Thứ Ba, 08/10/2024 03:24 SA
Trung Quốc dỡ bỏ ngay giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam
Thứ Tư, 14/05/2014 08:12 SA

Biển Đông gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tên Biển Đông đã được ghi trong cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, năm 1435 thời vua Lê Thánh Tông. 

 

Biển Đông là biển duy nhất nối liền hai đại dương là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; là chiếc “cầu nối” cực kỳ quan trọng, điều kiện rất thuận lợi để giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

 

Biển Đông có 2 vịnh lớn là Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan, trong đó Vịnh Bắc Bộ là nơi có tầm quan trọng về giao thông cũng như tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí. Nó được coi là một trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới.

 

Ngoài ra, biển Đông còn là một vùng biển nước sâu rộng lớn, có nhiều tiền đề thuận lợi cho việc thành tạo và tích tụ băng cháy (còn gọi là khí hydrat). Các đảo và quần đảo trong biển Đông có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với nhiều nước. Đặc biệt, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm biển Đông, thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền… phục vụ cho tuyến đường hàng hải trên biển Đông.

 

Với vị trí và tầm quan trọng như vậy nên từ lâu Trung Quốc đã có ý đồ độc chiếm biển Đông cho riêng mình. Hàng loạt hành động của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ này gần đây, như: Đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá đối với tất cả các tàu thuyền nước ngoài từ ngày 16/5/2009 và tăng cường lực lượng tàu ngư chính xuống biển Đông; đề xuất hải quân Trung Quốc phân chia quyền kiểm soát Thái Bình Dương giữa Trung Quốc với Mỹ; tuyên bố của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngày 16/6/2009 tiến hành khoan thăm dò khai thác trong biển Đông; tự ý vẽ ra và ngày 7/5/2009, chính thức yêu cầu lưu truyền trong cộng đồng các nước thành viên Liên Hiệp Quốc bản đồ thế giới thể hiện “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là đường chữ U, đường đứt khúc 9 đoạn) trên biển Đông. Yêu sách “đường lưỡi bò” cũng như những hoạt động thực tế của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian qua cho thấy Trung Quốc đang thực hiện âm mưu độc chiếm tất cả vùng nước và tài nguyên nằm trong vùng biển này; thể hiện rõ nét chính sách bành trướng ra biển, đảo của Trung Quốc. Đặc biệt, sau hàng loạt hành động ngang ngược tiếp theo như: Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mời các công ty nước ngoài làm việc với tập đoàn này trên 9 lô thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; cắt cáp ngầm tàu Bình Minh 2…; ngày 1/5 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và huy động hơn 80 tàu các loại (chưa kể máy bay hỗ trợ trên không) có những hành động rất hung hăng, như bắn vòi rồng có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.

 

Tại phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo ASEAN sáng 11/5 tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanma), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn lên án hành động gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông và kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. “Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh và khẳng định: “Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng”.

 

Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước, chống giặc ngoại xâm nên hơn ai hết nhân dân Việt Nam hiểu được cái giá phải trả của chiến tranh; và cũng hơn ai hết nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình. Vì yêu chuộng hòa bình nên Việt Nam luôn kiềm chế, song cũng kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

 

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên nhận thức rằng mọi yêu sách không có cơ sở pháp lý và nhất là hành động đơn phương sử dụng sức mạnh xâm hại chủ quyền của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng là không thể chấp nhận. Vì vậy, toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân Phú Yên luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương, sát cánh cùng cả nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển. Vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông và khu vực; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên kêu gọi Trung Quốc tuân thủ theo luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, hãy dỡ bỏ giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; kêu gọi nhân dân Trung Quốc và các nước lên tiếng bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển Đông, của khu vực và trên thế giới.

 

PHÚ YÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek