Thôn Hòa An (xã Xuân Hòa) vừa được UBND huyện Sông Cầu công nhận và khen thưởng vì có thành tích 5 năm liền là thôn văn hóa.
Ngư dân thôn Hòa An tổ chức lễ Nghinh Ông trên biển trong lễ hội cầu ngư năm 2007 - Ảnh: X.HIẾU |
Thôn Hòa An một mặt giáp với biển, ba bề còn lại là vùng cát trắng và núi. Khai thác thế mạnh từ kinh tế biển, với 199 tàu thuyền, từ năm 2004 đến nay, nhân dân thôn Hòa An đã đầu tư nâng công suất phương tiện nghề cá đảm bảo đánh bắt khơi và lộng, nâng sản lượng hải sản khai thác lên 1.200 tấn/năm. Bên cạnh đó, bà con còn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, với 500 lồng (khoảng 25.000 con) tôm hùm thịt, hàng năm xuất bán 20 tấn thương phẩm thu trên 10 tỉ đồng; ương nuôi 60.000 con tôm hùm giống phục vụ cho nhu cầu nuôi thịt ở địa phương và các nơi khác. Toàn thôn có 60 hộ làm nghề chế biến cá cơm xuất khẩu, trong đó có 2 cơ sở chế biến công nghiệp, qui mô lớn, sản lượng hàng năm 100 tấn. Vào chính vụ, các cơ sở chế biến thu hút gần 400 lao động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân địa phương. Hòa An còn có nghề chế biến nước mắm truyền thống khá nổi tiếng được duy trì bởi 30 hộ. Năm 2005, nghề này có thêm điều kiện phát triển nhờ dự án “Khôi phục nghề chế biến nước mắm thôn Hòa An” do Trung ương Hội Nông dân Việt
Cũng như ở các làng biển khác, trước đây thôn Hòa An vẫn có tình trạng phụ nữ không có việc làm, chỉ ở nhà trông chờ vào thu nhập của chồng con từ nghề đánh bắt hải sản và nuôi tôm hùm. Để giải quyết được tình trạng này, Ban nhân dân thôn phối hợp với chi hội nông dân, phụ nữ xây dựng các dự án, tín chấp vay gần 14 tỉ đồng từ nguồn vốn 2308 của Ngân hàng Nông nghiệp huyện, gần 1 tỉ đồng từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo cho các hộ trong thôn vay đầu tư phát triển sản xuất, buôn bán nhỏ, hùn hạp nuôi tôm hùm… Từ đó, phụ nữ ở đây đã có việc làm, tăng thêm thu nhập và nâng cao mức sống cho gia đình. Đến nay, toàn thôn không có hộ đói; hộ nghèo chỉ còn 30, chiếm tỉ lệ 6,62%; số hộ khá và giàu tăng lên nhanh chóng. Đời sống hộ gia đình chính sách cũng đã được nâng lên.
Kinh tế phát triển ổn định và vững chắc, lại có điều kiện giao lưu với bên ngoài nhờ mạng lưới giao thông nông thôn thông suốt, nhân dân thôn Hòa An đã hưởng ứng và tham gia tích cực cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, thôn văn hóa, xã văn hóa… Với phương châm “lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân”, bà con trong thôn luôn quan tâm, đoàn kết xây dựng đời sống mới, động viên nhau đóng góp hàng trăm triệu đồng cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, như: đóng góp 180 triệu đồng kiên cố hóa đường giao thông trong thôn, 46 triệu đồng xây dựng 6 phòng học của phân trường Tiểu học Xuân Hòa, 10 triệu đồng xây dựng trụ sở thôn, 10 triệu đồng xây dựng cổng thôn văn hóa. Bà con chuẩn bị đóng góp 60 triệu đồng xây dựng trường mẫu giáo thôn.
Mặt mạnh ở thôn Hòa An trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là nhân dân chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú. Các đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền của thôn thường xuyên luyện tập và biểu diễn, thi đấu phục vụ nhân dân địa phương. Hàng năm thôn tổ chức lễ hội cầu ngư vào tháng 5 âm lịch khá qui mô, ngoài phần lễ còn có các hoạt động thể thao như bóng đá bãi biển, kéo co, đua thuyền rồng, lắc thúng chai…, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi cho dân làng. Còn trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân hàng năm, bà con nghiêm túc nhận xét và đề ra những nhiệm vụ cụ thể tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động, kịp thời biểu dương, khen thưởng, xây dựng những điển hình “người tốt, việc tốt”…
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân nâng cao, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có hiệu quả, thôn Hòa An ngày càng thay da đổi thịt. Mới đây thôn Hòa An được UBND huyện Sông Cầu công nhận và khen thưởng về thành tích 5 năm liền (từ 2002 - 2006) đạt danh hiệu thôn văn hóa.
THANH HIỀN