Thứ Bảy, 21/09/2024 10:14 SA
Giữ gìn và phát huy nét độc đáo của lễ hội Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Chủ Nhật, 25/12/2011 08:00 SA

Hội Tháp Bà Nha Trang, Lễ hội Katê (của người Chăm ở Ninh Thuận); Hội chùa Bà (núi Bà Đen), Hội Chùa núi Sam, lễ hội Ooc Om bok của người Khmer…Tỉ lệ khách du lịch đến với lễ hội bao giờ cũng đông gấp rất nhiều lần so với đi du ngoạn ở những nơi thuần túy chỉ có danh lam thắng cảnh. Nếu tổ chức tốt các lễ hội Phú Yên thông qua việc khai thác nét độc đáo ở từng loại hình lễ hội, kết hợp với đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá sẽ trở thành “đòn bẩy” cho việc phát triển ngành du lịch. Kinh nghiệm từ các tỉnh như Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Lào cai, Yên Bái, Tuyên Quang... cho thấy, muốn đưa lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch vượt ra khỏi phạm vi tỉnh (kể cả vượt khỏi phạm vi quốc gia), từ công tác tổ chức đến cách thức quảng bá phải thật bài bản và chuyên nghiệp. Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như văn hóa, cần phải có một chiến lược hợp lý trong việc đầu tư cho các lễ hội. Không nên đầu tư dàn trải, mà chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng để từ đó xây dựng thành sản phẩm “đỉnh” và đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp. Từ sự đa dạng các loại hình lễ hội ở Phú Yên có thể hình thành nên những tour du lịch lễ hội như sau: Hành trình du lịch qua miền di tích, gắn việc tham dự lễ hội tưởng niệm danh nhân lịch sử của du khách với tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, các địa danh gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng chống giặc ngoại xâm của quân dân Phú Yên. Hành trình du lịch biển đảo và miền sông nước, gắn việc tham dự lễ hội Cầu ngư và lễ hội sông nước với tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh biển, đảo. Hành trình du lịch lễ hội mang tính chất tâm linh gắn việc tham dự lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng với tham quan các thiết chế tôn giáo, các cơ sở thờ tự. Hành trình du lịch miền núi, gắn việc tham dự lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc người thiểu số với tham quan các thiết chế văn hóa mang tính đặc thù của đồng bào, các cơ sở thờ tự, thưởng thức biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn nhạc cụ truyền thống và văn hóa ẩm thực... Đã đến lúc cần phải tăng cường hơn nữa sự nhập cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, có tính đến khả năng liên kết vùng, liên vùng trong phạm vi khu vực và cả nước theo hướng xã hội hóa trong tổ chức lễ hội và phát triển du lịch. Ở phạm vi hẹp hơn, ngành chức năng nên đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung tư tưởng, mục đích và tính chất của từng lễ hội để có biện pháp quản lý và định hướng cho các lễ hội phát triển lành mạnh đúng hướng, phù hợp với nhịp sống hiện đại nhưng không để mất bản sắc văn hóa dân tộc, tránh việc tổ chức phô trương, hình thức gây lãng phí.

 

Mặt khác, lễ hội và phát triển du lịch đặt ra yêu cầu với di sản văn hóa phi vật thể là phải “gạn đục khơi trong” nhằm khắc phục hạn chế; đồng thời phát huy những giá trị nguyên gốc, nét độc đáo của lễ hội Phú Yên, bổ sung những giá trị mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về đời sống tinh thần của nhân dân địa phương và khách du lịch. Về những di sản văn hóa vật thể cần bảo tồn và tôn tạo hợp lý những di tích lịch sử - văn hóa, những thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng (bao gồm cả hạ tầng cơ sở, môi trường sinh thái nhân văn, các dịch vụ du lịch…). Khi cần trùng tu xây dựng phải giữ gìn nét cổ, những giá trị nguyên gốc, không được tự ý biến những di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, những ngôi cổ tự hàng trăm năm thành công trình mới xây dựng.

 

Vấn đề cần thiết không kém là phải quan tâm đến kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ quản lý và hướng dẫn viên du lịch. Đội ngũ mới này phải tinh thông nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về nhiều lĩnh vực của các đối tượng du khách tham quan. Khuyến khích nhân dân địa phương tham gia làm du lịch và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, kể cả văn hóa ẩm thực để phục vụ du khách. Đối với ngành chức năng cũng cần phải có một chiến lược hợp lý trong việc đầu tư cho các lễ hội và tăng cường công tác quảng bá; đồng thời quan tâm tổ chức kịp thời hơn, nhiều hơn nữa các lễ hội ra đời sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phải xây dựng các kịch bản lễ hội, để dần dần các lễ hội mới trở thành truyền thống của nhân dân. Muốn trở thành truyền thống, các lễ hội mới phải được dân gian hóa và định hình thành phong tục tập quán của nhân dân. Khai thác tốt nét độc đáo của các loại hình lễ hội ở Phú Yên trên ba tiểu vùng văn hóa: Vùng biển, vùng đồng bằng và miền núi là hướng đi đúng, tạo bước “đột phá” cho du lịch Phú Yên phát triển mạnh và bền vững.

 

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek