hóa, và một số lớn đã nghiêng về cách mạng” 1.

 

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy một nhận xét tương tự như trên trong Chỉ thị của Trung ương gửi Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng Trung Kỳ: “Đảng Cộng sản Đông Dương xuất phát từ chỗ giác ngộ phản đế, ghét Pháp từ trước tới nay, nên trong hàng ngũ Đảng có những thù gia tử đệ, cựu nho, trung, tiểu địa chủ, phú nông, trung nông ở nông thôn và một số giáo viên, học sinh chữ Pháp và một số tiểu thương, tiểu chủ hay con nhà tiểu thương, tiểu chủ ở thành thị, cùng với một số thợ xí nghiệp, một số công chức, tổ chức hỗn hợp lại trong một phong trào” 2.

 

Thêm nữa, theo sự phân công của Thường vụ Trung ương Đảng, Trần Phú phụ trách mọi việc liên quan đến Xứ ủy Trung Kỳ, đương nhiên việc xử lý một vấn đề lớn như vấn đề thanh Đảng, vốn đã diễn ra ở Trung Kỳ một thời gian trước khi Trần Phú bị bắt, không thể không có ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư, đồng thời là người theo dõi, chỉ đạo hoạt động của Xứ ủy.

 

Với những căn cứ trên, có thể khẳng định rằng, những quan điểm phê phán trong Chỉ thị của Trung ương gửi Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng Trung Kỳ là thuộc dòng tư duy chính trị của Trần Phú, những quan điểm ấy không có gì khác biệt, trái lại có sự nhất quán với những quan điểm đánh giá về thái độ tích cực ở một số trung, tiểu địa chủ, phú nông, trí thức… được nêu trong Chỉ thị của Trung ương Thường vụ về vấn đề thành lập Hội “Phản đế đồng minh” (ngày 18/11/1930).

 

Chỉ thị của Trung ương về vấn đề thanh Đảng trình bày những luận điểm rất quan trọng về đặc điểm hình thành Đảng Cộng sản Đông Dương là sự kết hợp chặt chẽ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào yêu nước chống chủ nghĩa thực dân đế quốc: “Sau năm 1923, có những cuộc bãi công ở Nhà máy xi măng Hải Phòng, các đồn điền cao su ở Nam Kỳ, do đó giai cấp công nhân ở Đông Dương đã thành một lực lượng giai cấp giác ngộ nhứt định của nó, mặc dầu mới đầu tiên và còn yếu ớt.

Cộng vào một khí chất phản đế của các dân tộc ở Đông Dương do các phong trào phản đế từ trước nung nấu lại, hai lực lượng ấy hợp lại xây dựng nên Đảng Cộng sản Đông Dương” 3 (chúng tôi nhấn mạnh - TG.)

 

Đặc điểm đó chi phối cơ cấu thành phần giai cấp của đảng viên. Ngoài số đảng viên xuất thân từ công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác, còn có một số lượng đáng kể đảng viên và cán bộ cao cấp của Đảng xuất thân từ các tầng lớp trên. Do vậy, việc đánh giá, sử dụng đảng viên, cán bộ không thể chỉ căn cứ vào thành phần giai cấp xuất thân, mà phải xem xét hoạt động, sự tu dưỡng, rèn luyện của họ trong thực tiễn đấu tranh cách mạng; mặt khác, không chỉ nhìn thấy hiện tượng thoái hóa, biến chất đi tới đầu hàng, phản bội của một số ít đảng viên không phải công nhân mà phủ nhận bản chất cách mạng của đa số cán bộ, đảng viên. Bản Chỉ thị về vấn đề thanh Đảng đã giải thích rất rõ: “Cách mạng là một cuộc đấu tranh dữ dội, sự được thua, tan đi, lập lại là thường, có những người biến chất đầu hàng phản bội cũng không phải là kỳ quái, vả lại điều kiện khách quan và nền sinh sản ở Đông Dương như trong bản Luận cương chính trị đã phân tích và chỉ rõ, thì những phần tử xuất phong đầu và tiền phong chủ nghĩa trong hàng ngũ vẫn có… nhưng là số ít, còn thì giai tầng nào mặc dầu, nhưng đa số đồng chí hết sức trung thành, hiến thân cho Đảng đến giọt máu cuối cùng” 4. Phẩm chất cách mạng đó khiến kẻ thù bất lực, không thể khuất phục được họ: “Qua những cuộc đấu tranh trong mật thám, trường hành chính đế quốc Pháp phải lè đầu tặc lưỡi. Sự thật rõ ràng là oanh liệt đó, Xứ ủy Trung Kỳ đã trông thấy rồi” 5.

 

Bản Chỉ thị nghiêm khắc phê bình những sai lầm thanh Đảng của Xứ ủy Trung Kỳ: “Xứ ủy Trung Kỳ, nhất là đồng chí Bí thư, ra Chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ: thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ, như vậy thì gốc đâu mà đào, xem rễ ở đâu mà trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên chí tướng” 6.

 

Tiếp đó, Trung ương Đảng hướng dẫn Xứ ủy phương pháp sửa chữa sai lầm trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá khách quan tình hình thanh Đảng, tiến hành tự phê bình, nhận khuyết điểm; kết hợp việc sửa chữa khuyết điểm với việc nâng cao nhận thức lý luận chính trị và phương pháp lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng: “vậy tiếp được chỉ thị này, Xứ ủy phải nghiêm mật khảo xét lại từng địa phương, từng bộ phận, từng cá nhân, người nào sai, bộ phận nào sai phải dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy ra tự chỉ trích bônsơvích, nhận lỗi trước quần chúng, trước đảng viên thật dứt khoát rành mạch (chúng tôi nhấn mạnh - TG.), rồi kiểm điểm lại lực lượng, tuân thị công tác đến các chi bộ, nghiêm mật lãnh đạo, nghiên cứu lại bản Luận cương chính trị, so sánh, suy xét mọi hành động, mọi nhận định, từng việc, từng lúc để tranh đấu trên hai mặt lý thuyết và thực hành, đặng làm cho Đảng Bônsêvích hóa để cách mạng hóa quần chúng, qua đó mà duy trì cơ sở, phát triển phong trào cách mạng, đồng thời qua thử thách đấu tranh mà vận động phát triển Đảng” 7.

 

Những quan điểm và phương pháp chỉ đạo xây dựng Đảng rất đúng đắn, sâu sắc, sáng tạo và thiết thực chứa đựng trong Chỉ thị của Trung ương gửi Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng Trung Kỳ có giá trị lâu dài về lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng ta. Trên cơ sở “công nông là gốc cách mạng” Đảng sớm thu hút được những phần tử yêu nước tiến bộ xuất thân từ các giai cấp và tầng lớp xã hội vào trận tuyến đấu tranh. Nhiều người tiên tiến nhất trong số đó gia nhập Đảng Cộng sản cũng là một tất yếu như bản Chỉ thị của Trung ương đã nêu. Nhận thức rõ điều đó sẽ tránh được sai lầm “tả” khuynh, thành phần chủ nghĩa, đồng thời thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường giáo dục lập trường, quan điểm cách mạng của giai cấp công nhân cho cán bộ, đảng viên.

 

Phương pháp phê bình, tự phê bình nghiêm túc và thành thực để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm mà bản Chỉ thị của Trung ương thể hiện, phản ánh bản chất bônsêvích cách mạng và khoa học của Đảng ta ngay từ khi Đảng mới ra đời.

 

Đóng góp nổi bật của Trần Phú về công tác xây dựng Đảng còn thể hiện ở kết quả xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng và công tác tư tưởng, tuyên truyền. Tháng 7/1930, Trịnh Đình Cửu, người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương vì lý do mắt kém. Từ đó, phần lớn công việc chuẩn bị nhân sự để thành lập Ban Chấp hành Trung ương chính thức và soạn thảo các văn kiện trình Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho Ban Chấp hành Trung ương lâm thời thực hiện, diễn ra rất dồn dập và do Trần Phú đảm nhiệm. Theo tài liệu hiện nay chúng ta biết, từ tháng 5 đến tháng 7/1930, 3 ủy viên Trung ương bị địch bắt. Nhiệm vụ tìm chọn đảng viên ưu tú để bổ sung đủ số lượng Ban Chấp hành Trung ương lâm thời (7 đồng chí) và điều hành hoạt động của cơ quan này chủ yếu thuộc trách nhiệm của Trần Phú.

 

Công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương và các văn kiện quan trọng hoàn tất chủ yếu trong mấy tháng giữa năm 1930 đã tạo điều kiện cho Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930, do Nguyễn Ái Quốc triệu tập, diễn ra thuận lợi và thành công. Từ đây, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập Ban Chấp hành Trung ương chính thức, do Trần Phú làm Tổng bí thư, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đấu tranh thực hiện mục tiêu cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đã vạch ra.

 

Hội nghị Trung ương vừa kết thúc, Trần Phú đến Thượng Hải cùng với Nguyễn Ái Quốc gặp Ban Bí thư Bộ Phương Đông thuộc Quốc tế Cộng sản báo cáo Luận cương chính trị và các nghị quyết Hội nghị Trung ương, tất cả được chuẩn y. Cuối tháng 11/1930, Trần Phú về Sài Gòn, trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, lấy xây dựng tổ chức Đảng làm trọng tâm. Cuối tháng 12/1930, Trần Phú chủ trì Hội nghị Thường vụ bàn về công tác tuyên truyền, quyết định xuất bản báo Cờ vô sản, ra hằng tháng, mỗi số 3.000 bản và tạp chí lý luận chính trị Cộng sản, ra không đều kỳ, mỗi số 2.000 bản. Tờ báo và tạp chí này đều là cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Một tháng sau, tháng 1/1931, báo Cờ vô sản phát hành số đầu tiên, tháng 2/1931, Tạp chí Cộng sản ra số đầu.

 

Cuối tháng 1/1931, Tổng bí thư Trần Phú và các ủy viên Thường vụ Trung ương dự Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ, kiểm tra và chỉ đạo hoạt động của Đảng bộ Nam Kỳ. Sau khi biết hoạt động của Đảng bộ Nam Kỳ không tiến triển, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân và tổ chức Công hội, Nông hội sa sút vì bị địch khủng bố ác liệt, Trần Phú chỉ đạo hội nghị thảo luận, quyết định đưa hoạt động của Xứ ủy vào kế hoạch một cách nghiêm túc, không do dự. Đồng chí chỉ dẫn cho Xứ ủy nhiều nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện như quan tâm cổ vũ, khích lệ Xứ ủy viên nhiệt tình công tác, tăng cường phát triển đảng viên mới, tổ chức thêm chi bộ xí nghiệp; cần bắt đầu xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản, phát triển Công hội và Cứu tế đỏ, cố gắng chấn chỉnh các công hội bị phá vỡ và cứu vãn các nông hội khỏi bị tan rã, tuyên truyền, giải thích cho nông dân đã ra “đầu thú” hiểu rõ rằng, hành động đó của họ là sai lầm, có hại cho họ, cho cách mạng và đưa họ trở lại Nông hội.

 

(Còn nữa)

----------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, tr.229-230

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.3, tr.155-156

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.3, tr.156

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.3, tr.156-157

(5,6)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.3, tr.157

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.3, tr.157-158

 

GS, NGND NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek