Thứ Bảy, 21/09/2024 09:29 SA
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở Phú Yên
Thứ Sáu, 09/12/2011 08:07 SA

Các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên có nền văn hóa truyền thống rất đặc sắc. Giá trị và tính độc đáo của nhiều thể loại văn hóa đã được đánh giá cao ở trong nước và ngoài nước, và là đóng góp xuất sắc vào nền văn hóa phong phú của cả nước.

Các dân tộc Ê Đê, Chăm Hroi, Ba Na ở tỉnh Phú Yên không giống nhau về ngôn ngữ (Nam đảo và Nam á), có những khác biệt về sinh hoạt và văn hóa. Nhưng cùng trình độ phát triển kinh tế - xã hội, sống gần nhau lâu đời tất có quan hệ văn hóa với nhau, nên các dân tộc có những yếu tố giống nhau trong văn hóa. Nói cách khác, các dân tộc cùng sống trong một khu vực lịch sử - dân tộc học và có sự thống nhất về văn hóa là tất yếu.

Mọi thành tựu văn hóa và giá trị văn hóa đều gắn với dân tộc, mang đặc điểm dân tộc, văn hóa định hình trong những điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội cụ thể. Và văn hóa luôn luôn vận động, phát triển, không đóng kín mà giao lưu, trao đổi. Các dân tộc có quan hệ với nhau sẽ ảnh hưởng nhau. Có dân tộc đăng tải, có dân tộc du nhập văn hóa. Thường là dân tộc vừa đăng tải, vừa du nhập, vừa có “nhận” vừa có “cho”, dung nạp và tỏa phát. Ảnh hưởng văn hóa diễn ra song cực hoặc đa cực và sẽ dẫn đến song văn hóa hoặc đa văn hóa.

Quan hệ văn hóa và ảnh hưởng lẫn nhau về văn hóa, trong đó có ngôn ngữ, xảy ra không phải như nhau ở mọi nơi, mọi lúc. Ở những điểm xen cư, ở những vùng giáp cư của hai hay nhiều dân tộc thì mức độ ảnh hưởng sẽ nhiều hơn, sâu hơn ở những nơi xa ranh giới tiếp xúc. Ở những vùng giao thông thuận lợi, dọc các trục đường lớn, sông lớn, gần các trung tâm... thì giao tiếp và giao lưu văn hóa nhiều hơn, dễ dàng hơn.

Quy mô, mức độ, tốc độ, cường độ của ảnh hưởng văn hóa giữa các dân tộc không như nhau vào các thời kỳ lịch sử khác nhau. Trước Cách mạng Tháng Tám và ảnh hưởng văn hóa phạm vi hẹp, mức độ thấp, tốc độ chậm... nên một hiện tượng, một yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến dân tộc cận cư thấy được phải tính bằng thế hệ.

Trong quá trình chiến đấu chống ngoại xâm lâu dài các dân tộc anh em ngày càng đoàn kết chặt chẽ và ảnh hưởng lẫn nhau về nhiều mặt. Ngày nay, quan hệ văn hóa tộc người diễn ra trên bình diện địa lý rộng lớn, và không chỉ có tự phát, ngẫu nhiên nữa mà có tự giác, có tác động mạnh mẽ của các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Tình hình cư trú xen kẽ ngày càng phát triển sẽ làm cho quan hệ văn hóa tộc người phát triển càng thuận lợi hơn. Xây dựng xã hội mới làm cho các dân tộc đều tiến bộ, càng gần gũi nhau hơn. Phương tiện thông tin đại chúng hiện đại và các phong trào cách mạng quần chúng rộng lớn là điều kiện và môi trường tốt để giao lưu văn hóa mạnh mẽ hơn bất kỳ thời nào trong lịch sử trước đây.

Các dân tộc thiểu số ngày nay đều có quan hệ mật thiết và tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa của người Kinh. Quan hệ văn hóa giữa các dân tộc anh em trong tỉnh sẽ ngày càng phát triển. Cái chung sẽ phổ biến ngày càng rộng rãi làm cho các dân tộc gần nhau, là tài sản chung của các dân tộc. Đặc điểm riêng sẽ là những màu sắc của từng dân tộc càng được khẳng định, tô thắm, góp vào nền văn hóa nhiều sắc đậm hướng của cả tỉnh, cả nước.

XỨ SỞ CỦA TRƯỜNG CA (SỬ THI)

Ở miền tây tỉnh Phú Yên, các dân tộc Ê Đê, Chăm Hroi và Ba Na đều có nền văn nghệ dân gian đặc sắc và vốn văn học dân gian phong phú. Đặc biệt là trường ca. Ở hai bên bờ con sông Ba và ở ngọn nguồn dòng sông Hinh đó chúng tôi như choáng ngợp trước một kho tàng to lớn, và sức sống mãnh liệt của trường ca. Đã có một nhận xét đáng chú ý là trường ca ở đây còn “nguyên chất” hơn cả.

Các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên đều có trường ca, gọi chung là “Khan” (hoặc “AKhan”). Người Chăm Hroi ở Đồng Xuân, Sơn Hòa gọi là H’ri. Người Ba Na phân biệt hai loại Hvong và Hmon. Còn ở người Ê Đê thì có các dạng: Chok, H’ri, Kza, Kanak... “Khan” là một danh từ khi ta nói đến những tác phẩm văn học dân gian dài hàng nghìn câu đó. “Khan” là động từ khi hàng chục, hàng trăm người ngồi im phăng phắc để nghe một người đang trình diễn, đang “Khan”.

Ở các buôn Ê Đê không có nhà rông cho nên dân làng tập trung ở ngôi nhà dài, quanh bếp lửa bập bùng thâu đêm mà nghe Khan! Buổi tối, khi buổi trình bày Khan bắt đầu với bao nhiêu người dự, họ ngồi chăm chú lắng nghe như thế nào, thì đến sáng họ vẫn ngồi y như vậy, đông đủ như vậy...”. Đoạn văn mô tả này thật đúng với mọi buôn làng Ê Đê.

Người kể Khan trong một buôn làng Ê Đê thực sự là một nghệ nhân dân gian, không những am hiểu nhớ thuộc cả tác phẩm dài truyền miệng đó, mà còn có một nghệ thuật trình bày hấp dẫn. Tùy nội dung cốt chuyện mà giọng Khan khi thì hùng hồn, phấn chấn, lúc lại thống thiết lâm ly làm xúc động người nghe. Với tài năng diễn đạt của người trình bày, trường ca được dựng lại một cách sống động. Nếu là một cảnh hùng tráng, sôi động... thì người trình diễn sẽ ngâm nga theo điệu “Kanak”. Nếu đoạn chuyện có nhiều tình tiết vui tươi, trữ tình thì anh ta sử dụng điệu “Kza”. Còn chuyện thương tâm, lâm ly, ai oán thì “Hari” là thích hợp. Và, nếu phải khóc bằng nhạc điệu thì người kể Khan sẽ dùng điệu “Chok”.

(Còn nữa)

GS. NGUYỄN QUỐC LỘC - VŨ THỊ VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek