Thứ Bảy, 21/09/2024 10:03 SA
Hệ thống giao thông liên lạc ở Phú Yên trong lịch sử
Thứ Hai, 26/12/2011 08:00 SA

Hệ thống đường giao thông liên lạc ở Phú Yên trong lịch sử bao gồm các đường sông, đường biển, đường bộ, đường xe lửa và những cầu, bến, cảng.

 

Hệ thống đường giao thông liên lạc nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tìm hiểu.

 

Đường sông

 

Sông ngòi ở Phú Yên có tốc độ dòng chảy cao trong mùa mưa, mùa hè khô cạn, ở giữa và ven sông có nhiều cồn bãi. Tuy vậy, trong lịch sử, do giao thông đường bộ có nhiều khó khăn nên việc giao thông liên lạc bằng đường sông đóng một vai trò rất quan trọng.

 

Quan trọng nhất trong hệ thống giao thông thủy nội địa là đường sông Đà Rằng (bao gồm phụ lưu sông Hinh). Từ xa xưa, đường sông này được sử dụng làm đường giao thông liên lạc giữa châu thổ sông Ba và miền tây Phú Yên hùng vĩ. Hơn thế nữa, đây là con đường thông thương quan trọng của ông cha ta với Thủy Xá, Hỏa Xá (Tây Nguyên hiện nay). Nha Nhu Viễn (thời Minh Mạng) chuyên trách việc giao thương với Thủy Xá, Hỏa Xá đặc biệt coi trọng con đường này và cũng bằng tuyến giao thông này mà các sứ giả của “Vua Nước”, “Vua Lửa” đến Phú Yên rồi được đưa ra kinh đô Huế.

 

Theo sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại thung lũng sông Ba đi sâu vào nước Nam Bàn trên Tây Nguyên bằng 2 sông La Ba và sông Ea Ayun. Hai sông này nhỏ và khúc khuỷu nên chỉ dùng được bè nhỏ hay thuyền độc mộc. Trên sông Ba đoạn từ Cheo Reo tới Củng Sơn mở ra khá rộng, nhiều đoạn bè thuyền nhỏ đi lại khá dễ dàng. Đoạn sông từ Củng Sơn xuống Đồng Cam thường uốn khúc giữa 2 sườn núi, giữa lòng sông, đặc biệt nơi gần đập Đồng Cam có đá nổi lổm chổm, thuyền bè đi lại khó khăn. Từ núi Hương (cao 323m) sông Ba đi vào đồng bằng rồi chảy ra biển, đoạn này dài hơn 20km thuyền bè đi lại thuận lợi hơn. Tuy vậy, giữa lòng sông và gần cửa biển có nhiều cồn cát nổi lên, tàu và ghe lớn cũng không đi lại được.

 

Sông Ba là một sông lớn mang phù sa từ cao nguyên xuống lấp hẳn một vùng biển rộng lớn tạo thành đồng bằng Tuy Hòa, một vựa thóc của miền Trung. Theo Giáp Ngọ Niên (1774) Bình Nam Đồ do Bùi Thế Đạt vẽ, cuối nguồn sông Ba nơi chảy ra biển có tên là Răn Răn Hải Môn. Về sau, Nam nhất thống chí “Sông này rộng 133 trượng, giữa dòng có nhiều gò cát”. Đầu niên hiệu Gia Long được liệt kê vào từ điển. Xét “Hoàn vương liệt truyện” trong Đường Thư chép: “Vua Lâm Ấp chạy vào Nam đến châu Đà Lãng tức là chỗ này”.

 

Tướng của Gia Long là Châu Văn Tiếp quê ở Phù Mỹ (Bình Định) sau dời vào ở Đồng Xuân. Ông đã tổ chức dân binh khai thác và luyện thép thành tấm ở vùng Sơn Hà (Sơn Hòa) chở theo đường sông Ba ra biển đến Quy Nhơn.

 

Sông Bàn Thạch ở phía nam huyện Tuy Hòa cùng các phụ lưu như suối Đá Đen, suối Trong, sông Bánh Lái. Sự vận chuyển bằng đường sông ở đây không thuận lợi lắm vì lòng sông cạn và càng đến gần cửa biển Đà Nông phải đi lại rất quanh co.

 

Sông Bàn Thạch chảy qua phía bắc chân núi Đá Bia nên ca dao Phú Yên có câu:

 

“Sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc

Núi Đá Bia cao vút tầng mây”

 

Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có đoạn chép: Sông Phan Định... có 3 con sư tử nước, hay đánh vào ghe thuyền nổi sóng rầm rộ. Khi ông Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành đến sông này không qua được bèn tâu xin phong cho 3 con sư tử làm Hiệu Thuận Tam Thần, 3 sư tử cũng nổi lên mặt sông nghe lời tuyên phong, rồi ông kéo quân qua không bị trở ngại chi nữa.

 

Xét địa hình thực tế của sông Bàn Thạch xa xưa đã nối liền với vùng Biển Hồ, nơi có nhiều cá sấu. Phải chăng những con sư tử nước được phong làm Hiệu Thuận Tam Thần chính là những đàn cá sấu hung hãn ở vùng này? Cho nên một số nhà nghiên cứu đã nghi con sông Phan Định chính là sông Bàn Thạch và Lý Thường Kiệt có hành quân đến đây chưa? Vẫn là một vấn đề tồn nghi cần khảo cứu thêm.

 

Đường sông thứ ba là sông Cái. Trên sông Cái thuyền bè chỉ đi lại từ Xuân Phước xuống Ngân Sơn ra vùng biển Xuân Đài hoặc Vũng Lắm. Trên phụ lưu sông Cái có sông Trà Bương, suối La Hiên, Lá Vàng, Kỳ Lộ chảy từ núi Vân Canh xuống. Ở những nơi này dòng nước nhỏ hẹp lởm chởm đá, chỉ dùng được thuyền độc mộc và bè nhỏ đi qua lại từng khúc một. Đây cũng là những thung lũng xưa kia dùng để đi xa vào các “động” của “người Thượng”.

 

Đường sông thứ tư là sông Long Bình (sông Cầu). Tuy dòng sông vừa ngắn, vừa hẹp nhưng nhân dân vẫn sử dụng thuyền bè nhỏ giao thông liên lạc giữa vùng biển và vùng trung du trên thượng nguồn.

Đường biển:

 

Bờ biển Phú Yên dài 189km có nhiều hải khẩu, đảo, bán đảo, đầm vịnh. Xưa kia trên đường biển đi bằng ghe thuyền, cập bến nào cũng được.

 

Trên bản đồ vương quốc An Nam do Đắc Lộ vẽ và ấn hành năm 1651 ngoài khơi DINHPHOAN (dinh Phú Yên) có vẽ 2 quần đảo với nhiều dấu chấm chi chít cùng chú thích: “Các đảo (ISLES) ở đây có những con chim nhỏ tới làm tổ mà dân chúng thu lượm thật hiếu kỳ và dùng làm gia vị cho các món thịt. Nhất là người Hoa và người Nhật rất mê thứ đó”1.

 

(Còn nữa)

 

--------------------------

(1) Bản đồ ROYAUMED ANNAM, phụ bản sách HISTORIE DU ROY­AUME DU TUQUIN, Lyon 1653

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek