Gọi là lu chứa nước sạch, nhưng mấy năm rồi, khô trơ đáy, trong khi bà con phải đi gùi từng gùi nước ở suối xa! Còn chợ ư, cứ thả bò chạy rông, chứ chẳng ai vào buôn bán.
KHÁT...… BÊN NHỮNG LU CHỨA NƯỚC!
Đi trên Quốc lộ 25 lên Củng Sơn, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người dân tộc thiểu số đang lom khom gùi từng gùi nước từ Suối Cau đi về buôn suối Cau (xã Sơn Hà). Thật ngạc nhiên! Nhà nước đầu tư ở buôn này cả trăm cái lu để chứa nước, và mấy hôm rồi trời có mưa mà sao bà con không hứng nước mưa để sử dụng? Vào buôn tìm hiểu, mới biết những cái lu này không phát huy tác dụng. Ông Y Nhạn, Trưởng buôn Suối Cau giải thích: “Cái lu chứa được 3m3, mà miệng lu chỉ rộng khoảng 0,7m thì dù mưa to cũng khó có thể hứng được nhiều nước, chứ đừng nói chi mùa nắng ít mưa. Cán bộ tỉnh tận tình hướng dẫn cho bà con dùng tấm nhựa hứng nước mưa chảy từ mái nhà vào lu, nhưng chẳng ai chịu làm. Vả lại có làm thì nước hứng từ mái nhà tranh cũng dơ bẩn lắm!”
Chợ Eacharang không một bóng người mua bán - N.LƯU
Bên nhà rông văn hóa của buôn Suối Cau, bầy trẻ con đen trùi trũi đang nô đùa quanh chiếc lu to. Một đứa trẻ chăn bò cầm roi nhảy tót lên ngồi huýt sáo trên miệng lu đang đậy kín. Chúng tôi quan sát ở các nhà dân xung quanh cũng thấy những chiếc lu đậy kín hoặc mở nắp nhưng khô trơ đáy, hay chỉ chứa rất ít nước đang ngả màu vàng; có những chiếc lu vỡ vụn. Ông Y Nghệ, già làng Suối Cau, cho biết: Lu lớn, nhưng chỉ làm bằng xi măng, cát sạn chứ không có sắt thép, nên chất lượng không tốt. Ở đây có đến 8 cái lu đựng nước tự động vỡ! Nhiều lu chứa nước lâu ngày, trở thành nơi để muỗi sinh loăng quăng. Do vậy, cán bộ y tế của huyện đến hướng dẫn bà con xả bỏ nước và đậy nắp kín miệng lu, đề phòng dịch bệnh.
Không dùng được lu và thiếu nước giếng sạch, hơn 200 hộ dân ở đây phải đi lấy nước ở Suối Cau cách nhà hơn 300m để sử dụng hằng ngày, dù biết nước suối không đảm bảo vệ sinh.
Đứng trên đồi cao tôi gọi điện về Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên để trao đổi thông tin về việc thiếu nước sạch ở Suối Cau. Ông Nguyễn Hữu Thứ, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Lu nước ở Suối Cau được xây dựng từ năm 2003, theo chương trình đầu tư của quốc gia, nhưng đến nay xem ra không phát huy hiệu quả, không khắc phục được tình trạng thiếu nước sạch cho dân. Mới đây, Trung tâm đã khoan thăm dò ở Suối Cau và phát hiện có nguồn nước sạch ở độ sâu 40m. Trung tâm đã lập thiết kế kỹ thuật dự án bơm dẫn nước phục vụ cho bà con, với tổng vốn khoảng 500 triệu đồng. Nhưng đến nay Sở NN và PTNT tỉnh chưa thẩm định và trả lại hồ sơ, do chưa tìm ra kỹ sư trắc địa có chứng chỉ hành nghề làm chủ nhiệm khảo sát địa hình dự án này, theo quy định của Nghị định 16/CP của Chính phủ”.
Không biết đến bao giờ, người dân Suối Cau mới có được nước sạch?
CHỢ KHÔNG NGƯỜI MUA BÁN
Lu chứa nước khô trơ đáy ở Suối Cau - N.LƯU
Chiều ở Ea Cha Rang, chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh nhiều người đạp xe đi bán hàng khắp làng, trong khi ngôi chợ được xây dựng khá khang trang ở ngay trung tâm cụm xã thì vắng tanh không một bóng người buôn bán! Gian chính của chợ trống trơn, còn mặt sân rộng chỉ có những con bò thong thả… đi dạo. Bên căn nhà nằm ở cạnh chợ (thôn Kiến Thiết), bà A Thoan cho chúng tôi biết: “Nhiều người Kinh sinh sống ở đây rất thạo nghề buôn bán, nhưng chưa dám vào chợ kinh doanh lâu dài, chứ đừng nói đến bà con dân tộc thiểu số” Ông Ma Rin, chồng bà A Thoan, nói chen vào: “Chợ này đầu tư hàng trăm triệu mà bỏ trống hoài, lãng phí quá! Mà chợ chưa có các ki-ốt, nên dân còn ngại chưa muốn thuê để bán hàng tạp hóa. Cũng có một số bà con dân tộc thiểu số thích bán hàng ở chợ, nhưng không có vốn, lại sợ không có lãi”.
Trước khi lên huyện Sơn Hòa, chúng tôi nhận được thông tin: chợ Ea Bar (huyện Sông Hinh) xây dựng từ lâu nhưng không phát huy tác dụng, vì thế mới đây chính quyền địa phương đã quyết định chuyển sang làm trường học rất hiệu quả. Vậy còn chợ Ea Cha Rang thì sao? Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Kpá Y KLô, Chủ tịch UBND xã Ea Cha Rang, cho biết: Sau khi xây dựng xong chợ vào cuối năm 2001, xã đã vận động bà con vào buôn bán trong chợ, nhưng chẳng ai hưởng ứng. Bởi thực tế lâu nay, bà con dân tộc thiểu số đã có thói quen mua đồ dùng sinh hoạt, từ các “chợ di động” của người Kinh bán ngay trước cửa nhà, vừa nhanh, vừa tiện lợi. Thay đổi nhận thức, tập quán của bà con là cả một vấn đề nan giải, đòi hỏi phải có thời gian.
Hiện tại, xã đang tích cực vận động bà con chấm dứt cảnh mua bán hàng dạo; động viên và hỗ trợ (như không thu phí mặt bằng trong 3 năm để một số người Kinh có điều kiện về kinh tế vào chợ bán hàng. Kết quả đáng phấn khởi là đã có một số người gửi đơn đăng ký kinh doanh ở chợ. Ban quản lý chợ sẽ kiểm tra và phân lô mặt bằng chợ cho họ trong nay mai…
Hy vọng chợ ở trung tâm cụm xã Ea Cha Rang sẽ dần dần thu hút đông đảo người dân tộc thiểu số, để một ngày không xa nơi đây sẽ trở thành trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa sầm uất, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn miền núi thêm khởi sắc.
LƯU PHONG