Hôm qua (21/5/2008), Ban chỉ đạo 915 của UBND tỉnh đã hoàn thành việc cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt hành chính đối với phân xưởng sản xuất đường của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (RVP). Nếu tính từ khi ban hành Quyết định 915, gần 1 năm sau (thiếu 2 ngày) mới thực hiện được việc cưỡng chế. Nếu tính từ những văn bản đầu tiên của tỉnh yêu cầu nhà đầu tư RVP không được xây dựng phân xưởng sản xuất mía đường, thì sự việc này đã kéo dài ngót 2 năm. Điều ấy cho thấy RVP đã bất chấp pháp luật như thế nào.
Tháo dỡ bàn tải nguyên liệu mía |
Điều nhiều người biết: Nghị quyết 09/2000 của Chính phủ “Về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quyết định số 58 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn về ban hành quy chế phối hợp trong sản xuất và tiêu thụ mía đường… đều không cho phép xây dựng thêm nhà máy đường ở Phú Yên. UBND tỉnh Phú Yên cũng không hề có một quyết định nào cho phép xây dựng nhà máy đường mới. (Năm 2000, Tổng Công ty Mía đường II được sự đồng ý của tỉnh đã tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu, thiết kế kỹ thuật nhà máy,... nhằm xây dựng nhà máy đường công suất 3.000 tấn mía/ngày tại huyện Sơn Hòa, nhưng rồi phải dừng lại vì Chính phủ không đồng ý).
Thế nhưng, từ mùa hè 2006, tại thôn Mặc Hàn, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, thuộc vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường KCP, nơi UBND tỉnh cho phép RVP xây dựng nhà máy cồn, ga CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp lại dần dần xuất hiện nhà máy sản xuất đường kết tinh. Điều trớ trêu là nhà máy đường Việt Trì mà Chính phủ xếp loại 3b, buộc phải dừng sản xuất để bán thanh lý tài sản, một nhà máy quá nhỏ, cổ lổ sỉ, ra đời ngót nửa thế kỷ mà Cục Chế biến nông sản - nghề muối và UBND tỉnh đều không đồng ý di chuyển về Phú Yên, nhưng RVP vẫn đưa về lắp ráp.
Đoàn kiểm tra Chính phủ, khi về Phú Yên giải quyết khiếu nại của RVP, đã yêu cầu RVP dừng lại việc lắp đặt phân xưởng sản xuất mía đường (lúc đó mới 70%). Liên Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Kế hoạch - Đầu tư cũng báo cáo Chính phủ không cho phép xây dựng thêm nhà máy đường ở Phú Yên và được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đồng ý, có gởi văn bản 1291/VPCP cho RVP biết. UBND tỉnh, các ngành chức năng và huyện Sơn Hòa cũng đã tổ chức thanh tra, xử phạt hành chính và ban hành các văn bản yêu cầu RVP ngừng xây dựng và tự tháo dỡ phân xưởng này... nhưng bất chấp tất cả, RVP lợi dụng hoàn cảnh Phú Yên đang ưu đãi mời gọi nhà đầu tư, lợi dụng thời điểm cấp trên xem xét khiếu nại, lợi dụng một số bài báo nói xấu về môi trường đầu tư Phú Yên... để làm liều chuyển nhượng đất và xây dựng trái phép, tổ chức khánh thành, tranh mua nguyên liệu mía... và phân xưởng này đã hoạt động trái phép gần trọn một vụ mía.
Chúng ta đang sống trong một đất nước mà mọi người có quyền và nghĩa vụ sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, Phú Yên ưu đãi mời gọi, trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư, nhưng không vì thế mà không xử lý theo pháp luật những người cố tình vi phạm pháp luật, xem thường kỷ cương phép nước. RVP không chỉ cố tình vi phạm Luật Đất đai, Luật Xây dựng, không chấp hành sự quản lý hành chính của chính quyền địa phương... mà còn cố tình phá vỡ quy hoạch phát triển ngành mía đường vốn đang phát triển ổn định và có liên quan mật thiết đến cuộc sống của hàng chục vạn người dân Phú Yên. Do vậy, cưỡng chế không cho phép phân xưởng sản xuất mía đường của RVP hoạt động đó là điều bắt buộc phải làm để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, để tạo sự ổn định và phát triển mạnh ngành mía đường của tỉnh và tạo thuận lợi cho những nhà đầu tư chân chính phát triển sản xuất kinh doanh ở Phú Yên...
Dù muộn, việc cưỡng chế phân xưởng sản xuất mía đường của RVP đã được triển khai nhanh gọn, đúng pháp luật, được đông đảo cán bộ nhân dân đồng tình. Đó cũng là bài học cảnh tỉnh những ai cố tình vi phạm pháp luật.
KHÁNH HOÀNG