Chiến tranh đã lùi xa 38 năm nhưng hào khí xưa vẫn còn vang vọng mãi: quân và dân Phú Yên phối hợp với Sư đoàn 320 chủ lực, tấn công tiêu diệt làm tan rã toàn bộ cánh quân địch rút lui, từ Tây Nguyên theo đường 7, bắc cầu phao vượt sông Ba, sang đường 5 về Phú Lâm, Đông Tác, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Phú Yên, tổ chức tấn công và nổi dậy giải phóng Phú Yên vào ngày 1/4/1975, góp phần đẩy nhanh tốc độ, giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975.
Đường 5 được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia
Ngày 10/3/1975, TX Buôn Ma Thuột bị quân ta tấn công bất ngờ mở màn cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Ngày 12-13/3, thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu II, lập tức điều động Trung đoàn 44 và Trung đoàn 45, thuộc Sư đoàn 23, được không quân yểm trợ đắc lực, đổ bộ xuống Phước An để phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột, nhưng bị quân ta tấn công tiêu diệt. Chiến trường Tây Nguyên bị cô lập, buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, triệu tập cuộc họp khẩn cấp ở bán đảo Cam Ranh, bàn kế hoạch rút khỏi Tây Nguyên, đưa lực lượng về phòng giữ các tỉnh duyên hải miền Trung, khi có thời cơ phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột.
Theo tài liệu của địch để lại và lời tường trình của chuẩn tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy trưởng biệt động quân: Sáng ngày 14/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu - tổng thống, Trần Thiện Khiêm - thủ tướng, Đặng Văn Quang phụ trách an ninh của tổng thống, Cao Văn Viên - Tổng tham mưu trưởng bay ra quân cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa để chủ trì cuộc họp. Tại Tây Nguyên, thiếu tướng Phạm Văn Phú tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu II, đang tìm cách củng cố lực lượng. Sau khi cuộc phản kích thất bại thảm hại, thì tướng Phú nhận được lệnh về ngay Cam Ranh để gặp tổng thống. Nhận lệnh đi cùng tướng Phú có chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân số 6.
Tại cuộc họp, tướng Phạm Văn Phú báo cáo tình hình chiến sự đang diễn ra tại Tây Nguyên. Ông ta nhấn mạnh 4 sư đoàn quân giải phóng đang tỏa khắp Pleiku, Buôn Ma Thuột, mọi đường ra biển đều bị cắt. Ông ta khẳng định: “Nếu rút khỏi Tây Nguyên năm nay, thì cuộc tấn công khác của Cộng sản có thể vào năm tới, sẽ mất duyên hải và cả miền Nam vào tay Cộng sản”. Phú đề nghị: yểm trợ không quân tối đa, được tiếp tế đầy đủ, được bổ sung quân số đủ bù đắp những thiệt hại nặng nề vừa qua.
Sau khi nghe Phú báo cáo và đề nghị, Tổng thống Thiệu lắc đầu và nói, không có gì hết, không có người, không có thiết bị để cung cấp, quân đội đang bị phân tán một cách nguy hiểm ra khắp đất nước, cho nên phải rút khỏi Kon Tum và Pleiku để bảo tồn lực lượng, lấy quân đưa về giữ đồng bằng ven biển, tiếp tế thuận lợi hơn và từ đó phản công lấy lại Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên. Cả cuộc họp không ai có ý kiến gì, tướng Cao Văn Viên nói chỉ còn con đường duy nhất để rút quân là tỉnh lộ 7, tuyến đường số 7 một con đường cũ kỹ, đi về phía đông qua tỉnh Phú Bổn, từ lâu đã không sử dụng, tuy không được tốt nhưng lực lượng công binh có thể sửa chữa hoàn thành nhanh chóng, đồng thời rút theo đường 7, sẽ tạo yếu tố bất ngờ với đối phương, nhưng đến đoạn cuối đường 7 phải tổ chức bắc cầu phao để vượt sông Ba, đưa lực lượng và phương tiện theo trục đường 5 về Phú Lâm, tập kết lực lượng ở sân bay Đông Tác. Cao Văn Viên giao cho tướng Phú lập kế hoạch triệt thoái và quyết định thời gian càng nhanh càng tốt nhưng tuyệt đối giữ bí mật.
Sau khi nhận lệnh, tướng Phú bay về Pleiku triệu tập cuộc họp ngay trong đêm để phổ biến ý định của tổng thống. Thành phần cuộc họp gồm: Phạm Ngọc Sang, Trần Văn Cẩm, Phạm Duy Tất, đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn 2. Tướng Phú phổ biến quyết định của tổng thống và kế hoạch rút bỏ Tây Nguyên để bảo tồn lực lượng, gây bất ngờ cho những người dự họp. Phú giao cho Trần Văn Cẩm soạn thảo kế hoạch và thời gian cụ thể rút quân, yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật; giao cho Phạm Duy Tất tư lệnh biệt động quân chỉ huy hành quân; đại tá Lê Khắc Lý được giao điều động lực lượng công binh làm nhiệm vụ bảo đảm hành quân và bắc chiếc cầu phao vượt sông Ba.
Sau khi phổ biến và giao nhiệm vụ, Phú bay về Nha Trang ngay trong đêm, để bảo đảm kế hoạch hành quân, Phú điều động phương tiện bắc cầu phao từ Nha Trang ra sân bay Đông Tác, lệnh cho Tỉnh trưởng Phú Yên Vũ Quốc Gia điều động Liên đoàn bảo an 924 từ thị xã sang chốt giữ trục đường 5, điều tiểu đoàn biệt động từ Khánh Hòa ra chốt giữ đèo Cả đến Hòa Vinh, tập trung tối đa phi cơ chiến đấu chi viện cho hành quân. Về phía ta, ngay từ đầu chiến dịch, địa phương chưa có kế hoạch đánh địch từ Tây Nguyên xuống. Theo kế hoạch ban đầu, ta tập trung lực lượng diệt bộ phận sinh lực địch tại chỗ để giải phóng một số xã đồng bằng của Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2, ép địch về thị xã, thị trấn.
Ngày 14/3, Đại đội Đặc công 202 tập kích cử đến núi Tranh, xã Hòa Quang diệt đại đội bảo an chốt giữ; Tiểu đoàn Bộ binh 96 tập kích diệt đại đội bảo an ở Phong Niên, xã Hòa Thắng, trụ lại đánh địch từ thị xã lên phản kích. Trong 2 ngày 15 và 16/3, địch tập trung phản kích quyết liệt nhưng bị Tiểu đoàn 96 tấn công, diệt một số địch, giữ vững trận địa.
Ngày 17/3, chỉ huy tiền phương đang tổ chức lực lượng để tấn công hướng Tuy Hòa 1 thì nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 5: địch rút bỏ Tây Nguyên theo đường 7 về TX Tuy Hòa, Tỉnh đội Phú Yên tổ chức lực lượng tập trung chặn đánh không cho chúng tháo chạy về TX Tuy Hòa. Chỉ huy tiền phương nắm chắc tình hình địch nên quyết tâm thực hiện theo kế hoạch.
Tối 18/3, quân ta nổ súng tấn công hướng Tuy Hòa 1. Tiểu đoàn 13 tập kích tiêu diệt đại đội bảo an chốt giữ cầu Cháy, Đại đội Đặc công 25 tập kích bộ phận bảo an chốt giữ Hòn Sặc nhưng bị lộ, địch phản kích quyết liệt, bị tổn thất, không làm chủ trận địa; Tiểu đoàn Bộ binh 9, tập kích lực lượng bảo an địch nằm trong dân ở các thôn Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong chốt giữ trục đường 5 đánh địch phản kích; Đại đội Đặc công 201 tập kích địch ở Hòn Kén nhưng không thực hiện được vì địch ở cứ điểm này lớn mạnh.
Ngày 19/3, địch bắc xong chiếc cầu phao vượt sông Ba, tổ chức đưa một bộ phận lực lượng và phương tiện kỹ thuật về tập kết khu vực Hòn Kén. Đến 19g cùng ngày, địch tổ chức tấn công bằng xe tăng theo trục đường 5. Bộ phận đi đầu đến cầu Tổng (Phú Thứ) bị ta tấn công diệt 5 xe tăng đi đầu, địch hoảng sợ lui lại co cụm khu vực Hòn Kén.
Từ ngày 20-23/3, địch tập trung phản kích quyết liệt hòng chiếm lại trục đường 5 do quân Tây Nguyên rút lui nhưng bị Tiểu đoàn 13, Tiểu đoàn 9 và bộ đội địa phương huyện Tuy Hòa 2 chặn đánh quyết liệt, diệt nhiều địch, phá hủy nhiều phương tiện kỹ thuật của lực lượng địch phản kích từ phía đông lên. Chỉ huy tiền phương tổ chức một bộ phận đặc công của Đại đội 201 và hỏa lực của Tiểu đoàn 167 tập kích vào quân địch co cụm khu vực Hòn Kén diệt một phận, làm cho địch đang dao động lại càng hoang mang dao động.
Đến ngày 24/3, Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 phát triển tấn công đến Củng Sơn, bắt liên lạc được Tiểu đoàn 96 của tỉnh phối hợp tấn công địch ở quận lỵ Củng Sơn và quân địch co cụm ở khu vực núi Một, quận lỵ Củng Sơn được giải phóng. Địch sợ ta truy đuổi, thả bom đánh sập cầu phao, phá hủy bãi xe Thạnh Hội và số xe còn lại tại đầu cầu phía nam.
Sáng 25/3, quân địch co cụm ở Hòn Kén được máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện đã mở đường tháo chạy. Với tinh thần thừa thắng xông lên, bộ đội ta tấn công cắt đứt không cho chúng tháo chạy, diệt và bắt sống toàn bộ, kết thúc số phận cánh quân rút lui vào 11g ngày 25/3, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Phú Yên phối hợp Sư đoàn 320 tổ chức tấn công và nổi dậy giải phóng TX Tuy Hòa và toàn tỉnh vào ngày 1/4/1975.
Chiến thắng Đường 5, quân ta từ bị động chuyển sang chủ động về cách đánh, về sử dụng lực lượng, về bảo đảm hậu cần cho chiến đấu. Sở Chỉ huy tiền phương Phú Yên có quyết tâm cao, chủ động linh hoạt sáng tạo, biết dựa vào dân, động viên mọi lực lượng tại chỗ để phục vụ chiến đấu, tạo ra sức mạnh to lớn, để chiến thắng quân địch có lực lượng đông, phương tiện nhiều, được các tướng lĩnh sừng sỏ trực tiếp chỉ huy, nhưng chúng đều bị thất bại thảm hại.
Chiến thắng Đường 5 đã khẳng định vai trò của bộ đội địa phương trong chiến tranh nhân dân. Đó là sự kết hợp giữa tấn công và nổi dậy, sự kết hợp giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trong chiến dịch trên từng hướng, làm nhiệm vụ chốt chặn, tạo điều kiện cho quân chủ lực thực hiện ý định của chiến dịch, tập trung sức tiêu diệt các mục tiêu then chốt.
Chiến thắng Đường 5 như một trận Bạch Đằng Giang trên cạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong quá trình diễn biến của chiến dịch Tây Nguyên. Đây cũng là trận đánh quyết chiến tiếp theo sau trận đánh then chốt Buôn Ma Thuột, kết thúc số phận của hơn 2 vạn quân chủ lực ngụy, phá hủy và thu giữ hơn 2 nghìn xe quân sự các loại. Quân và dân Phú Yên đã viết nên bản hùng ca vang dội, góp phần kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975.
Đại tá TRẦN VĂN MƯỜI
Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Phú Yên