LTS: Sau khi Báo Phú Yên đăng bài báo 2 kỳ “Về hai bài báo trên Báo Công An TP HCM: “Viết tiếp bài: Ở tỉnh Phú Yên vẫn còn “lệ làng”? Doanh nghiệp được mời gọi đầu tư bị hành tới số”: Sự thật bị bóp méo, vì tác giả thiếu hiểu biết hay thiếu đạo đức của người cầm bút?”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của cán bộ, nhân dân không đồng tình với cách làm ăn của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát. Từ số báo này, chúng tôi xin lần lượt trích đăng các ý kiến đó.
Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Trương Phước Cường: ĐẢNG BỘ SƠN HOÀ ỦNG HỘ CHỦ TRƯƠNG THÁO GỠ DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT ĐƯỜNG.
Ngay từ đầu, Sơn Hòa đồng tình với việc xây dựng nhà máy cồn, rượu, phân vi sinh của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (RVP). Tại biên bản làm việc ngày 18/3/2005 giữa các ngành của tỉnh với huyện Sơn Hoà và bà Bùi Thị Quy - Giám đốc Công ty TNHH RVP nhằm khảo sát thực địa xác định địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất cồn, rượu và phân vi sinh của Rượu Vạn Phát không có từ nào nói về sản xuất đường. Thế nhưng trong quá trình triển khai xây dựng, nhà đầu tư này đã lắp đặt dây chuyền sản xuất đường. Việc làm sai trái trên đã được chúng tôi phát hiện và báo cáo cho tỉnh. Trước sau, Sơn Hoà cũng chỉ đồng ý cho RVP xây dựng nhà máy cồn, rượu và phân vi sinh. Quan điểm của Đảng bộ huyện Sơn Hoà là ủng hộ chủ trương tháo gỡ dây chuyền sản xuất đường xây dựng trái phép đó. Chúng tôi cũng mong muốn tỉnh sớm xử lý dứt điểm vụ việc này, tạo điều kiện cho huyện ổn định vùng nguyên liệu mía.
Chủ tịch UBND xã Sơn Hà Nguyễn Ngọc Tiến: XÃ RẤT KHÓ QUẢN LÝ VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA.
Công ty TNHH RVP đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cồn, rượu, chúng tôi rất ủng hộ vì tạo thêm việc làm cho người dân và góp phần phát triển công nghiệp địa phương. Thế nhưng, nhà đầu tư lại xây dựng phân xưởng sản xuất đường, thu mua mía nguyên liệu dẫn đến cạnh tranh với Nhà máy đường KCP làm cho tình hình địa phương phức tạp. Phân xưởng sản xuất đường của RVP đã đưa vào sản xuất từ giữa tháng 4 đến nay, song ban đầu hoạt động chưa ổn định do thiết bị trục trặc, hỏng hóc nên có trường hợp người dân chặt mía nhưng không bán được đến xã nhờ can thiệp. Nói chung, từ khi phân xưởng đường của RVP đi vào hoạt động, có trường hợp người dân nhận đầu tư của KCP lại bán mía cho RVP và ngược lại nên xã rất khó quản lý vùng nguyên liệu mía.
Cũng cần nói thêm, trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy, doanh nghiệp này có những việc làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, như làm trở ngại trong việc vận chuyển nông sản trong vùng, đường dây điện tải điện, xả nước thải. Người dân đã gửi đơn khiếu kiện đến chính quyền và chúng tôi đã mời nhà đầu tư RVP tìm cách giải quyết, song đến nay RVP cũng chưa xử lý triệt để. Gần đây, nhà máy đi vào sản xuất, nhiều lúc gây mùi hôi khó chịu, nhân dân thôn Mặt Hàn lại có đơn thư phản ánh.
Ông Nguyễn Văn Phú ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hòa, huyện Sơn Hòa: VẠN PHÁT KHÓ BAO TIÊU ĐƯỢC MÍA CHO NÔNG DÂN
Tôi là người bán mía cho RVP. Tôi thuê công chặt được 4 xe mía, nhưng chỉ nhập được 1 xe, còn 3 xe phải lấy lá mía phủ lên che nắng cả tuần thì mới nhập được. Tôi bán cho RVP hơn 17 tấn mía từ ngày 25/4, nhưng đến ngày 7/5 vẫn chưa nhận được tiền. Chuyện như vậy chưa từng xảy ra với tôi hồi còn bán mía cho Nhà máy đường KCP. Theo tôi được biết, việc Công ty TNHH RVP chậm nhập mía là do thiết bị của nhà máy cũ, khi vận hành liên tục bị sự cố, phải dừng hoạt động. Vì thế, tôi nghĩ RVP không thể bao tiêu tốt mía của bà con ở huyện Sơn Hòa. Tôi mong niên vụ sau sẽ được Nhà máy đường KCP ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ mía.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, tổ 3 nông dân, thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa: KHÔNG NÊN CÓ THÊM NHÀ MÁY ĐƯỜNG Ở SƠN HÒA
Tôi và bà con nông dân trồng mía ở xã Sơn Hà có nhà xây, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ là nhờ có Nhà máy KCP tiêu thụ mía của bà con ổn định. Tôi thấy, giá mía của Nhà máy đường KCP thu mua của bà con là theo giá thị trường và tương đối ổn định. Cũng nhờ đó, nông dân ở xã này có thu nhập hàng chục triệu đồng, có người mỗi vụ thu cả trăm triệu. Nếu không trồng cây mía, chuyển sang trồng sắn, mè thì không thể nào có lãi cao như vậy. Nhà máy đường KCP tiêu thụ mía của bà con tốt, nhà máy đang nâng thêm công suất nên chắc chắn nhu cầu thu mua mía nguyên liệu còn cao hơn trước. Vì thế, việc có thêm một nhà máy đường khác ở huyện Sơn Hòa là không cần thiết.