Thứ Bảy, 21/09/2024 10:00 SA
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 10/12/2011 11:00 SA

Trường ca của các dân tộc thiểu số ở Phú Yên cũng như của các dân tộc khác ở Tây Nguyên - Trường Sơn là một loại hình tự sự. Nó có vần điệu và cũng không có vần điệu. Khi trình diễn, người Ê Đê dùng đàn “Gông” đệm theo giọng ngân nga, còn người Ba Na thì dùng đàn “Proh”. Hình ảnh dòng sông Ba mênh mông, êm đềm phản ảnh khá rõ trong trường ca của người Ê Đê tỉnh Phú Yên.

 

Trường ca có sức hấp dẫn kỳ lạ. Từ em bé lên năm đến cụ già sống qua trăm mùa rẫy đều rất yêu thích Khan. Những buổi nghe kể Khan có thể có chuẩn bị trước, có thể không chuẩn bị trước. Thường vào lúc rảnh rỗi sau mùa gặt, những đêm trăng sáng dân làng đông vui, những khi dựng cột chuẩn bị đâm trâu cúng Yàng, và thường là quanh bếp lửa của ngôi nhà dài Ê Đê hay nhà rông Ba Na. Buổi kể Khan bắt đầu như thế nào, vào lúc nào không mấy ai để ý, chỉ biết rằng càng lúc càng say mê, người kể và người nghe như hòa vào nhau, cuốn hút nhau, không có khoảng cách. Người kể say sưa, người nghe say mê. Một Khan ngắn thì thường kết thúc vào nửa đêm, lúc gần sáng. Còn Khan dài thì đến sáng tạm dừng, đêm sau tiếp tục với sự say mê của cả người kể và người nghe cũng như vậy.

 

Trường ca (Khan) được đánh giá cao, trước hết là ở nội dung của nó. Trường ca phản ánh xã hội của dân tộc thời đã qua. Nó là một tư liệu quý về lịch sử, về kinh tế, tôn giáo, về hôn nhân gia đình, v.v... Tất nhiên, nó chỉ có cái “cốt lõi sự thực lịch sử” buổi đầu, rồi qua thời gian, qua nhiều thế hệ, qua nhiều người thêm bớt, nó được chấp cho “đôi cánh nghệ thuật”, như bao loại tác phẩm văn học dân gian khác.

Trường ca Đam San của dân tộc Ê Đê được Sabatier giới thiệu trên tạp chí của Trường Viễn Đông bác cổ từ năm 1929. Từ đó đến nay, việc sưu tầm nghiên cứu, chỉnh lý để có một văn bản đúng đắn và đầy đủ nhất được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, trong đó có cán bộ người Ê Đê. Một số nhà nghiên cứu nước ngoài đã sánh Trường ca Đam San của người Ê Đê ở Việt Nam với những sử thi Ilyad và Odyxe của Hy Lạp thời cổ đại.

 

Trường ca Đam San là một bản anh hùng ca tuyệt vời. Người tù trưởng “đầu đội khăn kép vai mang túi da” đó có sức mạnh phi thường, có tài năng xuất chúng, có ngoại hình tương xứng với thiên quý vốn có. Đam San là một anh hùng quân sự có sức mạnh đánh thắng tất cả các tù trưởng hùng mạnh khác. Đam San là một anh hùng lao động, có sức mạnh và khả năng lao động phi thường, biết điều khiển mọi người đi bắt voi đi đốn gỗ, dạy cho dân làng làm rẫy, dựng nhà.

 

Cái xã hội thị tộc mẫu hệ Ê Đê thời Đam San phản ảnh trong trường ca thật rõ. Ta hãy nghe lời tù trưởng Đam San khóc vợ khi vợ chết: “...Tiếc thay người mà thần linh cho tôi được trở thành một tù trưởng giàu mạnh. Tôi là lá đa, tôi quyến luyến với gốc đa”.

 

Và Đam San lên tận trời, đòi chặt đầu trời, nói với Trời: “...Trời ơi, vợ tôi đã chết rồi, người nấu cơm và sắm thức ăn cho tôi, người dệt áo khố cho tôi. Chính Trời trước kia đã cho tôi đến ở nhà vợ tôi. Chính Trời đã trộn lẫn sơn với dầu. Chính Trời đã buộc cương vào miệng ngựa, buộc dây vào mũi trâu, buộc trai với gái. Chính Trời đã ép buộc chúng tôi lấy nhau, đã dọa rằng nếu tôi không lấy thì bắt tôi làm tôi tớ cho Hơnhí. Còn nếu tôi lấy Hơnhí thì tôi trở thành một tù trưởng giàu mạnh, có bao nhiêu chiêng núm, chiêng bằng...”.

 

Cuộc hôn nhân của Đam San chính là thực hiện theo tập tục “chuê nuê” nghiêm ngặt của dân tộc Ê Đê, và Đam San chỉ là “cái lá đa” bởi vì chức tù trưởng hùng mạnh mà anh có được là do vợ - “cái gốc đa” của anh ta đó - trao cho.

 

Trường ca còn nhiều phản ảnh phong phú lắm. Và, trường ca Đam San cũng chỉ là một trong những trường ca hay nhất, được biết đến sớm nhất của người Ê Đê.

 

Bản giới thiệu của Sabatier là sưu tầm được ở Buôn Ma Thuộc. Điều thú vị là ở vùng Sông Hinh và Sơn Hòa tỉnh Phú Yên những dị bản Đam San tìm được đầy đủ hơn và “nguyên chất” hơn. Và ở Phú Yên, hàng loạt trường ca khác được biết đến lần đầu. Chúng tôi gọi là “Xứ sở của trường ca” chính là vậy.

 

(Còn nữa)

 

GS. NGUYỄN QUỐC LỘC - VŨ THỊ VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek