Thứ Bảy, 21/09/2024 09:39 SA
Giữ gìn và phát huy nét độc đáo của lễ hội Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 20/12/2011 08:01 SA

Xuân Thịnh, Xuân Thọ II, An Ninh Tây, An Hòa, An Chấn, An Phú, Đông Tác, Phú Thọ 3, Phú Lạc; cũng có nơi chu kỳ 2 năm tổ chức một lần như: An Hải, phường 6 thành phố Tuy Hòa; cá biệt có nơi chu kỳ 3 năm tổ chức một lần như: Lăng Nhất Tự Sơn, Xuân Thọ I và Lăng Ghềnh Dưa (An Hòa)… Lễ hội cầu ngư được tổ chức từ 3-5 ngày, những năm bội thu về đánh bắt hải sản lễ hội có thể kéo dài đến 7 ngày theo nguyện vọng của ngư dân. Đây là một nghi lễ quan trọng nhất của ngư dân miền biển Phú Yên. Diễn trình lễ gồm các bước sau:

* Khai lễ: còn gọi là Lễ vọng. Lễ được tiến hành từ sáng sớm. Lễ cúng có xôi chè, hoa quả.

* Lễ nghinh rước thần được tiến hành lúc xế chiều. Đoàn người xuất phát từ Lăng Ông đến đình, rước thần về nhập lăng.

* Lễ nghinh Ông: Đây là một lễ thức mang tính cố định, nhưng mỗi lạch theo điều kiện cho phép mà định hình nghi thức nghinh Ông. Lễ nghinh Ông thường có hai hình thức: Nghinh tại bờ và nghinh ngoài khơi.

* Lễ hát khai diên (còn gọi là hát thứ lễ). Đây là một loại hình hát dâng cúng thần linh. Hát thứ lễ thường được tổ chức ở nhà võ ca.

Đến nửa đêm, lễ tế thần được tổ chức long trọng và kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Đồng thời với lễ tế thần, ngư dân cũng bắt đầu cúng tiền, hậu hiền, táo quân, âm hồn, cô hồn… Phần cuối cùng của lễ tế thần là lễ tôn vương. Trong lễ tế thần còn có tiết mục múa siêu và hát bả trạo, bộ môn nghệ thuật truyền thống rất độc đáo. Về múa siêu có 5 bài gồm Xuân thiên, Lôi phong, Bể đồng, Lan mã và Múa chúc. Riêng bả trạo là một bài hát dài hàng ngàn câu, được bố cục theo một trình tự chặt chẽ, trong đó: Phần mở đầu là ra mắt thần. Các bước tiếp theo gồm có: Ra khơi, Đánh bắt cá, Nghỉ ngơi, Dấu hiệu của bão tố, Chống bão tố, An bình, Tạ ơn thần. Hò bả trạo thường sử dụng các làn điệu sau: Nói lối, Xướng, Phú, hát khách, hát nam, ngâm thơ.

Ngoài ra, thể xướng và xô cũng được dùng khá phổ biến. Trong lúc hò tổng lái, tổng mũi, tổng thương bắt bài hát, các con trạo hát theo, đôi lúc nhại lại câu hát của các tổng, làm cho sân khấu hò lúc nào cũng nhộn nhịp, sôi động.

Lễ hội cầu ngư mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự ân nghĩa thủy chung, sự đền ơn đáp nghĩa theo đạo lý truyền thống của dân tộc. Lễ hội còn là dịp thăm viếng lẫn nhau giữa chủ ghe và bạn chài, giữa chủ vạn với ngư dân để tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Đây còn là dịp để vui chơi, giải trí sau những tháng ngày lao động nhọc nhằn; cũng là yếu tố làm cân bằng nhiều nỗi lo âu, khắc khoải ở đời thường và cố kết cộng đồng, chia bùi sẻ ngọt không những trong vạn mà còn với mọi người đến dự. Lễ hội cầu ngư luôn luôn thôi thúc hào hứng vui tươi và lôi kéo khách hành hương gần xa.

Liên quan đến các lễ hội sông nước ở Phú Yên còn có Hội đua thuyền truyền thống tổ chức vào dịp tết cổ truyền của dân tộc diễn ra trên sông Tam Giang ở thị xã Sông Cầu, ở đầm Ô Loan, huyện Tuy An, ở sông Chùa, thành phố Tuy Hòa và ở sông Bàn Thạch (cửa Đà Nông), huyện Đông Hòa. Các bộ môn tranh giải ở các hội sông nước này là đua thuyền rồng/thuyền chài, lắc thúng, bơi lội và một số trò chơi dân gian khác liên quan đến sông nước. Hội sông nước đã thu hút rất đông vận động viên thi đấu và các tầng lớp nhân dân tham gia cổ vũ.

Nhóm 4: Lễ hội liên quan đến đời sống cộng đồng các tộc người thiểu số:

Phú Yên có trên 30 tộc người thiểu số cư trú trên các địa bàn dân cư. Trong đó ba tộc người là Ê Đê, Ba Na và Chăm H’roi được xem là cư dân có quá trình định cư lâu dài ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Địa bàn cư trú chính của người Ê Đê là các xã Cà Lúi, Suối Trai, Ea Chà Rang, Krông Pa (huyện Sơn Hòa), Ea Trol, Ea Bar, Ea Lâm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh). Người Ê Đê là cư dân làm nông nghiệp lâu đời, ngoài ra người Ê Đê còn biết làm các nghề thủ công như: dệt vải, đan đát, chế tác đồ trang sức, làm các dụng cụ sinh hoạt. Về trang phục truyền thống, đàn ông đóng khố, mặc áo xẻ ngực có các đường hoa văn chạy dọc hai bên nách; phụ nữ mặc váy, mặc áo chui đầu có hoa văn ở vai, nách và ở cổ tay. Nam nữ người Ê Đê đều thích đeo vòng tay. Đàn bà và trẻ em thường đeo kiềng bạc ở cổ. Rượu cần là đồ uống hàng ngày và dùng trong nghi lễ tiếp khách. Người Ê Đê tính theo dòng họ mẹ. Về tôn giáo tín ngưỡng, người Ê Đê tin rằng “vạn vật hữu linh” nên mọi sự vật và hiện tượng người Ê Đê quan niệm là thiêng đều được cầu cúng. Đối với người Ba Na là cư dân nói tiếng Môn – Khơme đông nhất ở Việt Nam. Đây là dân tộc có nhiều nhóm địa phương như: Rơ Ngao, Giơ Lơng, Krem, Tô Lô,… Người Ba Na ở Phú Yên thuộc nhóm Tô Lô (A lacông) và có địa bàn cư trú dàn trải, trong đó tập trung nhiều ở các xã như Xuân Lãnh, Phú Mỡ (Đồng Xuân), Đá Bàn, Sơn Phước (Sơn Hòa), thôn 3, Suối Dứa, Suối Biểu (Sông Hinh). Người Ba Na cũng là cư dân nông nghiệp, nghề nghiệp chính là trồng trọt và chăn nuôi. Trong quan hệ huyết thống, người Ba Na nghiêng về dòng cha. Về tín ngưỡng, người Ba Na có nhiều điểm tương đồng với các tộc người sống ở dọc Trường Sơn và Tây Nguyên. Tín ngưỡng đa thần tồn tại khá phổ biến. Về người Chăm H’roi là một trong những nhóm tộc người nói ngôn ngữ Malayô-Pôlinêxia.

(Còn nữa)

Th.s NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek