Thứ Bảy, 21/09/2024 10:04 SA
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 13/12/2011 08:00 SA

- “Chiêng Mnhum”: được sử dụng rộng rãi trong các ngày hội ăn cơm mới, hội chúc sức khỏe. Khi các hoa rừng nở rộ, chim Prơtôk hót ca, người ta nổi lên hồi chiêng Mnhum mời các Yàng về, chung vui suốt đêm. Trong hội xây cột đâm trâu, chiêng Mnhum nổi lên sau khi con trâu hiến sinh bị giết. Bộ chiêng Mnhum có 3 bộ phận: Đó là 1 hay 2 cái trống lớn để giữ nhịp, bộ phận thứ hai là ba cái chiêng núm làm nhiệm vụ đánh đệm, và bộ phận thứ ba là sáu chiêng bằng đi giai điệu.

 

- “Chiêng Aráp”: bộ chiêng này nguyên là của dân tộc Giơ Rai, nhưng ngày nay ở tỉnh Phú Yên, người Ê Đê, Chăm Hroi và Ba Na đều yêu thích và sử dụng ngày càng rộng rãi.

 

Chiêng Aráp được xem là bộ chiêng quý nhất, được dùng trong nhiều dịp hội hè khác nhau. Trong lễ bỏ mả có đến hàng chục bộ chiêng Aráp của nhiều làng cùng tham dự. Con gái làng nào múa theo đàn chiêng của làng ấy, và những chàng trai làng ra sức trổ tài đánh thật hay cho các cô gái gắn bó với chiêng làng mình.

 

Chiêng Aráp cũng được dùng trong lễ tang. Và khi đưa thi hài ra nghĩa địa, chiêng Aráp phải đi trước và bài chiêng được đánh lúc đó là có quy định, vì như bà con dân tộc nói: “Đúng điệu nhạc đó linh hồn người chết mới chịu ra mồ”.

 

Chiêng Aráp còn dùng trong lễ cúng bến nước, trong buổi múa dọa tù binh, trong lễ xây cột đâm trâu.

 

Một bộ chiêng Aráp có nhiều chiếc với cao độ khác nhau. Trước hết có 3 chiếc cồng có núm là Ania, Chieel và Pốt. Trừ cồng Ania có 1 chiếc, hai loại cồng sau có thể 3-4 chiếc. Như vậy, đã là 7-9 chiếc cồng. Làm chức năng đi giai điệu có 4 loại chiêng bằng. Trừ chiếc trầm nhất (Dinh hay Dob), còn 3 loại sau mỗi loại có thể 2-3 chiếc. Bộ chiêng Aráp bình thường có 3 chiếc cồng và 8 chiếc chiêng bằng. Bộ đầy đủ có đến 18-20 chiếc.

 

Người Ê Đê, người Chăm Hroi và người Ba Na ở tỉnh Phú Yên rất yêu thích chiêng Aráp. Đó là hiện tượng bình thường và tốt trong giao lưu văn hóa, trong ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau giữa các dân tộc ở gần nhau và có quan hệ chặt chẽ với nhau.

 

Âm nhạc nói chung và âm vang của chiêng nói riêng ở vùng Trường Sơn là một nhu cầu thiết thân không thể thiếu, cũng như không thể “thiếu muối, thiếu cơm” được đối với các dân tộc.

 

Vốn văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên thật phong phú, đa sắc, đa hình, độc đáo. Khai thác sử dụng tốt vốn văn hóa đó là trân trọng tinh hoa của nhân dân các dân tộc.

 

MỘT NỀN NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH ĐỘC ĐÁO

 

Ở những mục trên đã phác thảo về tài năng âm nhạc và khả năng văn học phong phú của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Yên. Dưới đây là phần trình bày về tài năng độc đáo của họ về một lĩnh vực khác, cũng chỉ phác thảo thôi, là về nghệ thuật tạo hình.

 

Nếu như chiếc đàn Tơrung, đàn Klông Pút được hâm mộ trên nhiều sân khấu ở nhiều hội diễn trong và ngoài nước, thì những chiếc gùi đan và những pho tượng gỗ nhà mồ của các dân tộc ở miền Trường Sơn từ lâu thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu. Không ít những công trình nghệ thuật tạo hình như vậy hiện đang được trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới. Việc bảo tàng dân tộc mang tên Piốt Đại đế ở TP Lêningrad (Liên Xô) đặt ngay ở cổng vào một pho tượng “Thần săn bắn” của các dân tộc ở Trường Sơn của Việt Nam. Chúng tôi đã tìm đọc lý lịch hiện vật đó ở kho lưu trữ của bảo tàng thì được biết đây là quà tặng mà một người Pháp đã thu thập được ở miền núi Phú Yên hồi cuối thế kỷ 19 rồi qua Nhật, và sau đến tay Hoàng đế Nga.

 

Nền nghệ thuật tạo hình của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Yên rất phong phú và độc đáo. Con dao nhỏ luôn mang bên mình là công cụ duy nhất để họ làm nên bao tác phẩm nghệ thuật: những chiếc gùi đan, những hoa văn khắc chạm tinh tế trên gỗ. Một cái rựa hoặc một cái rìu là đủ để họ làm nên bao tượng gỗ lớn, nhỏ. Với phụ nữ, nếu không coi cái “khung dệt” quá đơn sơ là công cụ, thì họ chỉ có đôi tay và sự am hiểu sâu sắc thiên nhiên để làm nên muôn vàn hình ảnh đủ màu trên chiếc khố, chiếc váy. Nguyên liệu để cho bao nhiêu sản phẩm nghệ thuật tạo hình ra đời chỉ có lá tre, nứa, gỗ... Mà những thứ đó thì rừng Trường Sơn quá thừa thãi. Cũng có thứ nguyên liệu phải qua bao nhiêu khâu lao động. Đó là cây bông vải trồng trên rẫy, mà từ những múi bông trắng xóa, người phụ nữ Ê Đê, Chăm Hroi, Ba Na... làm thành những cuộn sợi đủ màu và dệt thành những chiếc khố, chiếc váy với đủ loại hoa văn trang trí. Ta bắt đầu với những tác phẩm nghệ thuật tạo hình đó của phụ nữ các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên.

 

Ở đây, họ không dệt sợi thành vải, rồi từ vải mới cắt may thành quần áo, rồi sau nữa mới thêu ren trang trí cho đẹp. Mà mọi yêu cầu về sử dụng và nghệ thuật đó đều được tính cùng một lúc, ngay từ đầu. Và chị em phụ nữ Ê Đê, Chăm Hroi, Ba Na vừa làm người “thợ dệt” vừa làm người “thợ may”, và là “thợ thêu”. Họ vừa là “thợ thủ công” và đồng thời là “nghệ sĩ”. Bởi vì khi tấm dệt rời khung đã là chiếc khố hoặc chiếc váy với bao nhiêu trang trí đẹp mắt.

 

(Còn nữa)

 

GS. NGUYỄN QUỐC LỘC – VŨ THI VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek