Thứ Bảy, 21/09/2024 03:25 SA
Người may cờ trước mũi kẻ thù
Thứ Tư, 27/02/2013 01:00 SA

Sống cách địch chỉ chừng... 3m, cách đồn địch chưa đầy 100m, với sự cảnh giới của người em, một phụ nữ ở thị trấn La Hai (Ðồng Xuân) bí mật may 80 lá cờ giải phóng. Ngày Bắc Nam sum họp, những lá cờ được may trong hiểm nguy đã tung bay trên quê hương của những con người gan dạ và thuần hậu.

 

Ba-Sau-Guong.jpg

Bà Dương Thị Gương kể chuyện may cờ giải phóng với các cháu - Ảnh: T.THỦY

Trong “Giấy xác nhận thành tích” đề ngày 10/5/1995, ông Trần Đình Ba, nguyên Trưởng ban Bình dân học vụ xã Xuân Quang, nguyên Trưởng ban Đấu tranh chính trị hợp pháp thị trấn La Hai, viết rằng: “Từ năm 1963 đến 1967, chị Dương Thị Gương là cơ sở của anh Trần Đại Hiệp và sau này là cơ sở của anh Kiệm. Chị Gương có vận động đồng bào tiền bạc, thuốc men, giấy vở giao cho anh Kiệm đưa ra vùng căn cứ. Năm 1972, tôi và Đỗ Thị Hương (vợ tôi) giao cho chị Gương may 80 lá cờ giải phóng, chị đã may xong và giao lại cho tôi 70 lá, còn 10 lá chị Gương giữ, ngày giải phóng đem treo…”.

 

Những dòng chữ chân phương của ông Trần Đình Ba đã xác nhận việc bà Gương làm cơ sở cách mạng, đặc biệt là thành tích may 80 lá cờ giải phóng. Song trên khuôn khổ hạn hẹp của một tờ giấy A4, người đọc khó lòng hình dung được những hiểm nguy mà bà Gương phải đối mặt khi may cờ ngay trước mũi kẻ thù.

 

Mới 10 tuổi đã mồ côi mẹ, anh em bà Gương nương tựa vào cha. 13, 14 tuổi, bà theo dân buôn đến các chợ ở Xuân Phước, Đồng Thành, Đồng Dài (Đồng Xuân) mua lúa về phơi, giã cho ra gạo rồi bán kiếm tiền. 16 tuổi, bà đến với nghề may. Biết nghề chủ yếu là do học lỏm, vậy mà bà Gương biết may áo dài cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Hồi đó ít thợ, mỗi khi muốn may quần áo, người trong thị trấn đều đến nhà bà Gương. “Tiệm” của bà 7-8 học trò, lứa này ra nghề thì lứa khác tới.

Anh trai bà Gương là ông Dương Quang Sen đi bộ đội đánh Pháp, sau đó tập kết ra Bắc. Đến năm 1962, ông vào Nam đánh Mỹ. Gia đình bà nằm trong “sổ đen” của địch, bà bị bọn chúng gọi tới xã, tới đồn cảnh sát hoài. Thêm vào đó, nhà có hai chị em gái, đều sắc nước hương trời nên tụi lính để ý, hay lân la tới.

 

Cha bà Gương là cơ sở cách mạng, từng bị địch bắt giam, đánh đập. Nhận được thư con trai từ chiến trường Quảng Ngãi gởi về, ngày nào cụ cũng đem ra nhờ người thân đọc. Chính lá thư ấy đã khích lệ, động viên hai chị em bà góp sức mình cho cách mạng. Khi được bà Hương giao nhiệm vụ may cờ, dẫu biết nhiệm vụ này rất nguy hiểm, nếu bị địch bắt thì khó có thể giữ được tính mạng song bà Gương vẫn không ngần ngại. Bà kể: “Chị Hương đưa vải cho con trai tôi mang về. Vải có hai màu: xanh và đỏ, được quấn trong mình thằng nhỏ. Tôi giấu vải trong bao cát, đổ cát vô rồi bỏ trên miệng hầm trú bom. Đêm đến, sau khi lấy giấy nhét kín tất cả các lỗ trống trong nhà, hai chị em kéo nhau vô buồng, thắp đèn dầu và lấy vải ra cắt”.

 

Tầm 5g sáng, bà Dương Thị Tám, em gái bà Gương giả đò quét sân, kỳ thực là cảnh giới cho chị. Trong nhà, bà Gương kéo tấm ri-đô che cái máy may và hối hả may cờ. May cho đến khi học trò tới thì nghỉ. Chiều, sau khi học trò về thì tiếp tục cảnh giới và may cho đến lúc trời sập tối, hết thấy đường thì nghỉ chứ không dám chong đèn măng - sông vì sợ tụi lính tới, phát hiện. “Đồn cảnh sát ở phía sau, cách nhà chưa tới 100m, trụ sở xã chỗ cây da ở chợ La Hai bây giờ, cách nhà có mấy chục mét, còn chỗ tụi lính ở phía bên kia hẻm cách chừng 3m. Nếu đứng tại nhà mà gọi, người ta cũng nghe thấy” - bà Gương nhớ lại.  

 

Bên cạnh bàn máy, bà Gương để sẵn cái giỏ, hễ nghe em đằng hắng là lập tức thả lá cờ đang may vào giỏ rồi cất giỏ đi.

Người cảnh giới người cặm cụi may, hai chị em bà rất phấn khởi khi may xong 80 lá cờ giải phóng mà không gặp sự cố gì. Đợi trời mưa, bà Gương quấn 70 lá cờ vào bụng con trai, lấy dây cột lại. Con bà mặc quần áo rồi mặc thêm cái áo mưa vào và đi giao cờ.

 

10 lá cờ còn lại, bà Gương cất trong nhà. “Ngày ngày, hai chị em nghe ngóng tin tức của quân giải phóng, chờ đến lúc đem cờ đi treo” - bà Gương mỉm cười nhớ lại, nụ cười hiền hậu trên gương mặt vẫn còn phảng phất vẻ đẹp của “gái La Hai” một thời.

 

Đất nước thống nhất, bà Gương làm rẫy, tảo tần buôn bán nuôi con. Con trai bà, cậu bé hơn 10 tuổi quấn cờ trong bụng ngày đó giờ là chủ một doanh nghiệp ở Đồng Xuân, con gái là nhà báo. Khi phong trào trồng rừng phát triển mạnh, bà Gương ươm cây giống bán. Từ năm 2010, được sự hỗ trợ của con, bà tham gia trồng rừng. Gia đình bà hiện có 15ha rừng trồng với hơn 40.000 cây keo lai, xà cừ đang phát triển.

 

Giờ đây, mỗi khi nhớ lại chuyện may cờ giải phóng, người phụ nữ 75 tuổi này lại mỉm cười mãn nguyện. Bà nói: “Nhiệm vụ đó quá nguy hiểm nhưng tôi vẫn làm vì mong nước nhà thống nhất, gia đình anh em đoàn tụ”. Và bà, người con của mảnh đất Đồng Xuân kiên trung đã bất chấp hiểm nguy, gởi ước mong hòa bình, thống nhất vào từng đường kim mũi chỉ của 80 lá cờ giải phóng.

 

Với những đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ, bà Dương Thị Gương đã được trao Huy chương Kháng chiến hạng nhì.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ấn tượng Xuân Ðài
Thứ Hai, 11/02/2013 17:00 CH
Phong Hậu vào mùa cốm nếp
Chủ Nhật, 27/01/2013 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek