Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường bộ, Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải biên soạn sách giáo khoa và tài liệu pháp luật về trật tự ATGT, triển khai giảng dạy pháp luật về giao thông chính khóa trong nhà trường ở các cấp học từ mầm non đến THPT. Cùng đó, những buổi ngoại khóa, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật về ATGT cũng được triển khai, gắn học đi đôi với hành. Những mô hình “Đoạn đường em chăm”, “Đoạn đường tự quản”, “Đoạn đường ATGT”…ra đời, bước đầu đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường sắt được các chi Đội, Đoàn thanh niên và nhà trường coi là tiêu chuẩn để bình xét thi đua và xếp loại đạo đức học sinh hàng tháng. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm các quy định về ATGT hiện vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ và ngay trong khu vực đô thị, nhiều trường hợp lái xe không chấp hành đầy đủ các quy định an toàn khi tham gia giao thông nên rất mất an toàn.
Học sinh giăng hàng ngang đi giữa đường (ảnh chụp tại thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An chiều 8/5 - Ảnh: X.HIẾU
Chị Huỳnh Thị Đẹp (ở xã An Cư, huyện Tuy An) có con đang học ở Trường THPT Trần Phú, cho biết từ sau khi nghe tin vụ TNGT thương tâm ở dốc Bà Ền (xã An Hoà) hồi trung tuần tháng 4, chị không dám cho con tự đến trường mà giao “ông xã” đưa đón. “Để con tự đi xe tui không yên tâm, lỡ có bề gì hối hận thì đã muộn”, chị nói. Còn ông Nguyễn Văn Bích (ở xã Hoà Tân Đông, huyện Đông Hoà) có con học ở Trường THPT Lê Trung Kiên thì cho hay: “Tôi có hai đứa con. Đứa lớn tính tình điềm đạm, trước đây đi học tôi sắm cho chiếc xe đạp tự đến trường nhưng cũng rất lo mất an toàn. May mà không có điều gì xảy ra suốt ba năm học. Riêng đứa út, tính hiếu động, ra đường hay đùa nghịch nên tôi không dám để tự đi mà phải đưa đi, đón về”. Còn vợ ông thì nói: “Nghe đài báo nói nhiều tới tai nạn giao thông, những lúc bận việc không đưa đón được, vợ chồng tôi cứ thấy lo lo. Chỉ khi nào cháu về đến nhà, người lành lặn tôi mới yên tâm”.
Đúng là nhìn cảnh học sinh tan trường, nhất là những trường gần quốc lộ, tỉnh lộ, đường có nhiều phương tiện tham gia giao thông, không ai là không lo TNGT xảy ra. Cả trăm học sinh cùng ùa ra đường một lúc với xe đạp, xe máy, đi thành đôi hàng ba, thậm chí dàn hàng ngang chiếm hết lòng, lề đường. Nhiều học sinh không về ngay mà tụm năm tụm bảy chuyện trò, đùa giỡn ngay trên đường, gây mất an toàn giao thông (ATGT).
Thỉnh thoảng trên đường phố, người ta chứng kiến nhiều học sinh THPT buông cả hai tay khi điều khiển xe, đi không đúng phần đường, xe đạp đu bám xe máy… Cá biệt, một số em còn chạy xe lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường. Còn ở một số trường tiểu học và THCS hiện nay, có rất nhiều học sinh tự đi xe đạp. Những học sinh này, do chưa nắm vững luật giao thông, chưa có ý thức cao trong việc chấp hành các quy định về ATGT nên thường phạm luật, rất dễ gây TNGT.
Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh. Nghiêm cấm triệt để việc học sinh đi học bằng phương tiện xe máy, học sinh tiểu học đi xe đạp. Các bậc phụ huynh cũng cần thường xuyên nhắc nhở con em mình khi ra đường nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về ATGT, không nên giành đường, chen lấn, phóng nhanh, vượt ẩu, đi hàng đôi hàng ba trên đường…
VĂN LANG