Thứ Bảy, 21/09/2024 09:40 SA
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 11/12/2011 08:00 SA

TỪ CHIẾC KÈN MÔI ĐẾN BỘ CHIÊNG ARÁP

 

“Thiếu tiếng đàn, tiếng hát

Như thiếu muối, thiếu cơm”.

(Dân ca Ê Đê)

 

Các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn - Tây Nguyên, trong đó có các dân tộc ở Phú Yên, là những người rất yêu âm nhạc và có tài năng về âm nhạc.

 

Câu dân ca nói trên, và nhiều câu tương tự như vậy phổ biến rộng rãi ở người Ê Đê, người Chăm Hroi và người Ba Na... nói lên cái nhu cầu về âm nhạc trong đời sống tinh thần của họ.

 

Với một tài năng âm nhạc ít thấy và lòng say mê âm nhạc hiếm có, các dân tộc thiểu số ở Phú Yên đã sáng tạo ra nhiều thứ nhạc cụ phong phú. Nguyên liệu đơn sơ của rừng, phần lớn là gỗ, tre, nứa... nhưng bàn tay khéo léo và sự thông minh, am hiểu về âm nhạc... họ đã tạo ra nhiều thứ nhạc cụ độc đáo, đặc sắc.

 

Những trang viết này không làm được nhiệm vụ giới thiệu một cách đầy đủ tất cả các loại nhạc cụ mà đồng bào các dân tộc trong tỉnh sáng tạo và sử dụng, và người viết cũng không nghiên cứu sâu dưới góc độ âm nhạc học. Mà chỉ là giới thiệu phác thảo các giá trị văn hóa cần khẳng định, trình bày một số nhạc cụ tiêu biểu trong vốn âm nhạc dân gian đa sắc, đa hình dưới góc độ dân tộc học.

 

Chiếc kèn môi là thứ nhạc cụ đơn giản nhất ở dân tộc nào cũng có, và một em bé bất kỳ cũng có thể sử dụng được. Còn bộ chiêng Aráp thì cả người Ê Đê, người Ba Na, người Chăm Hroi ở Phú Yên ngày nay đều ưa thích nhưng nguồn gốc của thứ nhạc cụ này lại của một dân tộc khác, sẽ được trình bày ở phần dưới.

 

Đến một buôn làng ở miền núi tỉnh Phú Yên, từ sáng sớm tinh mơ cho đến tận đêm khuya thanh vắng, ta có thể nghe đủ mọi thứ âm thanh - âm nhạc: tiếng dìu sáo réo rắc trên lưng trời, tiếng đàn Tơrung vang vọng lên từ suối nước, tiếng mõ đuổi chim bằng sức gió từ các chồi rẫy... Rồi tiếng véo von của các loại sáo dọc, sáo ngang mà những chàng trai dùng nói lên tiếng lòng mình với bạn khác giới. Rồi các loại đàn có thể tỉ tê tâm sự bày tỏ cả cõi lòng. Các loại kèn có thứ thì âm vang giục giã, có loại thôi thúc đợi chờ. Và những chiếc trống lớn, nhỏ với bao sự tích ly kỳ, các thứ cồng chiêng đến hàng chục loại dùng khi ra trận, lúc khao quân, khi hội làng, ngày tế lễ.

 

Ta bắt đầu nghe người Ê Đê nói về cây sáo, một trong những nhạc cụ đơn giản nhất của họ. Bài dân ca cổ xưa nói lên lòng người Ê Đê với cây sáo và cũng nhắc nhở đến các loại nhạc khí khác:

 

“...Bởi đuổi chim két nên gãy cây “đinh pi”

Bởi đuổi chim cu nên gãy cây “đinh Kơ bía”.

Anh với em lìa xa nhau đó

Bởi cây “đinh buốt” lìa cây “đinh pi”

Em nghe tiếng “đinh pi” xao xuyến buồn thương,

Nghe lời “đinh buốt” khóc,

Khi em đi rẫy nương, tai nghe lòng nhớ.

Em ngủ đêm qua, chiêm bao nghe tiếng “đinh năm”.

Em ngủ đêm nay, chiêm bao thấy điệu kèn “Ki pá”.

Nếu trời làm anh với em lìa nhau đó

Giống như ngựa đứt cương,

Trâu tuột chão,

Đàn ông đàn bà chẳng lìa bỏ được nhau.

Ngủ đêm nay, em chiêm bao thấy

Cột với rui một gốc,

Suốt với rui một ngọn đối đầu nhau.

Em chẳng nhớ sai đâu,

Anh với em làm rẫy trong rừng rậm phía tây làng

Ôi, người yêu thương, tay anh vang cây “đinh Kơ bía”.

Ôi, người yêu thương, tay anh cầm ống “đinh pi”.

Nếu anh cầm kèn “Ki pá”,

Nếu anh đeo thêm nửa miếng vỏ lá trầu,

Cũng nhớ như thế đó hỡi anh.

Em không có yên lòng đâu mà ăn uống”.

Bài hát trên nhắc đến các loại sáo: đinh pi, đinh Kơ bía, đinh buốt, đinh năm, Ki pá... Người Ê Đê còn có loại sáo “đinh buốt chok”, có nghĩa là “ống sáo khóc”. Họ nói: “Nghe tiếng đinh buốt chok thì cây chuối chửa cũng trổ bắp ra mà nghe”.

 

Còn đàn giây thì có đàn “Bơ rố” mà bài ca cổ sau đây dành cho nó:

 

“Ơ Bơ rố, ơ Bơ rang.

Mày nương vào đàn Bơ rố,

Mày nói giúp với gió,

Mày cười giúp với gió.

Nếu không có sáp hinghi

lấy nhựa cây Dơ lông

Nếu không có giây đồng,

Căng bằng giây thép.

Sợi nhỏ, sợi to từng khúc,

Đến hỏi xin lũ làng.

Họ muốn tức cười nổ ròn khúc khích.

*

Ơ Bơ rố, Ơ Bơ rang

Gảy lúc sớm sợ trẻ con thức.

Gảy khi rạng mặt sợ trẻ con đau.

Gảy khi gà gáy sợ trẻ con thức giấc ngủ say.

Chàng Đam Giú gảy bên dưới chết con cọp con,

Gảy bên trên chết ông thần mắt,

Gảy giữa nước cá kìm không ở được trong hang,

Con giun không thể ẩn trong bùn,

Con rắn nước leo lên cây quấn lại,

Con cọp con ra khỏi hang,

Kiến gió kiến càng thôi không đùn đất.

Ve sầu kêu hót,

Tre alê, mơ ô chết, mọc bột hoa.

*

Đàn Bơ rố, Chàng Y Gi thân nó ba, vú nó sáu.

Kêu ngâm ngâm,

Không biết nói nên câu chuyện,

Những gì tôi kêu gọi.

Nếu gảy buổi sáng, vẳng đến chàng Pô Kơ Vây.

Nếu gảy buổi trưa, vẳng đến nàng Bang Ê Ra.

Hoa buổi tối nở to,

Thần mắt lên nghe,

Ầm ầm đất chuyển,

Con ông thần mắt chết một

ba ngày ba đêm”

 

(Còn nữa)

 

GS. NGUYỄN QUỐC LỘC - VŨ THỊ VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek