Với nghị lực và niềm tin, người phụ nữ đơn thân Nguyễn Thị Liễu ở xã Ða Lộc (Ðồng Xuân) đã lần lượt chắp cánh ước mơ cho 7 người con bước vào giảng đường đại học. Người mẹ nghèo nuôi con thành tài cứ như một câu chuyện cổ tích.
Bà Liễu cùng các con cháu trong một chuyến đi dã ngoại - Ảnh: V.HÒA
Năm 1979, gia đình nghèo khó của bà Liễu từ Cam Ranh (Khánh Hòa) lên xã vùng cao Đa Lộc tạo dựng cuộc sống mới. Mười bốn năm, bảy người con lần lượt ra đời. Người chồng đau yếu, tâm thần bỏ nhà đi biệt để lại cho bà một đàn con nheo nhóc.
Ngày mới lên đây, cuộc sống vô cùng khốn khó, bà Liễu làm bún, nuôi heo, làm rẫy để xoay xở cái ăn cho cả nhà. Vừa ẵm con vừa xay bột, quết bột làm bún, rồi vô rừng lấy củi gánh về..., lúc ấy bà như một con thoi. Bà Liễu nói: “Cơ cực lắm, cơm không đủ ăn ngày hai bữa, cả nhà chỉ có cháo và sắn, bắp, chuối đắp đổi qua ngày”. Có lần, ba đứa con lớn (đứa tuổi 12, đứa 8 và đứa 6 tuổi) phụ mẹ vào rừng lấy củi. Đến xẩm tối vẫn chưa thấy con về, bà hốt hoảng băng rừng, gọi tìm khản cổ, đến giữa đêm khuya mấy mẹ con mới gặp được nhau ở bên kia hố nước.
Bà Liễu còn làm cả việc của đàn ông như ly tâm đường gia công, mở tiệm sửa xe đạp rồi xe máy, xay xát gạo... “Tui làm mọi việc và luôn động viên các con phải cố gắng học, để mong được đổi đời”, bà Liễu nói. Trong căn nhà nhỏ vách ván, giấy các tông và mái tranh, chỉ có một chiếc giường ngủ đồng thời là nơi học tập của tất thảy mấy đứa con. Mỗi tối, chị em cùng nằm sấp, những mái đầu xanh chụm vào nhau dưới ánh đèn dầu... Vậy mà, ai nấy đều học giỏi nhất nhì lớp. Các con dần lớn, biết nghe lời mẹ, yêu thương giúp đỡ nhau và chăm chỉ học hành.
Ngày con gái đầu Võ Thị Thu Hiền đậu Đại học Y dược Huế, lòng bà Liễu ngổn ngang. Mừng vui chỉ trong thoáng chốc, nỗi lo cơm áo gạo tiền lại ập đến. Bà phải bán đôi hoa tai vàng tây, kỷ vật duy nhất của mình để lo cho con vào trường. Vừa học, Hiền vừa phụ rửa chén cho quán ăn và dạy kèm để có tiền trang trải cho đến khi ra trường. Về công tác tại Công ty Dược Bình Định, Hiền đang tiếp tục học sau đại học. Tiếp nối theo chị, Võ Khắc Hòa cũng tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, hiện là Phó trưởng Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đồng Xuân.
Thời điểm Hòa học Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng, hai người em Hòa học tại Trường đại học Đà Lạt, Sư phạm Quy Nhơn và hai đứa em học phổ thông. Khó khăn chồng chất khó khăn. Ban đầu, Hòa làm công việc phát hành báo, sau đó đi tiếp thị, chạy bàn trong quán ăn rồi chuyển sang dạy kèm để lo chi phí cho việc học tập. Võ Khắc Hòa nói: “Gia đình khó khổ, tôi thấy tủi thân nhưng như thế lại càng có động lực để phấn đấu học tập”.
Người con thứ ba là Võ Đa Lộc tốt nghiệp Trường đại học Đà Lạt, hiện công tác tại Bưu điện huyện Tuy Phước (Bình Định). Chưa kịp mừng vui, bà Liễu như kiệt sức khi nghe đứa con thứ tư Võ Phú Xuân đỗ vào Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn. Để động viên em và đỡ gánh nặng cho mẹ còn ba em nhỏ đang học phổ thông ở quê, ba người con lớn ngoài việc làm thêm để trang trải việc học, còn phải tiết kiệm nuôi người em thứ tư vừa bước vào giảng đường. Hai năm sau, Võ Thị Kim Thu, người con thứ năm trong gia đình lại báo tin đỗ vào Trường đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Những ngày nghỉ, Thu bán đồ trang sức ở ký túc xá trường và các khu du lịch, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ra trường, Thu công tác tại Công ty Dược Bình Định.
Đã quen với những khó khăn, bà Liễu cùng các con đứng vững để những người con trong gia đình được học hành đến nơi đến chốn. Cứ thế, hai năm một lần bà vừa vui sướng, vừa âu lo khi nghe Võ Chí Công và Võ Tấn Trình báo tin được trúng tuyển vào Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và Học viện Hàng không Quốc gia. Điều đáng nói là bảy người con của bà đều học giỏi và đỗ vào các trường đại học ở hệ chính quy. Cứ sau mỗi mùa tuyển sinh, bà Liễu lại gồng mình với nỗi lo mới.
Khi các con của bà Liễu tốt nghiệp đại học trở về, nhiều người ở xã Đa Lộc cảm thấy thật khó tin. Cơ hàn là thế, sao bà và lũ nhỏ có thể vượt qua được? Bà Nguyễn Thị Giàu ở cùng thôn, nói: “Đàn bà như bà Liễu thật đáng nể. Nuôi 7 đứa con học đại học trong tình cảnh khó khăn như vậy là một kỳ tích”.
Năm tháng qua đi trong nghèo đói, nhưng trong gia đình bà Liễu không hề có cãi vã. Thấy các con chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn, hiếu thảo, biết bảo ban, chăm lo cho nhau khiến bà thêm vững lòng. Những lúc túng quẫn, bà đã tính đến chuyện bán cả căn nhà xiêu vẹo để lo cho các con, nhưng may mắn Nhà nước đã hỗ trợ gia đình bà vay từ nguồn vốn học sinh sinh viên. Sau hai năm người con út vào đại học, bà mới trả hết số nợ 15 triệu đồng… Giờ đây, Võ Phú Xuân là giáo viên Trường THPT Lê Lợi (Đồng Xuân), Võ Chí Công và Võ Tấn Trình đã là giám đốc của hai công ty tư nhân ở TP Hồ Chí Minh. Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Lộc, nói: “Gia đình bà Liễu có truyền thống hiếu học, chịu khó, chịu khổ, là tấm gương cho mọi người ở đây”.
Giấc mơ đèn sách vỡ tan khi bà Liễu đang học lớp 11 ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định), gia đình bà ly tán vì bị bom đạn. Ở tuổi 66, bà cảm thấy mãn nguyện vì các con đã thực hiện được tâm nguyện của mình. Mọi cơ cực đã qua, điều lớn nhất đọng lại trong gia đình hiếu học này là sự hy sinh, vượt khó của người mẹ đơn thân, sự đùm bọc yêu thương động viên nhau của anh chị em để tất cả đều học hành đến nơi đến chốn.
MINH NGUYỆT