Thứ Bảy, 21/09/2024 10:14 SA
Hệ thống giao thông liên lạc ở Phú Yên trong lịch sử(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 27/12/2011 08:00 SA

Còn giáo sĩ Borri người Ý đã từng ở xứ Đàng Trong vào những năm 1618-1621 đã viết về những “con chim nhỏ” đó và việc đi lại trên biển như sau:

 

“Ở xứ này có một thứ chim… nó làm tổ ở các cồn đá và hốc đá sóng biển vỗ vào. Con vật này dùng mỏ lấy bọt biển và chất từ dạ dày tiết ra, cả 2 thứ trộn lại thành một thứ tôi không biết là bùn hay là nhựa để làm tổ… Dân xứ này nhặt những tổ đó về ngâm trong nước cho mềm và nở ra rồi dùng làm gia vị… có một số lượng rất lớn đến nỗi chính tôi đã thấy họ chất đầy 10 chiếc thuyền nhỏ những tổ yến nhặt ở dọc các hốc núi đá, trong khoảng gần một nửa dặm”.(2)

 

Như vậy, ngày xưa việc đi lại trên biển ở Phú Yên đã được hình thành và phát triển khá sớm. Mục đích đi lại trên biển không chỉ thu lượm tổ yến mà còn để đánh bắt hải sản, thu lượm hải vật, tìm kiếm vùng đất mới.

 

Ngày nay trên vùng biển Phú Yên còn nhiều tên gọi lưu lại dấu tích thời xa xưa cha ông ta đã đến khai thác tổ yến như: Hòn Yến, Mũi Yến… Phản ánh về các con đường biển thời xa xưa Lê Quý Đôn ghi: Các chúa Nguyễn đã tổ chức những đội thuyền lớn có thể đi xa trên biển lâu ngày. Từ Quãng Ngãi đến Bình Thuận đều có đội thuyền chuyên đi thu lượm những hải sản quý lạ, đồng thời thu nhặt những của cải trôi dạt vào các hoang đảo, sau khi thuyền bè chuyên chở bị đánh văng vào đá ngầm. “Họ chèo 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả 3 ngày 3 đêm mới đến đảo. Họ tha hồ lượm lặt, tự ý bắt chim bắt cá làm đồ ăn. Họ được những đồ hải vật như gươm, ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng ống, ngà voi, sáp ong vàng, đồ chiên dạ, đồ sứ…”.(3)

 

Ngay từ buổi đầu đô hộ nước ta, năm 1884 thực dân Pháp buộc triều đình Huế ký “Phụ lục hòa ước 1884” mở cửa biển Xuân Đài làm thương cảng cho Pháp buôn bán với nước ngoài. Thực dân Pháp cũng có chủ trương phát triển đường biển suốt dọc bờ biển Phú Yên như xây dựng những bến cảng cho thuyền bè và tàu thủy hạng trung có thể lui tới dễ dàng ở cửa Cù Mông, cửa Xuân Đài, cửa Vũng Lắm, cửa đầm Ô Loan, cửa Đà Diễn, cửa Đà Nông…

 

Năm 1896 ở cảng Vũng Lắm hãng buôn BERTHOIN của Pháp mua trứng vịt xuất ra nước ngoài. Năm 1900 cũng ở nơi này các hãng buôn GROSSIERS ET ROUSSEAU VÀ DEFFCT chuyên xuất khẩu trâu, bò, lợn, vịt sang Phi-líp-pin.(4)

 

Từ tháng 8/1909, một chiếc tàu hơi nước đã mở đường biển thường xuyên giữa Sài Gòn với Sông Cầu, đồng thời có thể cập các bến cảng khác ở Phú Yên, có đường nước đi sâu vào nội địa.

 

Vịnh Vũng Rô do kiến tạo của tự nhiên, nơi đây đang xây dựng thành một cảng lớn. Trên mũi Kê Gà (Capvarella) ở phía bắc Vũng Rô, nơi vươn ra Thái Bình Dương xa nhất của bờ biển Việt Nam, thời Pháp thuộc, có một ngọn hải đăng khá mạnh làm hiệu cho tàu thuyền đi lại ngoài khơi. Hải đăng ấy là dấu chỉ đường vào Vũng Rô đúng nhất và khi ngoài khơi bị giông bão, tàu thuyền chạy vào Vũng Rô thì không gì an toàn hơn.

 

Trong bài về thủy trình từ Huế vô Gia Định có viết về đường biển và bờ biển của Phú Yên như sau:

 

Vũng Mũi trong vịnh ngoài gành (5)

Cù Mông, Vũng Trích ăn quanh bãi liền

Gành Ba ai khéo đặt tên

Sơn Dương (6) vành Móm nối liền Vũng La (7)

Nhắm chừng Vũng Lắm buông qua

Xuân Đài, Mũi Yến chảy qua Hố Trầu (8)

Mái nhà gác xối (9) liền nhau

Sơn thủy rất màu tơ gấm Kim Quy

Hòn Chùa (10) ghe đậu một khi (11)

Chín tầng mấy nước vậy thì Ba Liên (12)

Ngó lên thấy mả Cao Biền

Kìa kìa lại thấy Ma Liên Chóp Chài

Dinh Bà có tháp xây ngoài (13)

Chạy hết Bãi Dài tới cửa Trà Nông (đúng ra là Đà Nông)

Ngoài thời khô (14) chất chập chồng

ở trong có bãi, giữa thời có kinh

Mũi Nạy có Đá Bia xinh

Tạc để lưu truyền nối nghiệp Hùng Vương

Ô Rô (15) núi tấn bốn phương

Mịt mù sơn thủy như gương tọa đồ

Bịt bùng chừa một đường vô

Dẫu nồm, dẫu bấc không xô phía nào

 

(Còn nữa)

-----------------------

(2). “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” do Hồng Nhuệ dịch, 1931, NXB Thăng Long Tr.20

(3). Lê Quý Đôn Sđd. Tập 1, Tr210

(4). Theo tập san “Bulletin des amls du vieux Huế” số 4-1929

(5). Đến đây là vô gần Cù Mông

(6). Hoặc Cảnh Dương

(7). Vũng La ở Phú Yên

(8). Hoặc Sông Cầu

(9). Xối tức là mác xối (Gouttiere)

(10). Dị bản: Hòn Chùa, Ba Trại nằm xiên ra ngoài

(11). Đây là trên cửa Tuy Hòa, nơi có nhiều rạn. Dị bản: Vào lao

(12). Dị bản: Xem lên Mái Lách, vậy thì Mái Liên

(13). Cửa Dinh ở Tuy Hòa

(14). Hòn Khô ở ngoài cửa Đà Nông

(15). Đầm Ô Rô ở cuối đèo Cả, đầm này yên sóng, gió nồm gió bắc không lay chuyển

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek