Thứ Tư, 27/11/2024 03:14 SA
Lãng phí trong đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt
Chủ Nhật, 08/07/2007 09:30 SA

Trong qui hoạch cấp nước sạch vùng nông thôn từ năm 2004 đến 2010, tỉnh Phú Yên đưa ra mục tiêu phải đạt tỉ lệ 85% số dân được sử dụng nước sinh hoạt đạt chuẩn hợp vệ sinh theo định mức từ 60-100 lít/người/ngày với tổng vốn đầu tư 180 tỉ đồng.

 

070706-Ea-lam.jpg

Do hệ thống cấp nước Ea-Lâm không sử dụng được nên hàng trăm hộ dân ở buôn Bai dùng chung một giếng - Ảnh: THẾ LẬP

 

Trong hơn ba năm qua, Phú Yên xây dựng 17 công trình cấp nước tập trung cùng một số công trình cấp nước phân tán khác. Tỉ lệ số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt từ 38% đã nâng lên 47% vào cuối năm 2006. Tuy nhiên, nếu tính hiệu quả thật sự của các công trình này đem lại- nghĩa là đúng theo tiêu chuẩn nước sạch- chắc chắn tỉ lệ số dân được sử dụng nước sạch sẽ thấp hơn nhiều, vì số hộ sử dụng cũng như chất lượng nước nhiều công trình sau khi đưa vào khai thác đã không đạt yêu cầu.

 

Qua kiểm tra cho thấy, ít nhất 8 công trình có chất lượng nước bị nhiễm phèn, nhiễm vi sinh, chất hữu cơ…. như các công trình cấp nước ở Ea- Lâm, Hội Sơn, Xuân Thọ 1, Phú Sen, Lương Sơn…. Ngoài ra, thực tế số lượng hộ được sử dụng nước so với thiết kế đều thấp xa. Cụ thể, hệ thống cấp nước xã vùng cao Ea- Lâm (huyện Sông Hinh) được đầu tư hơn 1,22 tỉ đồng, theo thiết kế sẽ cấp nước sinh hoạt từ 332 hộ đến 414 hộ nhưng thực tế chỉ khoảng 50% hộ được sử dụng. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, hệ thống nước sạch ở Ea- Lâm không còn hoạt động vì bị nhiễm phèn từ 2,5 đến 3 lần mức cho phép theo tiêu chuẩn qui định của Bộ Y tế. Toàn xã Ea Lâm có gần 2.300 người, phần lớn là đồng bào dân tộc Ê- đê chỉ dựa vào nguồn nước từ 9 giếng đào và một số con suối còn nước được bà con đào xuống thành những vũng nhỏ để tích nước. Tại buôn Bai có 152 hộ sử dụng 3 giếng nhưng một giếng đã cạn, bà con phải dùng chung hai giếng nên hàng ngày thường xuyên có hàng chục người túc trực để luân phiên xách từng gàu nước ở độ sâu khoảng 20 mét về uống. Ở buôn Học, tất cả 41 hộ phải dùng chung một cái giếng. Các buôn Gao, Bưng A và Bưng B cũng lâm vào tình cảnh như vậy. Hay như hệ thống cấp nước ở Nhất Sơn (huyện Phú Hoà) được đầu tư hơn 885 triệu đồng, theo thiết kế sẽ cấp nước cho 223 hộ nhưng thực tế chỉ 40 hộ sử dụng từ hệ thống cấp nước ở Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) nhiễm vi sinh, sắt…, và thực tế cũng chỉ 100 hộ  được cung cấp so với thiết kế là 353 hộ….

 

Ngoài ra, tổng kinh phí đã đầu tư cho chương trình này ở Phú Yên trong 3 năm từ 2004-2006 chỉ hơn 13,7 tỉ đồng, đạt tỉ lệ gần 8% so với mục tiêu (180 tỉ đồng) là quá ít. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư hầu như dựa hoàn toàn vào Trung ương hoặc nguồn vốn tài trợ khác ngoài ngân sách tỉnh. Cụ thể năm 2004, ngân sách tỉnh cấp 200 triệu thì sang năm 2005 kế hoạch phân bổ còn 90 triệu nhưng cũng không có vốn và hai năm 2006-2007 tỉnh không bố trí vốn…

 

Nếu tính số dân nông thôn ở Phú Yên vào khoảng 670.000 người và để đạt mục tiêu đến năm 2010 có 85% người dân được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh thì trong ba năm tới tỉnh Phú Yên phải xây dựng nhiều công trình cấp nước để phục vụ thêm cho hơn 255.000 người (tương đương với tỉ lệ 38% số dân). Đây là điều rất khó trở thành hiện thực.

 

THẾ LẬP

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek