Thứ Bảy, 21/09/2024 10:08 SA
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 12/12/2011 08:00 SA

Cái đàn Bơ rố đó chỉ là một ống nứa, và nửa qua bầu, nhưng âm thanh của nó làm cho “con giun không ẩn trong bùn”, “con rắn leo lên cây quấn lại”, “con cọp con ra khỏi hang” và “Kiến gió kiến càng thôi không đùn đất!!...

 

Người Ba Na còn có đàn Klông Pút. Nhạc cụ này được cấu tạo bằng 12 ống nứa, ống dài nhất đến 2m và ống ngắn nhất là 20cm, do các cô gái biểu diễn. Một câu chuyện cổ của người Ba Na giải thích tên gọi đàn Klông pút như sau:

 

“Ngày xưa, có vợ chồng sinh được 1 con trai và 1 con gái. Klông là tên người con trai, còn Pút là tên cô con gái. Hai anh em Klông và Pút có công phát hiện ra các ống nứa chặt về để làm nhà do gió thổi vào phát ra nhiều âm thanh khác nhau nên từ đó làm ra thứ đàn mang tên của họ”.

 

Cũng có ý kiến cho rằng Klông Pút là các ống đựng thức giống. Khi trỉa xong lúa trên rẫy, các cô gái Ba Na đã vỗ vào đó để các hạt thóc cuối cùng rơi ra, âm thanh phát ra do tay các cô vỗ làm thành tiếng nhạc, và từ đó nó là thứ đàn mà các cô gái là tác giả và cũng là người biểu diễn.

 

Nói về các nhạc cụ của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - Trường Sơn, phải kể đến đàn Tơrung. Thứ nhạc cụ đã được thế giới biết đến và đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quy ở các đại hội âm nhạc.

Từ chiếc đàn Tơrung đơn giản nhất, chỉ có 5 ống nứa, treo ở góc cột dưới gầm nhà sàn và các chàng trai lúc rảnh tay gõ lên vài bài nhạc, hoặc treo ở một góc nhà rông Ba Na... cho đến dàn nhạc Tơrung nhiều bè, hàng chục ống nứa khác nhau trên sân khấu của những đoàn văn công cỡ lớn là cả một quá trình cải tiến nâng cao.

 

Ở núi rừng Trường Sơn có thứ đàn Tơrung không có người biểu diễn, âm thanh được phát ra do sức nước của dòng suối hoặc sức gió. Tiếng đàn Tơrung đó vừa là âm nhạc, vừa là âm thanh đuổi thú, bảo vệ hoa màu.

 

Trong các nhạc cụ của các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn - Tây Nguyên, trong đó có các dân tộc ở Phú Yên, thì cồng chiêng là thứ được sử dụng nhiều nhất và quý nhất. Có chiêng người ta gõ một chiếc, nhưng thường là sử dụng thành bộ. Kích thước khác nhau, âm thanh phát ra không giống nhau, kết cấu bộ chiêng ở mỗi dân tộc cục không như nhau.

 

Tiếng chiêng ở vùng Trường Sơn có một sức mạnh kỳ diệu, một vị trí đặc biệt trong đời sống đồng bào các dân tộc. Tiếng chiêng báo tin vui, chiêng của người săn được thú, của năm được mùa. Tiếng chiêng trong buổi uống rượu cần, chuốc cho mọi người uống đến no say. Tiếng chiêng xung trận, thôi thúc, quyết thắng kẻ thù, động viên mọi người ra trận, sửa giáo mác, soạn cung tên. Tiếng chiêng tang tóc, buồn thương của đám ma, tang lễ. Tiếng chiêng đón người thân trở về, tiễn người thương đi xa, tiếng chiêng mừng bạn bè, tiếng chiêng vui ngày hội.

 

Đây, tiếng chiêng trong trường ca Ê Đê:

 

“...Đánh lên! Cho tiếng chiêng lan ra khắp xứ.

Đánh lên! Cho tiếng chiêng lan qua sàn nhà xuống tận đất đen.

Đánh lên! Cho tiếng chiêng vượt lên mái nhà vang lên tận trời xanh.

Đánh lên! Cho khỉ quên ôm chặt vào cành cây,

Cho ma quỉ cũng quên làm hại người.

Đánh cho chuột, sóc quên đào lỗ, cho rắn nằm quay đơ.

Cho thỏ phải giật mình,

Cho hươu nai, đứng nghe quên ăn cỏ...”.

 

Trong các trường ca, chiêng được nói đến rất nhiều. Đoạn trích dẫn trên đây là một ví dụ.

 

Cho đến nay, trong những sự kiện linh thiêng, trọng đại, khi vui, lúc buồn... trong buôn làng đều có tiếng chiêng. Tiếng chiêng vang lên từ buôn này, plây khác, lúc khoan thai nhịp nhàng, khi sôi nổi, giục giã, quyện chặt lấy rừng xanh núi thẳm, tràn ngập không gian, xao động lòng người.

 

Ở các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên, chiêng có nhiều bộ có tên gọi khác nhau:

 

- “Chiêng Trum”: dùng trong lễ đâm trâu, lễ bỏ mả. Trai gái cùng múa theo nhịp chiêng Trum, hòa với tiết tấu của trống (pah hgor). Bộ chiêng Trum có 3 chiếc chiêng núm. Cái trầm nhất là chiêng Ania, rồi chiêng Krak, cái nhỏ là chiêng Moong.

 

(Còn nữa)

 

GS.NGUYỄN QUỐC LỘC - VŨ THỊ VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek