Thứ Bảy, 21/09/2024 03:27 SA
Anh hùng lao động Thái Phụng Nê:
Chuyên gia Thủy điện hàng đầu Việt Nam
Thứ Ba, 12/02/2013 07:00 SA

Tiến sĩ Thái Phụng Nê đã hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách do Ðảng và Chính phủ phân công như Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên... Nhưng công việc ông tâm đắc, dành nhiều trí tuệ, thời gian và được nhiều người yêu mến đó là chỉ đạo và quản lý xây dựng các công trình thủy điện lớn của đất nước. Ông đã từng tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà; Trưởng ban quản lý Dự án Thủy điện Hòa Bình; Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó ban chỉ đạo Nhà nước các dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu và quan tâm chỉ đạo nhiều dự án thủy điện khác...

 

Bac-Thai-Phung-Ne.jpg

Tiến sĩ Thái Phụng Nê (bên trái) trò chuyện với một đồng nghiệp trẻ - Ảnh: Y.LAN

Khi làm Trưởng ban quản lý Dự án Thủy điện Hòa Bình, công trình quy mô tầm cỡ thế giới, có kỹ thuật phức tạp trên nền đất phù sa dày 60m, đá vôi hang hốc ở van đập, nhà máy đặt ngầm trong núi và xây dựng trong thời kỳ kinh tế đất nước cực kỳ khó khăn, ông và tập thể lãnh đạo công trường đã trí tuệ, dũng cảm vượt qua nhiều khó khăn thử thách. Ông tâm sự: “Năm 1983, đến ngày chặn dòng sông Đà nhưng nhiều cơ quan chức năng trong nước, ngoài nước đề nghị lùi thời gian 1 năm. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười rất tôn trọng ý kiến các cơ quan chức năng Liên Xô, nhưng bị thuyết phục bởi bộ ba: Tổng chuyên gia Liên Xô, Tổng giám đốc Sông Đà và Trưởng ban Ban quản lý dự án, đã quyết định cho phép ngăn sông vào năm đó thành công”. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - một công trình biểu tượng cho tình hữu nghị Việt - Xô ra đời, ông được Nhà nước phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, được nhiều chuyên gia Liên Xô đánh giá cao về tài năng. Qua dự án Thủy điện Hòa Bình, Việt Nam có một đội ngũ kỹ sư, chuyên viên và lực lượng thi công thủy điện khá mạnh.

 

Tôi hỏi ông, cơ duyên nào ông chọn ngành Thủy điện, lĩnh vực khá mới mẻ thời đó. Ông thẳng thắn “Mình có chọn đâu! Được Đảng, Nhà nước ưu tiên du học theo kế hoạch đào tạo cán bộ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong lúc các thế hệ thanh niên phải vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương, do vậy phải cố gắng học thành tài để xứng đáng với sự ưu tiên đó”.

 

Ông sinh ra và lớn lên ở xóm Gành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, Phú Yên, một vùng quê đẹp, trù phú ở phía bắc sông Ba (Đà Rằng), nhờ trước đó người Pháp đã cho xây đập Đồng Cam, chinh phục và đưa nước sông Ba về tưới cho lúa mía. Đây cũng là xã giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Cha mẹ ông là nông dân nhưng vẫn dành dụm cho các con đi học. Chịu ảnh hưởng truyền thống quê hương, của 2 anh trai chăm học và sớm tham gia cách mạng là Thái Phụng Kỳ và Thái Phụng Nơ, của những bậc đàn anh tiêu biểu tại xã như các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Suyền, Nguyễn Thế Bảo..., từ nhỏ cậu học trò Thái Phụng Nê rất chăm học, là học sinh giỏi của các trường tiểu học và trung học cơ sở Lương Văn Chánh, học sinh tiêu biểu của tỉnh. Nhờ vậy, ông được đi học tiếp ở các trường trung học phổ thông nổi tiếng Nguyễn Huệ (Bình Định), Lê Khiết (Quảng Ngãi) sau đó tập kết ra Nghệ An học tiếp Trường Huỳnh Thúc Kháng và năm 1955 được chọn đi du học ở Liên Xô.

 

Khi được cử đến học tại Trường Đại học Xây dựng Matxcơva, ông đã chọn bộ môn Thi công thủy điện. Ông đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng hạng ưu, được làm nghiên cứu sinh và năm 1964 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (lúc đó là phó tiến sĩ) về Đập bổi ngăn hồ.

 

Về nước, dù được phép chọn một số cơ quan có điều kiện tốt hơn như Viện Thiết kế thủy lợi hoặc Văn phòng qui hoạch Sông Hồng, ông đã chọn công trường Thủy điện Thác Bà. Khi Thác Bà phát điện tổ máy số 1, ông tham gia chuẩn bị và trực tiếp quản lý Dự án Thủy điện Hòa Bình. Hòa Bình phát điện tổ máy số 1, ông làm Phái viên của bộ trưởng tham gia chỉ đạo các dự án thủy điện Yaly, Vĩnh Sơn, Thác Mơ, Hàm Thuận,...

 

Từ 1992-1994, ở vị trí Bộ trưởng Năng lượng, ông được phân công làm Phó ban chỉ đạo Nhà nước về Dự án Đường dây 500kW Bắc - Nam. Từ 1995-2000, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam rồi làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên quê hương, ông vẫn dành thời gian cho các công trình thủy điện, nhất là các công trình thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’năng... Từ 2001, ông làm Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo các dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu. Ông đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhà máy Sơn La vào tháng 12/2012 trước thời hạn 3 năm.

 

Trở thành dân Hà Nội, lại bước vào cái tuổi xưa nay hiếm (sinh năm 1936) nhưng bạn bè hiếm khi được gặp ông ở thủ đô, ông vẫn thường xuyên có mặt ở các công trường. Từ công trường Lai Châu xa xôi qua điện thoại ông tâm sự: “Tôi được Đảng và nhân dân đào tạo rèn luyện công phu, tôi phải cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao, đó cũng là thực hiện trọn vẹn ước mơ của bản thân: chinh phục thành công sông Đà và nhiều sông khác vì sự nghiệp CNH-HĐH đất nước...”.

 

Trả lời nhà báo về những hệ lụy của thủy điện, Tiến sĩ Thái Phụng Nê nói rõ: “Gần đây, người ta nói nhiều về những hệ lụy của thủy điện: ngập đất, ngập rừng, di dân và tái định cư, biến đổi sinh thái của một số động vật, biến đổi dòng thủy hạ lưu, gây lũ nhân tạo và khô hạn dòng sông... Tất cả các tác hại về môi sinh, môi trường kể trên đều xảy ra khi xây dựng thủy điện. Song thủy điện đưa lại cho nền kinh tế nhiều mặt lợi: cấp điện rẻ, chống lũ, cải thiện điều kiện cấp nước, điều kiện giao thông thủy và phát triển nuôi cá. Khi đánh giá quyết định dự án thủy điện phải đánh giá cẩn thận 2 mặt lợi và hại. Chủ đầu tư khi lập dự án thủy điện phải thật khách quan làm rõ mặt lợi, mặt hại của dự án, các giải pháp khắc phục mặt hại. Nếu thật sự thấy rõ mặt lợi lớn hơn nhiều, có đủ liệu pháp khắc phục được các mặt hại và không vi phạm điều cấm của pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền quyết định cho thực hiện dự án.

 

Tôi cho rằng các thủy điện cỡ lớn và cỡ trung nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi cân nhắc kỹ lợi, hại đều cần được thực hiện. Chủ đầu tư tuyệt đối tuân thủ các quy trình điều tiết liên hồ chứa được ban hành, phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện tốt chính sách bồi thường di dân tái định cư. Từ nay cần thiết xóa các dự án thủy điện nhỏ gây tác hại lớn đến môi trường, môi sinh, cấm xây dựng thủy điện gây ảnh hưởng các vườn quốc gia”.

 

KHÁNH HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek