Thứ Hai, 11/11/2024 03:49 SA
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 14/12/2011 08:00 SA

Trang phục gắn bó chặt chẽ với con người, do đó loại mặt phẳng tạo hình này thường chứa đựng tập trung nhất và phong phú nhất các kiểu hoa văn trang trí. Có điều cần nói là hình họa do kỹ thuật dệt cũng như do kỹ thuật đan tạo nên, có đặc điểm là các dạng hoa văn đều đã “hình học hóa”. Những đồ án trang trí phức tạp nhất cũng chỉ là kết quả của sự phối hợp tài tình nhiều chi tiết hình học đơn giản. Công cụ dệt của người phụ nữ Trường Sơn chỉ là những bộ phận rời, đơn giản, không giống như cái khung cửi cố định của người Kinh. Sợi được giăng thành thảm dọc trước mặt người dệt với sự tham gia của các bộ phận rồi. Người dệt chỉ ngồi một chỗ mà đan chỉ ngang qua thảm sợi dọc. Để tạo ra hoa văn, người thợ dệt đồng thời là nghệ sĩ đó đã sắp xếp trật tự màu sắc của các sợi dài hợp thành thảm dọc theo một công thức nhất định ứng với một kiểu trang trí được lựa chọn. Rồi trong quá trình đan những sợi ngang dải hoa văn sẽ hiện lên.

 

Các mô típ hoa văn ở đây gần gũi với thiên nhiên Trường Sơn và phản ánh sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Đó là những dãy núi chập chùng, suối sông lượn chảy, mưa rơi. Đó là những hình con cá, cái lông chim, nụ hoa bí, chiếc mỏ gà, mảnh da rắn, rồi hình lá nứa, tổ ong, v.v... được cách điệu. Những mũi tên bay nối đuôi nhau cũng là một mô típ hoa văn thường thấy bên cạnh hoa văn kỷ hà.

 

Những hoa văn mà người phụ nữ Trường Sơn tạo ra trên vải dệt, nhất là ở hai đầu chiếc khố, cũng thường được diễn tả trên đồ đan. Những chiếc gùi ở các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên là sản phẩm thủ công mà cũng là tác phẩm nghệ thuật. Ở Trường Sơn, người già cũng như con trẻ, nam cũng như nữ, đi đâu cũng mang sau lưng chiếc gùi. Có lúc chiếc gùi nhẹ tênh nhưng không thể thiếu nó trên lưng được. Có lúc chiếc gùi nặng trĩu, hằn hai chiếc quai mây trên đôi vai trần rắn chắc.

 

Mỗi dân tộc có những kiểu dáng gùi riêng. Người Ba Na ở Thồ Lồ có loại gùi dẹt sát vào lưng. Người Ê Đê ở hai bờ sông Ba dùng loại gùi có bốn chân để lúc qua sông đặt xuống bãi cát nghỉ chốc lát. Người Chăm Hroi thích chiếc gùi ba ngăn như một chiếc ba lô bằng mây vậy. Có loại gùi thưa dùng để mang củi, mang các ống nước từ rẫy, từ suối về. Có gùi lớn để mang thóc, mang bắp. Chiếc gùi nhỏ xinh xinh cho các cô gái đựng quần áo đẹp. Loại gùi đựng đồ quý để trong nhà, có nắp đậy. Có loại gùi đan hai lớp, đổ nước vào không ngấm rỉ được.

 

Và, trên những chiếc gùi với hàng chục kiểu dáng khác nhau đó, bàn tay khéo léo của người “thợ đan” Trường Sơn tạo ra nhiều kiểu hoa văn trang trí rất đẹp mắt.

 

Kỹ thuật đan vốn chung nguyên tắc cơ bản với kỹ thuật dệt vừa nói trên. Nó có xu hướng xếp những hình trang trí cùng mẫu thành một dải ngang, và các dải chồng lên nhau dọc chiều cao của thân gùi.

 

Hoa tám cánh là mô típ hoa văn xuất hiện trên nhiều đồ đan ở các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên. Các mô típ hoa văn chữ thập, quả trám, lá nứa, da rắn, tổ ong, v.v... cũng thường gặp. Hoa văn trên đồ đan ở Trường Sơn hạn chế ở hai màu cơ bản: màu sẵn có của mây tre và màu đen hoặc xanh được tô nhuộm. Thế nhưng với kỹ thuật đan tinh xảo, nghệ thuật tạo dáng tạo hình tinh tế, đồ đan ở Trường Sơn bản thân nó là những công trình nghệ thuật độc đáo. Những hoa văn trang trí tạo ra ngay trong khi đan làm cho giá trị nghệ thuật và tính độc đáo của những chiếc gùi thêm đậm đà.

 

Ở miền núi tỉnh Phú Yên ta cũng gặp nhiều tác phẩm hội họa mà không biết đến một tên tuổi họa sĩ nào. Nếu trên vải dệt, trên đồ đan, hoa văn trang trí được tạo nên phụ thuộc vào sợi chỉ dệt, chiếc nan đan, thì trong hội họa người nghệ sĩ nhân dân Trường Sơn được tự do hơn nhiều.

 

Ta có thể tìm thấy nhiều tranh vẽ, hoa văn trang trí bằng màu vẽ ở nhiều nơi. Nhưng tập trung nhất là ở ngôi nhà rông của người Ba Na, ở cột đâm trâu và ở nhà mồ của tất cả các dân tộc. Ở nhà rông, người nghệ sĩ vẽ những bức tranh hùng tráng sống động. Những cảnh trang trí trên nền gỗ toát lên sức sống mãnh liệt qua các hình họa phản ảnh sinh hoạt của con người và muôn vật. Về thực vật, ở đây thường mô phỏng các loại hoa, những cây lá gần gũi với đồng bào. Có điều lạ là những con thú, con người vẽ trên nhà rông như đang hoạt động, đang di động. Con chim câu đang dang cánh bay lên cao. Con cá tung tăng dưới lòng suối. Con vịt đang tìm mồi, con chó như săn đuổi. Con hổ đang oai vệ nhấc từng bước một. Những con người được vẽ thật đơn giản và hơi thô thiển nhưng lại rất sinh động.

 

Không những vẽ trên gỗ, các dân tộc thiểu số ở Phú Yên còn vẽ trên sọ trâu, sọ thú săn được, vẽ trên mặt trống, trên thanh la, các nhạc cụ.

 

Người nghệ sĩ Trường Sơn là những người lao động. Với đôi tay chai sạn, bằng học cụ thô sơ (có khi chỉ dùng bằng ngón tay), màu sắc nghèo nàn, nhưng đã tạo nên những bức tranh độc đáo, kỳ lạ.

 

(Còn nữa)

 

GS. NGUYỄN QUỐC LỘC - VŨ THỊ VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek