Thứ Bảy, 21/09/2024 01:45 SA
Tiểu đoàn 96, Sư đoàn 320 sát cánh chiến đấu, giải phóng Phú Yên
Thứ Sáu, 29/03/2013 14:00 CH

Tuy rời quân ngũ đã lâu, nhưng những năm tháng cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương Phú Yên luôn sống động trong ký ức của cựu binh Ngô Minh Kỳ, nguyên Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 96, hiện đang sinh sống tại phường 9 (TP Tuy Hòa). Đặc biệt, kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng quê hương Phú Yên (1/4/1975-1/4/2013) đang cận kề, những phút giây hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử như trỗi dậy trong ông…

cuabien130329.jpg
Cửa biển Đà Rằng, nơi chứng kiến sự tháo chạy hỗn loạn của quân địch trong ngày 1/4/1975 - Ảnh: H.ANH

Sau chiến dịch Mậu Thân 68, tiểu đoàn 85 bị hao hụt về quân số, sau đó được bổ sung Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn 10 vì vậy mới có tên gọi là Tiểu đoàn 96. Sau khi nhập hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Tiểu đoàn 96 được điều đi và đóng quân tại Diên Khánh (Khánh Hòa).

Sau khi đánh tiêu diệt một đại đội bảo an và một đại đội do Tiểu đoàn 206 của địch chi viện tại xã Hòa Định (Phú Hòa), ngày 20/3/1975, Tiểu đoàn 96 nhận được lệnh của quân khu và Tỉnh đội hành quân cấp tốc lên phía tây Củng Sơn (Sơn Hòa) để chặn đánh địch từ Phú Bổn, Phú Túc (Gia Lai) đang tháo chạy theo đường số 7 xuống Phú Yên. Sau hai ngày một đêm hành quân, tiểu đoàn đã có mặt tại điểm tập kết, liền triển khai đội hình chuẩn bị chiến đấu và bắt liên lạc với sư 320, một đơn vị chủ lực của ta. Lúc này một bộ phận quân địch ở Tây Nguyên xuống đã vượt cầu dã chiến qua sông Ba để sang đường số 5, còn lại một bộ phận khác, chủ yếu là đoàn xe tăng của địch còn co cụm lại ở quận lỵ Củng Sơn. Lệnh của sư 320 là phải băng sông để chặn địch không cho chúng chạy nhưng lúc này nước sông lớn, quân ta không thể sang sông. Trong tình thế quân địch đã rất hoang mang dao động, Ban chỉ huy sư 320 và Ban chỉ huy Tiểu đoàn 96 đã họp quyết định đánh tiêu diệt địch, giải phóng quận lỵ Củng Sơn.

14g 30 ngày 24/3/1975, được pháo binh và xe tăng của sư 320 chi viện, Trung đoàn 64 thuộc sư 320 và Tiểu đoàn 96 đã phối hợp từ nhiều hướng đồng loạt tiến công. Đại đội 2, Tiểu đoàn 96 chia thành 2 mũi đánh vào cụm xe tăng địch gồm có 16 chiếc ở chân núi Một. Lúc này bọn địch đã như rắn mất đầu, nên khi thấy xe tăng của ta xuất hiện, chúng không còn chống cự. Tại đây, quân ta nhanh chóng làm chủ trận địa, bắn cháy 7 xe tăng M41, diệt 70 tên địch, thu 7 khẩu ĐKZ 75 ly và nhiều súng các loại cùng các chiến lợi phẩm khác…”Điều đặc biệt và rất đáng mừng tại trận này, tuy trận đánh diễn ra rất quyết liệt nhưng đơn vị không có thương vong lớn”, ông Kỳ nói. Thừa thắng xông lên, Tiểu đoàn 96 và Trung đoàn 64 tiếp tục triển khai chiến đấu. Đến 17g cùng ngày, ta đã hoàn toàn làm chủ quận lỵ Củng Sơn. Mặt khác, Tiểu đoàn 96 và một bộ phận của Trung đoàn 64 tiến quân sang Tuy Bình (Sông Hinh) bao vây yếu khu Phú Đức. Sáng hôm sau (25/3), toàn bộ quân địch ở Phú Đức đầu hàng, tên đại tá Đồng, Trung đoàn trưởng trung đoàn xe tăng địch bị bắt.

10g đêm ngày 25/3, Tiểu đoàn 96 cùng sư 320 tiếp tục hành quân tiến về huyện Tuy Hòa 2 triển khai quân để đánh vào TX Tuy Hòa.

Theo kế hoạch tấn công đã thống nhất, Sư đoàn 320 được chia thành 3 mũi tiến công. Một mũi chặn ở đèo Cả; một mũi ở cánh bắc; còn một cánh nữa cùng tiểu đoàn 96 đi về phía cầu Ông Chừ để đánh thẳng vào TX Tuy Hòa. Đêm 30/3, một cánh quân của sư 320 đã ém sẵn tại cầu Ông Chừ. Tiểu đoàn 96 lúc này đang ở xã Hòa Quang để tối 30 chia quân thành 3 mũi đi truy lùng các lực lượng bảo an, dân vệ của địch, đồng thời hành quân cấp tốc về TX Tuy Hòa.

Sáng ngày 1/4/1975, trong khí thế tiến công như nước vỡ bờ, vừa tiến vào thị xã, pháo của sư 320 đã bắn thủng hai lô cốt của trận địa pháo địch ở núi Nhạn, địch hoảng hốt bỏ chạy. Khi đánh vào TX Tuy Hòa, cả một hệ thống ngụy quân ngụy quyền hầu như đã tan rã từ trước. Do bị chặn từ các hướng và trước sự tiến công như vũ bão của quân ta, bọn địch hoảng hốt tháo chạy một cách hỗn loạn. Một chiếc trực thăng của chúng cũng không kịp cất cánh. Quân của chúng chạy xuống cửa biển Đà Rằng, một số chạy qua Phú Lâm, còn phần lớn bị chết, xác giặc chồng chất ngổn ngang.

Sau khi Phú Yên được giải phóng, sư 320 lại hành quân ngược lên Tây Nguyên, hành quân thần tốc bằng cơ giới trên quốc lộ 14, tham gia trận quyết chiến cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kể từ ngày 1/4/1975 đến nay, thời gian trôi qua đã 38 năm. Ai đã từng được chứng kiến thời khắc lịch sử này sẽ không thể nào quên. Ông Ngô Minh Kỳ tự hào vì mình là một người lính Bộ đội Cụ Hồ được trực tiếp tham gia trận tiến công giải phóng quê hương. Kể từ ngày 1/4/1975 lịch sử, Phú Yên sạch bóng quân thù. Truyền thống hào hùng của quá khứ đã tiếp sức cho hiện tại và hướng về tương lai. 38 năm qua, Phú Yên chuyển mình xây dựng quê hương theo đúng nghĩa của đất Phú trời Yên.

HÀ ANH

(ghi theo lời kể của cựu chiến binh Ngô Minh Kỳ, nguyên Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 96)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek