Thứ Bảy, 21/09/2024 10:15 SA
Hệ thống giao thông liên lạc ở Phú Yên trong lịch sử Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 28/12/2011 08:30 SA

Trong các vịnh biểu ở Phú Yên, Vũng Rô và Xuân Đài là quan trọng hơn cả. Đây là vịnh biển có một vị trí chiến lược, đồng thời là nơi có nhiều hải sản. Trong cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh với Tây Sơn cả hai bên cùng dùng vịnh Xuân Đài làm căn cứ hải quân. Theo “Tây Sơn bí lục” của Nguyễn Đăng Quế, Tết Nguyên đán Ất Mùi (1775) kỵ binh Tây Sơn do Nguyễn Quang Sáng, Lương Văn Trực cùng chúa Thủy Xá là Ma Khương chỉ huy tụ nghĩa ở núi La Hiên phối hợp với thủy quân của Lưu Quang Hùng, Trần Văn Nhâm hợp thành lực lượng Tây Sơn hữu đạo cùng 2.000 quân của Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn kéo vào tiêu diệt hơn 10.000 quân của Nguyễn Ánh tại vịnh Xuân Đài.

Năm 1832, một thương thuyền của Hoa Kỳ do Đức Gia Tâm Đa (Georges Thompson) chỉ huy đã thả neo trong Vũng Lắm, Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phúc được triều đình cử tới thương nghị, song việc không thành. Trong thế chiến thứ 2 (1939-1945), hải quân Nhật cũng thường đưa chiến hạm vào vịnh Xuân Đài để tránh các cuộc oanh tạc bằng phi cơ của quân đồng minh ngoài biển khơi. Ngoài cảng Vũng Lắm, trong những năm ba mươi của thế kỷ này, trong thời gian xâm lược nước ta thực dân Pháp còn tiến hành xây dựng cảng Tiên Châu (Tuy An). Tuy nhiên do nhiều điều kiện khác nhau, và Tiên Châu là một cảng nhỏ nên không phát triển được, ngày nay chỉ cập bến những ghe thuyền nhỏ đánh bắt cá.

Đi trên vùng biển Phú Yên đến các vịnh, các đảo, bán đảo ngày nay chúng ta cũng có thể tìm lại nhiều dấu vết xa xưa của ông cha ta đã đặt chân đến đây, chứng tỏ giao thông đường biển ở Phú Yên đã phát triển rất sớm. Có thể kể đến một vài đảo và bán đảo đã gắn liền với một số sự kiện lịch sử. Đảo Bàn Than trong vùng biển Cù Mông, Nguyễn Ánh đã từng đóng quân trên đảo và cho xây 55 ngôi mộ tử sĩ bằng vôi. Khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh đã xây “Cù Mông công thần miếu”, từ năm 1951 Tự Đức đổi tên là “Biểu Trung Từ”. Hoặc trên đảo Than, ngoài khơi An Chấn – Tuy An có một hòn đá lớn, khắc một chữ NAN (NAN có nghĩa là khó), không biết khắc từ đời nào. Trong ca dao cũng phản ánh khá nhiều về giao thông đường biển Phú Yên.

Đầu ghềnh Mũi Nạy de ra

Qua hai mũi ấy đó là Ô Rô

Vũng Ô Rô bốn mùa cũng khuất

Dựa mặt nồm, mặt bấc cũng hay

Sơn xuyên phong cảnh là đây

Non cao bia tạc đá xây ngàn trùng.

Đường bộ:

Ở đâu có sự cư trú của con người, hình thành những làng xóm thì tất yếu có nhu cầu giao thông, liên lạc và ở đó sẽ có những con đường. Mối quan hệ giao lưu giữa các làng xóm và các vùng với nhau đã tạo điều kiện phát triển hệ thống đường sá.

Từ xa xưa ông cha ta mở đất về phía nam, thực chất là mở những con đường đến vùng đất mới. Và khi mọi mặt của đời sống tạm ổn định thì những con đường lại phát triển dài hơn, xa hơn. Lê Quý Đôn đã miêu tả con đường phía Tây từ Phú Yên đi tới nước Nam Bàn như sau:

“Từ suối Yên Lạc đến các thôn Hà Nghiêu, Bất Cày” (1) qua núi La Hai giáp với địa phận Phú Yên rồi đến con đường đi tới các xứ Lôi Sông, Nước Nóng, Thượng Như đến suối Hà Trôi là có dân các sách thuộc người Đê và người Man phải đi ba ngày. Lại từ đây, người ta đưa tiền hay của cải thuê người Man, nhờ dẫn đường theo sơn lộ đi 14 ngày nữa thì đến nơi có hai vị Thủy Vương và Hỏa Vương nước Nam Bàn. Nước này có hơn 50 thôn lệ thuộc (2).

Theo “Đại Nam nhất thống chí”: Đồn Phước Sơn ở thôn Củng Sơn huyện Sơn Hòa có một con đường thông đến Nam Bàn “đi 6 ngày đường đến hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá” (3). Đây là con đường bộ mà ngày nay Quốc lộ 25 cũng đi theo hướng này: Từ Củng Sơn đến Pleiku. Một con đường “Thượng đạo” cổ khác đi từ Nam ra Bắc qua thung lũng Sông Hinh đến Củng Sơn, xuống đồng bằng, đóng vai trò giao lưu giữa cao nguyên với đồng bằng cũng được hình thành rất sớm. Đây là con đường mà Tết Nguyên đán năm 1775, sau khi hay tin Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ đánh bại trận ở Xuân Đài, Bùi Công Kế trấn thủ thành Bình Khang (Ninh Hòa) đưa quân ra cứu viện. Khi viện binh đến đèo Tam Độc (Dốc Mõ) bị quân Tây Sơn phục sẵn đã đánh tan tác, bắt sống Bùi Công Kế. Sau đó Tống Văn Khôi trấn thủ thành Diên Khánh vội vàng đưa quân ra tiếp cứu cũng bị đánh tan, Tống Văn Khôi tử trận (4).

Trước khi có đường quốc lộ 1 và đường sắt xuyên Việt, người dân Phú Yên đi lại trên các con đường Thiên Lý và Quan Báo. Phương tiện đi lại lúc bấy giờ đối với người giàu có thì đi cáng và đi ngựa, đối với nhân dân lao động chủ yếu là đi bộ. Trong ca dao Phú Yên đã tả cảnh đi ngựa đủng đỉnh qua đèo trên đường Thiên Lý xưa:

(Còn nữa)

(1)Hà Nghiêu: có sách viết là “Hà Nguyên”. “Bất Cày” có thể là “Đất Cày”. Qua khảo sát thực tế chỉ có “Đất Cày”.

(2) Lê Quý Đôn - Phủ biên tạp lục, S-1972, tập 1,Tr.281.

(3) Đại Nam nhất thống chí - Sđd tr 35

(4) Theo “Tây Sơn Bí Lục” của Nguyễn Đăng Quế. Một dặm dài độ 0,5km.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek