Từ hai bàn tay trắng, nhưng với nghị lực phi thường của một cựu chiến binh (CCB) Trường Sơn, ông Lê Anh Bá đã vẽ nên bức tranh đa sắc màu, sống động về kinh tế dưới chân núi Hòn Ngang (Tây Hòa), trở thành triệu phú.
Ông Lê Anh Bá (phải) được Trung ương Hội tặng bằng khen Nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu - Ảnh: X.HIẾU
Năm 1965, trong không khí sục sôi cả nước hành quân, toàn dân ra trận giết giặc cứu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người công nhân máy kéo của Nông trường quốc doanh Yên Mỹ (Thanh Hóa) Lê Anh Bá, từ giã làng quê, gia đình và người vợ sắp cưới lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ lái xe của Binh trạm 12 Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Ở chiến trường ác liệt này anh cùng đồng đội thường xuyên hứng chịu những trận mưa bom, luôn cận kề với cái chết. Ở hậu phương, người vợ sắp cưới vẫn chung thủy đợi chờ.
Quá trình thử thách trong chiến đấu, ông Bá được đề bạt từ cán bộ trung đội trưởng, đại đội trưởng, rồi tham mưu trưởng Tiểu đoàn 56 (Trung đoàn 36, Sư đoàn 471). Nhiều lần lái xe vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men vào chiến trường miền Nam theo đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh xe ông bị lật nhào bởi bom đạn địch, nhưng rất may ông chỉ bị thương ở phần mềm. Hiện nay, nhiều mảnh đạn vẫn còn trong cơ thể và hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời. Mặc dù vậy, tuy đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trông ông vẫn còn khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Trong bộ quân phục bạc màu, với công việc thường ngày ở trang trại sản xuất nằm dưới chân núi Hòn Ngang (xã Sơn Thành Tây, Tây Hòa), ông Bá kể về những năm tháng vượt qua khó khăn của mình.
Cũng như bao người lính Cụ Hồ, sau ngày đất nước giải phóng, Nam - Bắc sum họp một nhà, ông Bá xuất ngũ trở về địa phương (Thanh Hóa) với hai bàn tay trắng. “Tài sản” duy nhất là chiếc ba lô con cóc, bộ quân phục bạc màu, đôi dép cao su và nghị lực của người lính Cụ Hồ được tôi luyện trong chiến tranh. Sau khi nối lại tình xưa, lập gia đình, ông Bá xin vào làm việc ở cơ quan lâm nghiệp huyện để có đồng lương trang trải cuộc sống gia đình. Công việc hàng ngày vô cùng vất vả, phải trèo đèo lội suối… bảo vệ rừng, nhưng đồng lương ít ỏi. Vợ ông là giáo viên, thu nhập hàng tháng thời bao cấp cũng không đáng là bao. Cả hai khoản lương cộng lại không đủ trang trải cho gia đình với 7 miệng ăn. “Tất cả đã dốc hết cho chiến tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Tôi hiểu hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, nên tự nhủ phải tìm cho mình lối thoát, không ỷ lại, không chờ được hưởng chính sách ưu tiên”- ông Bá tâm sự.
Sau nhiều lần bàn bạc, vợ chồng ông Bá quyết định chia gia đình ra làm đôi, hai đứa (một gái mới 14 tuổi và một trai mới 11 tuổi) theo cha vào Sông Hinh (Phú Yên) lập nghiệp, ba đứa ở lại với mẹ. “Ngày anh ấy trở về sau hơn 10 năm xa cách bởi chiến tranh, tim tôi đập rộn ràng như trống hội, mừng vui không kể xiết. Còn khi ảnh dắt hai đứa con vào Nam, lòng tôi trĩu nặng, đau tựa như dao cắt. Nhưng để tìm con đường thoát nghèo, chúng tôi phải nuốt nước mắt vào trong” - bà Đạt (vợ ông Bá) tâm sự.
Nơi ông Bá quyết định dừng chân là xã kinh tế mới Sơn Giang, thời điểm huyện Sông Hinh vừa mới được thành lập. Hạ chiếc ba lô con cóc trong ngôi nhà tranh tre mái lá trống trước, hở sau do một người quen nhường lại, ông Bá tự động viên tinh thần mình bằng lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” và hai câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng được đọc: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Được lãnh đạo địa phương quan tâm giúp đỡ, bà con hỗ trợ ông Bá từng bước ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới. Hàng ngày ông dành hầu hết thời gian đi phát rẫy, khai hoang trồng bắp, trồng sắn… ở chân núi Hòn Ngang để lấy ngắn nuôi dài. Đến năm 1994, khi vợ về hưu, ông mới đưa được nửa gia đình còn lại vào Sông Hinh, đoàn tụ một nhà.
Sau 22 năm lập nghiệp ở vùng đất mới, hiện gia đình ông Lê Anh Bá có một cơ ngơi mà nhiều người mơ ước, gồm trang trại sản xuất với 5 hồ nuôi cá các loại rộng 4.000m2, cùng với 5.000m2 cây ăn quả, 2ha mía, 2ha sắn, 1ha lúa nước hai vụ, 1.000m2 trồng cỏ để chăn nuôi bò lai sind... mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Chính ông Bá đã vẽ nên bức tranh kinh tế sống động dưới chân núi Hòn Ngang. Bức tranh với những gam màu đặc biệt, gồm những rẫy sắn, mía, bắp, đàn gia cầm, gia súc, ao nuôi cá và những “con trâu sắt” được kết tinh bằng mô hôi, nước mắt và nghị lực của người CCB Trường Sơn. “Là Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Sơn Giang, ông Bá tích cực tham gia công tác xã hội, giúp đỡ đồng đội, người nghèo vươn lên trong cuộc sống”, trung tá Trần Thành Chính, Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên cho biết.
HỒNG XUÂN