Thứ Tư, 27/11/2024 11:37 SA
Phát hiện nhiều sai phạm trong khâu thẩm định và thực hiện tại Dự án nhà máy rượu Vạn Phát
Thứ Tư, 19/07/2006 07:48 SA

PYO số 198 ra ngày 7-7- 2006 có đăng tải ý kiến của UBND tỉnh xung quanh dự án nhà máy cồn, gas CO2, phân vi sinh tổng hợp Vạn Phát (Sơn Hòa). Để làm rõ những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án, ngày 22-6-2006 của UBND tỉnh đã có Quyết định số 596/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn thanh tra thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thẩm định của các cơ quan quản lý Nhà nước lẫn việc thực hiện dự án của phía nhà đầu tư.

 

TỪ TRỤC TRẶC GIỮA HAI NHÀ ĐẦU TƯ

 

Dự án Nhà máy cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của Công ty TNHH rượu Vạn Phát (RVP) đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt chấp thuận đầu tư (tại Quyết định số 552/QĐ-UB ngày 14-4-2005). Trong đó, nguyên liệu sản xuất được sử dụng là mật rỉ đường từ các nhà máy đường hiện có trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum… Tại tỉnh Phú Yên, nguồn mật rỉ đường chủ lực được cung cấp từ Nhà máy đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP tại Sơn Hòa, theo hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết giữa KCP và RVP. Hợp đồng nguyên tắc này là một trong những yếu tố quan trọng để tỉnh Phú Yên chấp thuận cho RVP đầu tư Nhà máy cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp tại huyện Sơn Hòa (gần nhà máy đường KCP nhằm giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu sản xuất cho nhà đầu tư). Cũng nói thêm, trong quyết định phê duyệt chấp thuận đầu tư, hoàn toàn không có việc đầu tư dây chuyền thiết bị để sản xuất đường.

 

Trong quá trình triển khai dự án, theo báo cáo của RVP, vào thời điểm đó quan hệ giữa hai bên (KCP và RVP) trong việc thực hiện hợp đồng nguyên tắc nêu trên không được thuận lợi và có nhiều bất cập phát sinh dẫn đến dự án nhà máy RVP “bí” nguồn nguyên liệu đầu vào để có thể đưa nhà máy đi vào hoạt động. Vì thế, phía RVP đã nhiều lần làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc tháo gỡ nguồn nguyên liệu đầu vào cho dự án. Và theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã ký Quyết định số: 1612/QĐ-UBND ngày 21-7-2005 điều chỉnh nội dung chấp thuận đầu tư của dự án, trong đó nội dung chính là bổ sung thêm các loại: sắn lát và đường thủ công sẵn có tại địa phương cho nguyên liệu đầu vào, nhằm tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu sản xuất, trong trường hợp KCP không đồng ý cung cấp mật rỉ. Tại Quyết định 1612/QĐ-UBND cũng không đề cập đến việc bổ sung dây chuyền công nghệ để nấu đường, chỉ bổ sung thêm nguồn nguyên liệu đầu vào, các nội dung khác vẫn giữ nguyên như Quyết định 552/QĐ-UBND. Có thể nói đây chỉ là giải pháp tình thế để tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, vì đối với dự án này, tỉnh Phú Yên hoàn toàn không cam kết đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy.

 

ĐẾN VIỆC MỞ RỘNG DỰ ÁN KHI CHƯA CÓ GIẤY PHÉP

 

Ngoài 5ha đã được cấp để thực hiện dự án, trong quá trình triển khai phía RVP đã có nhiều tờ trình về việc xin mở rộng diện tích được cấp thêm 10ha để xử lý môi trường nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Do vậy, công ty đã tự ý mua quyền chuyển nhượng thêm 85.242m2, trong đó phần diện tích kề cận khu 5ha đã được giao là 41.046m2 và phần diện tích nằm cách xa công ty là 44.196m2 để mở rộng nhà máy và đã tự ý xây dựng nhiều hạng mục công trình không đúng như dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, không có giấy phép xây dựng trên diện tích đất mua thêm. UBND huyện Sơn Hòa đã có Quyết định số 377, ngày 7-4-2006 phạt công ty RVP 8.000.000 đồng về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với hành vi vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích với diện tích 39.175m2 và buộc khôi phục lại tình trạng của đất đã bị thay đổi.

 

Việc xây dựng nhà máy, ngoài những công trình đã được cấp giấy phép xây dựng như: xưởng sản xuất cồn, gas, tháp chưng cất, nhà vệ sinh công nhân, nhà lò hơi, bồn UASBR, nhà căn tin, nhà bảo vệ, nhà trạm cân, khu vực cầu cân xe, nhà lò hơi, bể lắng, bể xử lý PH, bể xử lý dự kiến và bể điều hòa nước với tổng diện tích trên 4193,66m2. RVP còn cho xây dựng một số công trình chưa có giấy phép xây dựng, cụ thể: nhà chế luyện có diện tích 926.16m2, nhà nguyên liệu sắn có diện tích 738,36m2, xưởng ép mía có diện tích 536m2. Thêm nữa, tại Thông báo số: 790/TB-UBND ngày 17-8-2005, UBND tỉnh Phú Yên đã không cho phép RVP lập cơ sở sản xuất xi rô tại Sơn Hà, huyện Sơn Hòa. Mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, RVP lại tự ý mua hệ thống cán ép mía đưa về nhà máy, trong khi vùng nguyên liệu xung quanh nhà máy đã được quy hoạch cho KCP. Việc RVP phục hồi dây chuyền thiết bị cán ép mía của Nhà máy đường Việt Trì, Cục Chế biến Nông lâm sản và nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có khuyến cáo là không hiệu quả (tại Văn bản số: 53/CB-CBBQ ngày 8-2-2006); UBND tỉnh cũng đã có văn bản không cho phép đưa vật tư thiết bị quá cũ, lạc hậu vào tỉnh (tại Văn bản số: 1331/UBND ngày 5-8-2005). Do vậy, UBND tỉnh không chấp nhận việc lắp đặt dây chuyền thiết bị nêu trên.

 

Do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng tiến hành thanh kiểm tra công ty. Ngày 3-4-2006 Sở Công nghiệp tỉnh đã có công văn số 71 về việc báo cáo tình hình lắp đặt thiết bị và tính đồng bộ dây chuyền thiết bị nêu rõ: các máy móc thiết bị phân xưởng cồn, gas CO2 đã lắp đặt xong và hiện đang thử kín hệ thống thiết bị đường ống. Tất cả các máy móc thiết bị của phân xưởng này đều mới. Ngoài ra, RVP đã triển khai lắp đặt xong hệ thống nấu, đường hóa từ nguyên liệu tinh bột sắn, bắp...mà hệ thống này không có trong danh mục đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 552 ngày 14-4-2005. Các thiết bị phân xưởng chế biến rượu, phân vi sinh tổng hợp do công ty chưa triển khai đầu tư trong năm 2006 nên chưa lắp đặt. Thiết bị phân xưởng ép nước mía để sản xuất cồn, công ty đã mua của nhà máy đường Việt Trì hiện đang bảo dưỡng, sửa chữa, riêng hệ thống nồi hơi đang lắp đặt. Qua những việc làm cho thấy công ty này đã tự ý tiến hành lắp đặt hệ thống thiết bị từ các nguồn khác nhau không nằm trong danh mục hệ thống thiết bị đã được phê duyệt, đi ngược lại với hồ sơ dự án được duyệt. Ngoài ra, việc triển khai dự án còn chậm, chưa bám sát vào mục tiêu đầu tư, việc xây dựng các hạng mục công trình chưa đồng bộ nhất là khâu xử lý tác động môi trường.

 

VÀ NHỮNG THIẾU SÓT TRONG KHÂU THẨM ĐỊNH

 

Việc dự án được thẩm định từ ngày 4-4-2005 trên cơ sở biên bản cuộc họp ngày 6-9-2004 trước khi Sở Kế hoạch – đầu tư đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đã có nhiều nội dung thay đổi như: địa điểm xây dựng nhà máy (trước đây là thôn Thành Hội không phải thôn Mặc Hàn như hiện nay); diện tích xây dựng nhà máy là 14ha (không phải 5ha); tại thời điểm phê duyệt Công ty RVP không có nguồn nguyên liệu để sản xuất vì phía Công ty công nghiệp KCP đã đơn phương chấm dứt hợp đồng cung cấp mật rỉ với RVP...Do đó, Tờ trình số 401/TTr-KHĐT, ngày 4-4-2005 của Sở Kế hoạch – đầu tư đề nghị UBND tỉnh phê duyệt dự án là thiếu căn cứ, công tác thẩm định còn thiếu sót.

 

Qua kiểm tra, cho thấy Công ty RVP đề nghị bổ sung mục tiêu đầu tư nhưng chưa lập dự án, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, khi thay đổi mục tiêu đầu tư, cho phép sử dụng nguyên liệu đầu vào có bổ sung thêm sắn lát, đường thủ công, RVP cũng chưa lập báo cáo tác động môi trường để cấp có thẩm quyền phê duyệt mà đã xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị chế biến sắn lát, xây phân xưởng ép mía. Việc làm này không đúng với khoản 9, điều 2 Quyết định số 2601/QĐ-BTNMT ngày 1-12-2005 của Bộ Tài nguyên và môi trường, yêu cầu công ty “Báo cáo bằng văn bản về những thay đổi so với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và chỉ được thực thiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan, trong đó có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường”.

 

Thêm nữa, việc Sở Kế hoạch – đầu tư thẩm định dự án chưa đầy đủ nhưng vẫn trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt khi phía RVP không còn đủ điều kiện đảm bảo nguyên liệu sản xuất. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc chủ đầu tư liên tục có công văn đề nghị xin bổ sung giải quyết nguyên liệu đầu vào và xin thêm diện tích để xử lý môi trường. Việc lập tờ trình số 1009/KH – ĐT, ngày 22-6-2006 đề nghị UBND tỉnh quyết định bổ sung mục tiêu đầu tư dự án cho phép công ty rượu Vạn Phát sử dụng nguyên liệu từ cây nông nghiệp (mía, sắn mì...) trong khi công ty này chưa có dự án về nhà máy chế biến các nguyên liệu loại này, chưa lập dự án phát triển vùng nguyên liệu mía là việc làm không đúng quy chế quản lý đầu tư xây dựng và quy định của tỉnh. Không có biện pháp xử lý khi công ty rượu Vạn Phát không thực hiện đúng nội dung dự án đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt. Việc cấp giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng còn kéo dài, xử lý chưa kịp thời khi doanh nghiệp này cho xây dựng các hạng mục công trình ngoài giấy phép xây dựng. Ngành Tài nguyên – môi trường cắm mốc giao đất chưa đúng với quyết định đầu tư làm diện tích tăng thêm 589m2 không thu tiền thuê đất. Việc UBND tỉnh có văn bản thỏa thuận với công ty TNHH KCP Việt Nam  ngày 2-3-2000 có những điều khoản chưa phù hợp với tình hình hiện nay, không xác định thời hạn cho việc thực hiện cam kết. Đây là thiếu sót về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản dẫn đến những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch – đầu tư có Tờ trình số 1009/KHĐT đề nghị điều chỉnh những nội dung chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 552 của UBND tỉnh là chưa đảm bảo căn cứ. Và phải chăng từ những thiếu sót này đã “tạo điều kiện” cho phía RVP “xé rào” trong quá trình thực hiện dự án!?.

 

Từ những việc làm trên cho thấy việc thực hiện chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư của tỉnh còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ đừng để “việc bé xé ra to” như trường hợp của RVP.

 

TỔ PV NỘI CHÍNH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek