Thứ Bảy, 21/09/2024 10:15 SA
“Ông nghè” tuổi 26
Thứ Hai, 23/01/2012 18:00 CH

Rời Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh với giải nhì cuộc thi học sinh giỏi Toán quốc gia, Phan Thành Nam (sinh năm 1985, ở phường 7, TP Tuy Hòa) trở thành sinh viên Trường đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với mong muốn được học Toán lâu dài. Sau đó, Nam theo học chương trình Thạc sĩ Toán ứng dụng liên kết giữa Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Orléans (Pháp), tốt nghiệp với số điểm 19,6/20 - thủ khoa.

 

Cánh cửa du học tiếp tục mở ra, với học bổng của bốn trường đại học ở Đan Mạch, Pháp, Ý và Mỹ. Phan Thành Nam đã chọn Đại học Copenhagen (Đan Mạch) - một trong những trường đại học lâu đời nhất ở Bắc Âu.

 

26 tuổi, Phan Thành Nam trở thành tiến sĩ. Anh đang làm việc tại Trường đại học Cergy- Pontoise (Pháp).

 

Cuộc trò chuyện dưới đây diễn ra trước thời điểm Phan Thành Nam bảo vệ luận án tiến sĩ, khi anh về thăm nhà.

 

Phan-Thanh-Nam.jpg

Phan Thành Namđược Giáo sư Jan DereZínski (Đại học Warsaw - Ba Lan), Giáo sư Maria J.Esteban (Pháp) và Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ Enno Lenzmann (Đan Mạch) chúc mừng trong lễ bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại họcCopenhagen, ngày 28/10/2011.

“TƯ DUY TOÁN LÀ MỘT DẠNG VẺ ĐẸP”

 

* Nam nghĩ như thế nào về việc trở thành tiến sĩ Toán học ở tuổi 26?

 

- Nam thấy tốt nghiệp ở tuổi 26 là chuyện bình thường ở châu Âu vì khoảng 21, 22 tuổi người ta đã học xong đại học, rồi cần 1- 2 năm cho chương trình thạc sĩ và 3 năm cho chương trình tiến sĩ. Thực ra, theo cách nhìn trong giới Toán thì độ tuổi tốt nghiệp của một người không quan trọng, điều quan trọng là khi tốt nghiệp “chất lượng” người đó như thế nào. Tất nhiên là cũng đừng lâu quá, khoảng 40 tuổi mới tốt nghiệp thì có thể người ta sẽ đặt câu hỏi. (Cười)

 

Tốt nghiệp là một bước khởi đầu, Nam thấy giống như nhận giấy phép lái xe để bắt đầu một hành trình trong tương lai.

 

* Điều gì để một cậu học trò đoạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh năm lớp 9 lại chuyển niềm đam mê sang Toán học?

 

- Thật ra lúc nhỏ, Nam thích học Toán hơn. Năm lớp 6, Nam vào Trường chuyên cấp 2-3 Lương Văn Chánh, học ở lớp Toán. Năm Nam lên lớp 7, trường Lương Văn Chánh không còn cấp 2 nữa, cấp 2 chuyển thành Trường THCS Lương Thế Vinh. Trường không dạy chuyên nên Nam học Toán cũng không nhiều lắm.

 

Lên lớp 9, Nam vẫn muốn thi vào lớp 10 Toán Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Năm đó, khi thi vào đội tuyển Toán ở trường, Nam bị rớt nên chuyển qua thi môn Văn. Nam nghĩ cũng có cái hay, vì mình có cơ hội học thêm về Văn.

 

* Nhưng đam mê vẫn là Toán học?

 

- Cả Toán lẫn Văn Nam đều thích. Mỗi môn đều có cái hay. Sau này Nam cũng thích học về Vật lý.

 

* Những cảm xúc do văn chương mang lại giúp ích gì cho tư duy Toán của Nam?

 

- Cảm xúc văn chương thì Nam không biết có giúp ích gì không, nhưng những bài thơ, bài văn đã học, Nam vẫn nhớ. Đó là một dạng vẻ đẹp, giống như tư duy Toán, cũng là một dạng vẻ đẹp. Nói như Giáo sư Ngô Bảo Châu: Toán học là trò chơi của ngôn ngữ. Mình viết giả thuyết, kết luận và con đường nối chúng thành một thứ ngôn ngữ dễ hiểu. Hình như ông Niels Henrik Abel có nói rằng, khi viết được một bài toán theo đúng ngôn ngữ của nó, thì mình đã giải được một nửa bài toán. Nam thích câu đó.

 

* Với nhiều người, Toán học là ngôn ngữ cực kỳ khó hiểu.

 

- Cũng có thể. Nhiều người quan niệm Toán học không phải là môn khoa học tự nhiên. Khoa học tự nhiên là những môn nghiên cứu trực tiếp về tự nhiên, như Vật lý, Hóa học, Sinh học…, còn Toán học là do con người nghĩ ra để giải thích tự nhiên. Điểm đặc biệt mà người ta vẫn chưa hiểu được là vì sao một số lượng rất lớn các hiện tượng tự nhiên lại được giải thích bằng ngôn ngữ Toán học.

 

Truong-dai-hoc.jpg
Đại học Copenhagen - nơi Phan Thành Namhọc tập.

CÓ THỂ CHUYỂN QUA VIẾT VĂN, NẾU… ĐỦ TIỀN ĐỂ SỐNG

 

* Theo Nam, để trở thành người giỏi trong lĩnh vực này thì cần có tố chất gì?

 

- Có lẽ ở Việt Nam, người ta thường nghĩ là để học một ngành nào đó thì phải có tố chất gì đó đặc biệt nhưng ở nước ngoài, người ta nghĩ khác, rằng bất cứ con người với tư chất gì đều học được và bổn phận của nhà giáo, của ngành Giáo dục là dạy cho người ta học được. Tất nhiên mỗi người có một ngưỡng của mình, nhưng học để tối ưu hóa khả năng của mình là một điều hạnh phúc.

 

Với môn Toán, Nam nghĩ sự đam mê và “lì lợm” là rất quan trọng. Sự nhanh trí - kiểu như có chỉ số IQ cao - cũng có lợi, chẳng hạn sẽ học những cái mới nhanh hơn nhưng không phải yếu tố quyết định. Đam mê thì gắn liền với niềm vui. Một nhà Toán học hàng đầu hiện nay là ông Terence Tao - người nhận giải Fields năm 2006 và cực kỳ thông minh, năm 11 tuổi đã đi thi toán quốc tế. Ông ấy luôn quảng bá Toán học, cố gắng hiểu các vấn đề để giải thích, chia sẻ với nhiều người. Đó là niềm vui của ông, chứ không phải làm việc vì sự nổi tiếng hay thế này thế kia. Nhiều người trong giới Toán cũng như vậy.

 

Ngoài ra, cũng như bất cứ lĩnh vực nào, trong Toán có lẽ cũng cần may mắn. Sự may mắn lớn nhất của Nam là gặp được những người thầy tốt.

 

* Nam thấy cuộc sống ở Copenhagen thế nào? Điều gì ở đất nước Đan Mạch khiến Nam thích thú?

 

- Nói chung, Nam thích cuộc sống ở Copenhagen. Tuy là thủ đô của Đan Mạch nhưng Copenhagen cũng yên ả như… Tuy Hòa vậy. Người Đan Mạch mộc mạc và hồn nhiên; người ở một số nước Bắc Âu khác như Thụy Điển cũng vậy. Sau khi đến Đan Mạch, Nam hình dung rõ hơn những gì mà Andersen miêu tả trong truyện cổ tích, như hình ảnh bầy chim thiên nga chẳng hạn.

 

* Ước mơ hồi nhỏ của Nam là gì?

 

- Hồi học lớp 5, Nam thích học Toán, thích sau này “nghiên cứu” về môn Toán, thích kiểu trẻ con thôi vì đâu hình dung được công việc đó là gì. Thực ra Nam cũng không có ước mơ rõ ràng. Học những môn nào Nam thấy thích thì muốn tìm hiểu nhiều hơn về nó. Có khi sau này, Nam không học Toán nữa mà chuyển qua viết văn, nếu Nam có đủ tiền để sống. (Cười)

 

* Không ít người, sau khi trở thành tiến sĩ ở nước ngoài, đã không trở về nước làm việc mà tìm một môi trường thuận lợi hơn để phát huy những gì mình được đào tạo và tiếp tục trau dồi kiến thức, riêng Nam thì sao?

 

- Nam không nghĩ rằng mình phải như thế này như thế kia, sau này phải ở nước này hay nước kia. Tương lai sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố. Hiện tại Nam muốn tiếp tục học và làm Toán, nên thích ở những nơi có người mà Nam có thể học và cộng tác trong lĩnh vực này.

 

Nam nghĩ rằng sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thật ra cũng giống nhau. Ban đầu, khi con người xuất hiện, tất cả đều như nhau, không có ranh giới quốc gia hay sự phân biệt sắc tộc. Nam nghĩ đến một lúc nào đó, những ranh giới không còn quá quan trọng nữa. Điều mà người ta giữ lại là văn hóa của quốc gia, dân tộc mình. Cho dù mình sống ở đâu nhưng khi mình còn giữ văn hóa Việt thì mình vẫn là người Việt Nam.

 

* Xin cảm ơn Nam!

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek