Thứ Bảy, 21/09/2024 10:07 SA
Giữ gìn và phát huy nét độc đáo của lễ hội Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 21/12/2011 07:39 SA

Tại Phú Yên người Chăm H’roi cư trú nhiều ở các xã Sơn Hà, Cà Lúi, Sơn Nguyên (Sơn Hòa), Đức Bình Tây, Sơn Giang (Sông Hinh), Xuân Lãnh (Đồng Xuân),… nghề nghiệp chính của người Chăm H’roi cũng là sản xuất nông nghiệp. Người Chăm H’roi theo chế độ mẫu hệ. Về tín ngưỡng người Chăm H’roi thờ đa thần. Cả ba tộc người Ê Đê, Ba Na và Chăm H’roi đều có nền văn hóa truyền thống lâu đời, thể hiện rõ sắc thái riêng. Với người Êđê nổi bật nhất là những áng sử thi chứa đựng nhiều giá trị cả văn học lẫn lịch sử và văn hóa; là những thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, tục ngữ, ca giao. Với người Bana là các thể loại văn học dân gian như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, sử thi. Với người Chăm H’roi về nhạc cụ có các loại cồng ba, chinh năm, trống đôi, trống một, đinh ta léa, sáo trúc, kơni, đinh goong. Về hát có hát A Yõ Kp, hát A yar… Điểm chung đặc sắc nhất của ba tộc người Ê Đê, Ba Na và Chăm H’roi là có nhiều lễ hội liên quan đến đời sống cộng đồng hết sức độc đáo như: Lễ bỏ mả, lễ đâm trâu xoây cột, lễ cúng bến nước, lễ lên nhà mới, lễ cầu mùa, cúng đầu phục, cúng sân, lễ đổ đầu, nghi thức làm trống và lễ cúng trống, lễ cúng cầu mưa. Tiêu biểu nhất trong số lễ hội liên quan đến đời sống cộng đồng các tộc người thiểu số là lễ hội đâm trâu xoay cột, lễ bỏ mả và lễ cúng bến nước.

Lễ hội đâm trâu xoay cột, Đại Nam nhất thống chí tỉnh Phú Yên có ghi: “…. Còn như tục bắn trâu về tháng Giêng là tục người man (các sách Man Rạch, Man Môn huyện Đồng Xuân). Hằng năm đến tháng Giêng, mỗi sách dắt một con trâu buộc vào cột lớn, họp dân Man sẵn sàng cung tên, đêm đến đốt đuôi lượn quanh cái cột, vừa hát vừa bắn, bao giờ trâu chết mới thôi, sau đó giết trâu uống rượu, vui chơi suốt tháng, để cầu được mùa, gọi là lễ lượn cột”.

Xưa kia do sự hiểu biết về khoa học kỹ thuật, về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh của đồng bào có những hạn chế nhất định, nên mỗi khi bản thân hoặc gia đình bị bệnh tật, rủi ro, hoạn nạn, chữa trị không khỏi hay gặp thời tiết hạn hán, lũ lụt làm thiệt hại đến mùa màng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân buôn làng,...với mong muốn tai qua nạn khỏi và cầu mong cho mưa thuận gió hòa để cuộc sống được tốt hơn thì phải nhờ đến sự phù hộ, cứu giúp của thần linh (Yàng). Để tạ ơn thần linh, buôn làng tổ chức lễ hội đâm trâu xoay cột. Hiện tại lễ hội đâm trâu xoay cột vẫn là một trong những lễ hội lớn, đông vui nhất của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi Phú Yên. Tuy nhiên một phần do điều kiện kinh tế nên không phải năm nào buôn làng cũng tổ chức được. Chỉ khi buôn làng có công việc hệ trọng mới tổ chức lễ hội đâm trâu xoay cột. Công việc chuẩn bị cho lễ hội có khi hàng tháng và lễ hội kéo dài trong khoảng thời gian 3 ngày đêm. Đến dự lễ hội này, người xem dễ dàng nhận biết ngay được nét độc đáo của sắc thái văn hóa tộc người. Theo đó “Dựng cột nêu” là công việc bận rộn, nhiều lý thú và vui nhất. Cột nêu được xem là một tác phẩm nghệ thuật dân gian màu sắc rực rỡ, nét hoa văn tinh tế. Vật tế thần là con trâu cũng phải chọn loại trâu to khỏe, đẹp mã. Trâu cột vào cột nêu và xung quanh sắp nhiều ché rượu cần. Hiến trâu tế thần để cầu mong sức khỏe và sự bình yên cho buôn làng. Sau phần lễ tức nghi thức cúng của thầy cúng là phần hội. Tiếng cồng chiêng, trống nổi lên rộn rã suốt ngày đêm cùng với những điệu múa của nam thanh nữ tú và bà con buôn làng trong niềm hân hoan phấn khích.

Lễ bỏ mả, một quan niệm chung của các tộc người Ê Đê, Ba Na, Chăm H’roi ở miền núi Phú Yên là trong con người luôn có phần xác và phần hồn. Phần xác sẽ mất đi khi con người chết, còn phần hồn vẫn tồn tại. Việc tổ chức lễ bỏ mả là để cầu cho hồn của người chết vĩnh viễn rời khỏi người thân trong gia đình và buôn làng, trở về với thế giới của tổ tiên. Thời gian làm lễ bỏ mả không quy định cụ thể là bao lâu, ví như một, hai năm sau khi người thân qua đời, gia đình có điều kiện về kinh tế thì có thể tổ chức lễ bỏ mả được. Trong trường hợp khó khăn thì có thể kéo dài đến vài năm cũng không sao. Từ khi làm lễ bỏ mả, hồn người chết sẽ không quấy rầy, không đòi hỏi những người đang sống phải phục dịch nữa. Nói khác là người sống không còn trách nhiệm gì với người đã quá cố. Ban đầu, lễ bỏ mả do từng gia đình tổ chức, có sự tham gia giúp đỡ của các thành viên trong buôn làng. Khi đến dự lễ bỏ mả người dân buôn làng có những hoạt động mang tính cộng đồng vui nhộn như biểu diễn cồng chiêng, nhảy múa, vui chơi, ăn uống rượu cần, với mong muốn làm vơi đi nỗi buồn cho những người thân của người đã quá cố. Theo thời gian lễ bỏ mả dần trở thành lễ hội của cả buôn làng, cả vùng, thu hút đông đảo các tộc người tham gia.

Lễ cúng bến nước, của đồng bào Ê Đê, Ba Na, Chăm H’roi ở miền núi Phú Yên được tổ chức hàng năm. Mỗi buôn làng đều có bến nước riêng. Thời gian tổ chức lễ cúng bến nước kéo dài từ 1-3 ngày, có sự tham gia của cả buôn làng. Trong những ngày cúng, người dân buôn làng kiêng đi rẫy, đánh bắt cá, chim, đuổi bắt, săn bắn thú. Mục đích của lễ cúng bến nước là cầu sức khỏe, cầu mong thần linh luôn đưa dòng nước sạch, nước mát cho buôn làng, để dân trong buôn làng được mạnh khỏe không bệnh tật, ốm đau. Và nguồn nước còn được dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt cây trái mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân buôn làng.

(Còn nữa)

Th.s NGUYỄN HOÀI SƠN
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek