Thứ Bảy, 30/11/2024 23:40 CH
Giữ gìn và phát huy nét độc đáo của lễ hội Phú Yên(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 24/12/2011 08:17 SA

Các bộ môn thể thao, các làn điệu dân ca, dân vũ và văn hóa ẩm thực truyền thống mang bản sắc văn hóa của dân tộc. Thông qua các sinh hoạt lễ hội vừa thỏa mãn nhu cầu về tinh thần, vừa tạo sự chuyển biến trong nhận thức, nhất là với thế hệ trẻ về lòng biết ơn quá khứ, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công mở đất, lập làng, lập ấp, tạo dựng nền tảng đời sống văn hóa tinh thần, từ đó khơi dậy được nhiều truyền thống tốt đẹp của địa phương, dân tộc. Theo đó thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”; tính cố kết cộng đồng, giữ gìn và phát huy tính đa dạng sắc thái văn hóa tộc người - đây là nội dung cốt lõi để tạo nên sức mạnh của dân tộc. Mặt khác bảo lưu được nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, tạo “sức đề kháng” cho việc chống lại sự xâm lăng của các sản phẩm văn hóa độc hại, lai căng, đồi trụy trái với thuần phong mỹ tục đối với văn hóa dân tộc, nhất là trong thời kỳ mở rộng giao lưu hợp tác và hội nhập quốc tế hiện nay.

Lễ hội Phú Yên có rất nhiều nét độc đáo riêng cần được giữ gìn, phát huy như ở lễ hội đâm trâu xoay cột từ trang phục, trang sức, các lễ thức cúng tế, các nhạc cụ truyền thống bộ cồng ba, chiêng năm và trống đôi; các nhạc cụ truyền thống thuộc bộ dây, bộ hơi, bộ gõ, tiết tấu và điệu thức biểu diễn của các nghệ nhân; hoặc các lễ hội ở vùng biển mà tiêu biểu là lễ hội cầu ngư với những lễ thức cúng, màn rước sắc, hát bả trạo, múa siêu độc đáo; các lễ hội kỷ niệm các danh nhân lịch sử, các nghi thức liên quan đến nông nghiệp, tôn giáo, tín ngưỡng,... đều có những nét riêng độc đáo mang tính nhân văn cao và sắc thái riêng mà ở miền quê khác không có được.

Một thực tế là lễ hội Phú Yên cũng còn một số hạn chế tiêu cực, trong đó có cả những lệch lạc như: hiện tượng mê tín dị đoan, lối ứng xử trong văn hóa giao tiếp, tình trạng rượu chè say sưa vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội. Mặt khác, ở một số lễ hội thời gian tế lễ quá dài, lê thê, đâu đó thấp thoáng nét bảo thủ, có điều, có mặt chưa phù hợp với nếp sống mới và nhịp sống hiện đại. Thêm nữa, lễ hội ở Phú Yên phần nhiều vẫn tự phát từ nhân dân, hầu hết đều do nhân dân tự tổ chức do vậy không ít lễ hội còn lúng túng trong khâu tổ chức, điều hành; quá chú trọng phần Lễ (cúng bái), văn tế bằng chữ Hán hoặc Hán Việt, Hán nôm ít người biết; chưa quan tâm đúng mức đến tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu về ý nghĩa của từng lễ hội (về sự tích, công trạng của những đối tượng được thờ cúng) để tăng thêm sự yêu mến, lòng tự hào của người dân. Phần Hội nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, lặp đi lặp lại một vài trò diễn nên gây nhàm chán, ảnh hưởng đến việc thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa.

Ở một khía cạnh khác, tầm ảnh hưởng của lễ hội Phú Yên chủ yếu ở phạm vi nội tỉnh. Đối tượng khách tham dự lễ hội tập trung là khách nội địa chủ yếu vẫn là người địa phương. Điều mong muốn lúc này là làm thế nào khai thác, phát huy nét độc đáo của từng loại hình lễ hội và nâng tầm lễ hội ở Phú Yên, nhằm đáp ứng được thị hiếu của nhiều đối tượng hưởng thụ nghệ thuật khi mà trình độ dân trí cao, để những lễ hội đó có ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng, có sức hút không chỉ phạm vi nội tỉnh.

Phú Yên có những sự tích, những nhân vật lịch sử mà công trạng, tầm ảnh hưởng toàn quốc. Ví như truyền thuyết về vua Lê Thánh Tông với sự tích khắc bài thơ vào núi Đá Bia; danh nhân lịch sử Lương Văn Chánh, danh nhân lịch sử Lê Thành Phương; Võ Trứ,… đều có thể được ví như “nguyên /chất liệu” đối với người sáng tác. Lễ hội là sản phẩm, là thành quả lao động sáng tạo của con người, chính con người làm nên lễ hội. Đành rằng “có bột mới gột nên hồ”, “có tích mới dịch nên tuồng”; nhưng cũng “bột”, cũng “tích” đó nhiều khi lại tạo ra những sản phẩm mà giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn hoàn toàn khác nhau. Mới đây kịch bản sân khấu Tình yêu và khát vọng của tác giả Phạm Ngọc Sơn là một bước đột phá viết về danh nhân lịch sử Lương Văn Chánh. Tác phẩm đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Kịch bản sân khấu Tình yêu và khát vọng đã nâng ý nghĩa Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh lên một tầm cao mới. Phải nói đã rất lâu mới có được một tác phẩm sân khấu đạt đỉnh cao như vậy. Hiện tại Phú Yên vẫn đang thiếu kịch bản lễ hội thể hiện nét đặc sắc và giá trị nguồn văn hóa phi vật thể có tầm khu vực và quốc gia. Đây là một thực tế cần quan tâm suy nghĩ và tìm hướng giải quyết.

3. Lễ hội và phát triển du lịch

Lễ hội và du lịch như một nhân duyên gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Thực tế đã cho thấy ở địa phương nào có nhiều lễ hội đặc biệt là những lễ hội lớn có tầm ảnh hưởng rộng hoặc những lễ hội mang nét độc đáo thể hiện sắc thái riêng về văn hóa tộc người thì càng thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự. Ví như Hội Đền Hùng, Hội Chùa Hương, Hội Bà Chúa Xứ, Hội Kiếp Bạc, Hội Trường Yên, Hội Phủ Giày, Hội Chùa Thầy, Hội Gióng, Hội Lim,

(Còn nữa)

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek