84 tuổi đời, gần 65 năm tuổi Đảng, là một thương binh, ông Phan Văn Chi từng tham gia kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc và học tại các Trường Trung cấp Nông lâm Trung ương, đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong những năm khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông vừa cầm súng, lại vừa cầm phấn đứng trên bục giảng tại các trường trung cấp Thủy sản Trung ương, trung cấp Nông nghiệp… Năm 1976, ông về Phú Yên đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa Đông Tác; Phó hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Trường THPT Nguyễn Huệ, Hiệu trưởng Trường Vừa học vừa làm Sơn Hòa… Năm 1985, Cựu chiến binh, thầy giáo Phan Văn Chi nghỉ hưu và hiện đang sinh sống tại phường 6 (TP Tuy Hòa).
Ông Phan Văn Chi đang kể lại trận Sông Ba Trường Lạc - Ảnh: H.THU
Thực dân Pháp đã nhiều lần thực hiện dã tâm phá hoại nền kinh tế của ta ở nhiều lúc, nhiều nơi trên cả nước. Chúng đã không từ một thủ đoạn nào hòng phá hoại cầu cống, đập nước, mùa màng nhằm làm cho ta thiếu lương thực, cắt nguồn chi viện cho bộ đội và du kích tham gia đánh giặc. Ở Phú Yên, chúng đã điều động lực lượng với quân số rất đông có lúc lên tới cả trung đoàn để phá hoại đập Đồng Cam. Vì chúng biết đập Đồng Cam là nguồn sống của tỉnh Phú Yên, và một số vùng lân cận, tưới tiêu cho các cánh đồng của hai huyện Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2 với trên 25.000ha lúa mỗi năm. Nếu đánh phá được đập Đồng Cam cũng đồng nghĩa với việc chúng sẽ giành thắng lợi trên các chiến trường.
Tháng 8/1949, Trung đoàn 803 có thông báo cho Tiểu đoàn 365: Địch tập trung một lực lượng lớn gồm một trung đoàn mở cuộc hành quân lớn từ Cheo Reo, Tây Nguyên xuống Phú Yên với âm mưu đánh phá đập Đồng Cam. Biết được ý định đó của địch, Trung đoàn 803 cũng lệnh cho Tiểu đoàn 365 chuẩn bị tập trung lực lượng để đón đánh địch. Mới được thành lập trước đó 3 tháng, Tiểu đoàn 365 đang đóng quân ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa), triển khai ngay đội hình cấp tốc hành quân bộ để giành chiếm điểm trước khi giặc Pháp tới. Theo đó, 3 đại đội tham gia trận này được phân công nhiệm vụ cụ thể: Đại đội 160 đánh chiếm trước, Đại đội 200 đánh tạt sườn, C211 đánh bọc hậu. Đại đội 232 của Tiểu đoàn 118, Trung đoàn 84 do đồng chí Trần Đình Đông làm đại đội trưởng phối hợp tham gia. Đồng chí Lư Giang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 803 Tổng chỉ huy trận này. Do bị bất ngờ và gặp phải sự tiến công quyết liệt của quân ta, giặc Pháp hoảng loạn tháo chạy. Trận đánh diễn ra gần 1 giờ, tuy được trang bị vũ khí lợi hại và tập trung quân với số lượng lớn nhưng bọn chúng đã phải rút quân một cách vội vã. Quân ta thu được nhiều thùng thuốc nổ TNT. Âm mưu đánh phá đập Đồng Cam của giặc Pháp đã bị thất bại hoàn toàn.
Chiến thắng Sông Ba Trường Lạc có một ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt: kinh tế, chính trị và quân sự. Đặc biệt về mặt kinh tế, chiến thắng này đã bảo vệ được đập Đồng Cam, bảo vệ vựa thóc không chỉ phục vụ cho toàn tỉnh Phú Yên mà còn phục vụ cho các chiến trường khác như Khánh Hòa, Đắk Lắk và một số tỉnh thuộc vùng Liên khu 5.
HÀ ANH
(Ghi theo lời kể của ông Phan Văn Chi, nguyên cán bộ Tác huấn Tiểu đoàn 365)