Thứ Bảy, 21/09/2024 10:14 SA
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Năm, 15/12/2011 08:00 SA

Nhưng độc đáo hơn cả là nghệ thuật điêu khắc ở Trường Sơn. Đây là nghệ thuật nổi bật, thành công nhất trong các thể loại nghệ thuật tạo hình ở các dân tộc thiểu số dọc Trường Sơn.

 

Ở miền núi tỉnh Phú Yên, người nghệ sĩ điêu khắc như có mặt ở khắp nơi. Ta có thể bắt gặp tác phẩm điêu khắc ở mọi chỗ. Bước lên cầu thang để vào ngôi nhà dài Ê Đê thì công trình khắc chạm đầu tiên sẽ làm cho khách chú ý là đôi bầu sữa căng tròn trên đầu chiếc thang gỗ. Ché rượu cần của người Chăm Hroi mang ra tiếp khách sẽ có những chiếc cần trúc nhỏ được chạm khắc nhiều hoa văn tinh tế. Một con chim gỗ sống động “đậu” ở giữa cần như mời mọc khách hãy cùng chủ cạn ché rượu nồng. Trên chiếc tẩu, trên ống tre tròn đựng thuốc hút của người Ba Na, cái vỏ dao, chuôi gươm, cánh ná cũng được bàn tay nghệ sĩ điêu khắc trang trí. Tác phẩm là những nét khắc chìm ở độ nông, được tô đậm thêm bằng màu đen. Chúng được bố trí thành những dải ngang chồng lên nhau ôm kín thân toàn khối hình trụ hoặc trải khắp mặt bằng vật trang trí.

 

Nhưng, nơi tập trung nhiều công trình điêu khắc nhất của các dân tộc thiểu số ở Phú Yên là cây cột đâm trâu và ở quanh khu nhà mồ.

 

Cột đâm trâu được chuẩn bị hết sức công phu, dùng trong lễ hiến sinh lớn. Toàn thân cột cao khoảng 1,5m-2m là một tổng hợp các công trình nghệ thuật tạo hình. Cùng với những trang trí hội họa đã nói trên là hàng loạt công trình điêu khắc tỉ mỉ, sinh động. Tấm lòng hiếu thảo của dân làng là dâng lên Yàng nhiều đồ vật thú vật... bằng gỗ treo lủng lẳng quanh cột. Đó là những chiếc gùi đủ loại, nhỏ xíu, những con cá đẽo bằng gỗ các cỡ khác nhau, những con ếch mập mạp bằng gỗ, những cái dao, cái rựa, bông lúa, trái bắp, ché rượu cần đều bằng gỗ.

 

Với một tài năng và thẩm mỹ điêu khắc hiếm có, các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên chăm lo cho người thân đã chết một cách đầy đủ nhất. Theo tập quán, sau khi làm lễ cúng bỏ mả, họ sẽ không đi lại, thăm viếng, tu sửa nơi chôn người chết nữa. Nhưng ở khu nhà mồ giữa rừng Trường Sơn đó, họ đã chuẩn bị đủ mọi thứ cho người đã chết. Họ chia phần cho người chết những vật thật có được trong gia đình một cách thật công bằng: hai trong bốn chiếc gùi, một trong hai cái ná, một nửa những thứ chỉ có một. Và đủ các thứ đồ dùng làm bằng gỗ, những thú vật, hoa trái... đẽo bằng gỗ, để người chết “sử dụng” ở thế giới bên kia. Không đi lại sớm chiều để hương khói, không có giỗ chạp hàng năm, mà chỉ một lần thôi họ làm đủ mọi thứ để sau đó người chết “yên trí” nơi rừng sâu và người sống yên tâm ở buôn làng, không ai đòi hỏi ở ai nữa.

 

Nói đến nghệ thuật tạo hình, nói đến điêu khắc ở nhà mồ của các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên phải nói đến những pho tượng gỗ, những quần thể tượng gỗ, những “vườn tượng” giữa rừng.

 

Nhà mồ của các dân tộc ở Trường Sơn không hoàn toàn giống nhau. Mộ của người Ê Đê bao giờ cũng chôn theo hướng đông - tây, đầu về phía mặt trời lặn, và người chết đã đi vào đêm tối.

 

Cái giống nhau là dân tộc nào ở mộ người chết cũng có nhiều tượng gỗ. Ít nhất là có 4 tượng ở 4 góc rào hình người. Rồi tượng đôi ngà voi song song, tượng đôi sừng trâu, tượng chim, công, khỉ, hổ, voi... Một cột cao vút là đường cho người chết lên trời, ở cột đó có khắc hình mặt trời mặt trăng, chim, hình chong chóng, hình tắc kè giữ lửa...

 

Tượng gỗ nhà mồ ở Trường Sơn nhiều về số lượng và rất phong phú về kiểu dáng, độc đáo về nghệ thuật diễn tả.

 

Những cây gỗ to, cao vừa đẽo thành tượng, vừa là đế, là cột chân. Có tượng gỗ cao đến vài thước, có tượng chỉ độ mấy mươi phân. Tượng người ngồi ở bốn góc mộ bao giờ cũng có mặt chia sẻ nỗi buồn với người yên nghỉ. Tượng người đánh trống, gõ chiêng làm cho người chết quên sầu muộn. Tượng người cầm dao, đeo ná như sẵn sàng bảo vệ người thân. Tượng người đứng, quỳ gối, ngồi với các tư thế khác nhau. Và nhiều nhất là tượng người suy tư như đang nhớ thương da diết người đã chết.

 

Tượng gỗ nhà mồ ở các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên chất phác không trau chuốt, giản đơn chứ không rườm rà, nhiều khi không cân đối, không tỉ lệ, nhưng rất có hồn và thật sâu lắng. Pho tượng thật rười rượi buồn và lòng vô cùng đau xót. Năm tháng qua đi, nắng mưa ở Trường Sơn dữ dội, cây rừng nhanh chóng che mất lối đi... vậy mà những pho tượng gỗ, vườn tượng ở giữa rừng vẫn tươi bóng dáng, đọng hồn người. Và, tài năng điêu khắc của người nghệ sĩ Trường Sơn vô danh thật đáng ca ngợi.

 

Khảo sát nền nghệ thuật tạo hình của các dân tộc thiểu số ở Phú Yên ta có thể nói: Ở Trường Sơn mọi người là nghệ sĩ. Những tấm khố, chiếc váy bền và đẹp là sản phẩm của phụ nữ. Những chiếc gùi đan xinh xắn và chắc chắn là công trình của các cụ già. Là một thế giới điêu khắc và hội họa phong phú mà tác giả là dân làng.

 

Ở Trường Sơn, mọi dân tộc đều yêu nghệ thuật, có nhu cầu và tài năng nhiều thể loại nghệ thuật. Nghệ thuật tạo hình ở Trường Sơn phản ảnh cuộc sống của núi rừng và khát vọng của con người ở rừng núi. Một nền nghệ thuật chứa đựng tính hiện thực và tính nhân dân sâu sắc.

 

GS. NGUYỄN QUỐC LỘC - VŨ THỊ VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek