Thứ Bảy, 21/09/2024 10:04 SA
Giữ gìn và phát huy nét độc đáo của lễ hội Phú Yên
Thứ Sáu, 16/12/2011 08:50 SA

1. Phú Yên miền đất lễ hội

Từ lâu miền đất Phú Yên đã là địa bàn sinh sống của nhiều tộc người. Trải qua thời gian với quá trình cận cư, xen cư những mối quan hệ, giao lưu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đã tạo nên sự tiếp biến văn hóa đáng kể giữa các thành phần tộc người. Mặc dù đã có những biến đổi lớn về đời sống kinh tế và văn hóa - xã hội, nhưng ở mỗi tộc người vẫn còn bảo lưu, gìn giữ và phát huy được sắc thái văn hóa của mình. Biểu hiện dễ nhận thấy hơn cả là lễ hội - Một loại hình sinh hoạt văn hoá cộng đồng đặc sắc mang nét riêng trong cách ứng xử văn hóa của mỗi tộc người với thiên nhiên, với thần thánh và với con người. Lễ hội ở Phú Yên xưa và nay đều có sự hỗn dung các tầng sâu văn hóa trong tiến trình lịch sử, do vậy lễ hội trở thành môi trường diễn xướng tốt nhất để bảo lưu, nuôi dưỡng và phát triển nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống và những giá trị văn hóa của cộng đồng, của dân tộc.

Đề cập về lễ hội ở Phú Yên sẽ có rất nhiều vấn đề cần giải đáp. Ví như Phú Yên có bao nhiêu lễ hội, gồm những loại hình lễ hội gì? Thời gian diễn ra lễ hội? đặc trưng của từng lễ hội và phạm vi ảnh hưởng của nó ra sao? Quả thật không dễ tìm lời giải ngắn gọn cho các câu hỏi ấy, nếu không tìm ra những yếu tố chung, xung quanh bản chất của lễ hội, những nghi thức, nghi vật, nghi trượng,... được bày biện tạo một không gian thiêng; được con người sử dụng để biểu thị chúng và mục đích xã hội trong sáng tạo và sử dụng các sản phẩm nghệ thuật. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không nghiên cứu chuyên sâu từng lễ hội mà tiếp cận tổng quan các loại hình lễ hội ở Phú Yên. Giúp cho việc nhận diện các loại hình lễ hội có hệ thống; trên cơ sở “gạn đục khơi trong” nhằm khắc phục hạn chế; đồng thời phát huy những giá trị, nét độc đáo của lễ hội Phú Yên, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về đời sống tinh thần của nhân dân địa phương, nhất là khai thác thế mạnh của lễ hội để thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch của tỉnh nhà.

Nằm trong cái chung, lễ hội ở Phú Yên có phần Lễ phần Hội. Theo đó, Lễ là tổng thể các nghi thức thể chế hóa trật tự, gắn liền với sự tích và quyền năng của thần hoặc gắn liền một sự kiện xã hội hay một nhân vật hư tưởng hay có thật. Phần Lễ mang ý nghĩa cầu xin và tạ ơn thần linh bảo trợ cho cuộc sống của con người. Là sự bày tỏ kính ý đối với một nhân vật, một sự kiện xã hội hay tự nhiên, hư tưởng hay có thật, đã qua hay hiện tại, nhằm biểu hiện giá trị của đối tượng được cử Lễ và diễn đạt thái độ của công chúng hành lễ. Phần Lễ là đời thiêng, nói chung mang tính giáo điều bất biến.

Hội là cuộc vui chơi bằng vô số hoạt động giải trí cộng đồng hết sức phong phú và đa dạng (ví như hát bộ, hội đánh bài chòi, kéo co, đi cà kheo, đấu vật, bắn nỏ, thi nấu cơm, đua ngựa, đua thuyền, thi đấu cờ tướng, cờ người, các loại hình dân ca, dân vũ…). Hội nhằm diễn đạt sự phấn khích, hoan hỷ của công chúng dự lễ. Hội bao giờ cũng có nhiều trò vui nên gọi là “bách hý”. Người ta thường nói “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”. Hội nhiều trò chơi đến mức người xem ngược xuôi hết chỗ này sang chỗ khác, tả tơi cả người mà thiếu sự tả tơi ấy thì không vui thú được. Phần Hội là đời thường, diễn ra bên ngoài thần điện hoặc nơi thờ cúng. Trật tự không phải là nội dung yêu cầu của Hội. Sự cuồng nhiệt vui chơi trong Hội, phản ánh bản chất của đời thường, bản năng sinh tồn của con người, khẳng định cuộc sống là do con người tạo ra và lễ hội là cuộc sống đời thường được sân khấu hóa, mang tính ước lệ cao.

Trở lại với lễ hội ở Phú Yên hiện tại còn có khá nhiều ý kiến trong cách phân loại, theo đó có ba nhóm chính như sau:

Thứ nhất, Những lễ hội có tính chất phồn thực; Lễ hội có tính chất thể thao, Lễ hội có tính chất văn nghệ…

Thứ hai, Lễ hội lịch sử, Lễ hội tôn giáo, Lễ hội theo nghề nghiệp, Lễ hội theo phong tục, Lễ hội truyền thống, Lễ hội hiện đại, Lễ hội có yếu tố văn hóa nước ngoài.

Thứ ba, Lễ hội theo mùa: Hội xuân, Hội thu...

Mỗi cách phân loại như trên đều có cơ sở, ở đây các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa theo những tiêu chí về tính đặc trưng của từng lễ hội hoặc dựa vào thời gian diễn ra lễ hội trong năm theo cách phân mùa xuân thu nhị kỳ. Trên thực tế khi nghiên cứu một lễ hội rất khó tách bạch như vậy được, bởi các yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, nghề nghiệp,…đều hòa quyện vào nhau để tạo nên lễ hội. Qua nhiều năm tìm hiểu về lễ hội ở Phú Yên, người viết bài này có cách phân loại theo những nhóm chính như sau:

Nhóm 1: Lễ hội liên quan đến cuộc sống trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên là các lễ hội nghề nghiệp, trong đó quan trọng nhất là các lễ hội nông nghiệp.

Do điều kiện địa lý tự nhiên nên xưa cũng như nay người dân Phú Yên chủ yếu vẫn sống bằng nghề làm nông, cho nên các lễ hội nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của đại bộ phận người dân. Hiện tại các lễ hội này không được tổ chức ở quy mô lớn như trong xã hội truyền thống nhưng dấu tích của các lễ hội nông nghiệp còn được biểu hiện ở những lễ thức với mục đích cầu mưa, chống hạn; lễ thức với mục đích tạ ơn trời đất ban cho mùa màng tốt tươi mừng cơm mới, lễ cúng đồng. Đối với các tộc người thiểu số sinh sống ở ba huyện miền núi của tỉnh các lễ liên quan đến nông nghiệp cũng rất đa dạng. Ví như các lễ cúng do gia đình người Ê Đê tổ chức có liên quan đến trồng trọt gồm: (Còn nữa)

Th.s NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek