Chùa Từ Quang đã từng là một trong những căn cứ của nghĩa quân Cần Vương do Bùi Giảng chỉ huy chống Pháp vào đầu năm 1887. Võ Trứ và Trần Cao Vân cũng chọn chùa Từ Quang làm nơi hội tụ nghĩa quân. Năm 1997 Chùa Từ Quang được công nhận là Di tích lịch sử - nghệ thuật cấp quốc gia. Một thiết chế tôn giáo nổi tiếng khác trên đất Tuy An là Nhà thờ Mằng Lăng ở xã An Thạch, được xây dựng vào năm 1892 theo kiến trúc Gotique. Nhà thờ có hai tháp chuông cao, có trang trí nhiều hoa văn. Bên cạnh nhà thờ về phía đông, có phòng lưu niệm Anrê Phú Yên. Nhà thờ Mằng Lăng được hình thành sớm nhất ở Phú Yên và là một công trình kiến trúc nghệ thuật, một thiết chế tôn giáo tiêu biểu của Phú Yên trên đất Tuy An. Tiệm cận với Nhà thờ Măng Lăng có khu mộ cổ trên núi A Mang còn bao điều bí ẩn cần giải mã, xa xa về hướng đông có gành Đá Đĩa danh thắng quốc gia bên bờ biển quanh năm ồn ã sóng vỗ. Cạnh gành là một bãi cát hình lưỡi liềm dài khoảng 3km. Cát ở đây trắng mịn, sạch và nước biển luôn trong xanh. Phong cảnh ở đây còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ và môi trường thuần khiết, tạo không gian thoáng mát, lý tưởng cho khách du lịch, dã ngoại. Gành Đá Đĩa là danh thắng “độc nhất vô nhị” của Việt Nam, có giá trị nổi bật về cấu tạo địa chất...
Một địa bàn khác là ở khu vực thuộc địa phận TP Tuy Hòa có rất nhiều thiết chế tôn giáo nổi tiếng liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tâm linh như: Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Tháp Nhạn. Di sản văn hóa vật chất tiêu biểu của người Chăm trên đất Phú Yên, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 11, xung quanh ngôi tháp cổ còn có rất nhiều di tích khác như: Miếu thờ Thiên Y A Na, Bia Chợ Dinh, chùa Thiên Hậu, chùa Kim Long, chùa Kim Cang. Gần vị trí trung tâm thành phố có chùa Bảo Tịnh được tạo lập từ cuối thế kỷ XVII và Nhà thờ Tuy Hòa, đây là hai thiết chế tôn giáo có quy mô xây dựng lớn với lối kiến trúc độc đáo. Riêng chùa Hồ Sơn (Cổ Tự) được tạo lập cách ngày nay khoảng 300 năm; Chùa Bảo Lâm do Tổ húy Đạo Trung thuộc phái Lâm Tế đời thứ 38 sáng lập. Xung quanh núi Chóp Chài, ngọn núi nổi tiếng của Phú Yên gắn liền với đời sống tinh thần của bao lớp người có bốn ngôi chùa: Hòa Sơn, Minh Sơn, Khánh Sơn và Bảo Lâm được xây dựng trên sườn núi. Đặc biệt phía bên phải chân tượng Phật Thích Ca (chùa Bửu Lâm) có mộ của bà Du Ký ...
Ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Đông Hòa và TX Sông Cầu, cũng đều có những thiết chế tôn giáo, các cơ sở thờ tự liên quan đến đời sống tôn giáo và tín ngưỡng dân gian… Đây là những thiết chế văn hóa mang tính đặc thù để tập hợp các tín đồ, đạo hữu sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng và tổ chức các lễ hội phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của giáo dân. Đồng thời cũng là tiềm năng lớn để gắn kết lễ hội với phát triển du lịch. Tiêu biểu có một số lễ hội như sau:
- Lễ hội phật giáo: Lễ phật Đản, kỷ niệm ngày sinh Thích Ca Mâu Ni (15/4-583TCN); Lễ Vu Lan, lễ cúng cô hồn và phổ độ chúng sinh tiến hành vào ngày 15 tháng 7(Rằm tháng bảy).
- Lễ hội Thiên chúa giáo: Lễ hội rước thánh quan thầy xứ, được xem là thành hoàng xứ đạo; các lễ trong mùa chay và mùa vọng: Lễ tre, lễ kinh thánh cả Giêsu, lễ truyền tin, lễ lá, lễ kỷ niệm chúa tử nạn, lễ phục sinh. Các lễ trọng (lớn) có diễn lại các sự tích về chúa ghi trong kinh phúc âm; múa hát tháng hoa Đức mẹ là tháng 5. Các chủ nhật trong tháng này, các xứ họ đạo đều tổ chức múa hát dâng hoa; rước lễ thánh thể diễn ra ở phạm vi nhà thờ xứ họ đạo và địa phận, rất trang nghiêm và náo nhiệt. Lễ hội tôn giáo ở Phú Yên luôn được các cấp, các ngành và đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của bà con giáo dân. Ngoài những nghi lễ tôn giáo, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi được diễn ra trong những ngày lễ hội. Lễ hội tôn giáo mang ý nghĩa tâm linh, hướng con người tới tu tâm, tích đức để sống thủy chung, trọng nghĩa, vẹn tình nên ngày càng trở thành một sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao, thu hút sự tham gia của các tín đồ, đạo hữu và đông đảo tầng lớp nhân dân ở địa phương.
- Các lễ hội tín ngưỡng dân gian:
Loại hình lễ hội này diễn ra ở tất cả các vùng quê khác nhau trong cả tỉnh. Riêng vùng đồng bằng ven biển tiêu biểu nhất là Lễ hội Cầu ngư. Với gần 190km bờ biển, từ Bắc xuống Nam đi qua địa phận của 4 huyện, thành phố là: TX Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa và huyện Đông Hòa, nên từ lâu người dân nơi đây đã gắn liền với biển cả. Và tín ngưỡng thờ cúng cá Ông cũng xuất hiện từ xa xưa bởi chính công việc mưu sinh của họ. Hiện tại ở các làng vùng biển Phú Yên có 64 lăng được xây dựng gồm: Lăng Ông, Lăng Bà và Lăng thờ Thủy long thần nữ đã nói lên niềm tin của ngư dân với loại hình Lễ hội tín ngưỡng dân gian này. Ngày tổ chức lễ cầu ngư ở mỗi làng một khác. Có nơi lấy theo ngày Ông lụy, có làng lấy theo ngày vua ban sắc phong, lại có nơi theo phong tục, công việc làm ăn mà định ngày, song hầu hết, các lễ cúng cầu ngư được tập chung vào hai mùa: xuân và thu. Mùa xuân rộ nhất là vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai (AL), là thời điểm mở đầu vụ cá. Mùa thu rộ nhất là mồng 10 tháng Tám (AL). Đây là thời điểm kết thúc vụ cá năm, là lúc ngư dân bắt đầu “thuyền treo neo gác” để xem hát bội. Chu kỳ tổ chức Lễ hội Cầu ngư thông thường là một năm một lần như ở: Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Cảnh,
(Còn nữa)
Th.s NGUYỄN HOÀI SƠN