Thứ Bảy, 21/09/2024 10:05 SA
Các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở Phú Yên
Thứ Ba, 06/12/2011 08:37 SA

Câu hỏi quan trọng và thường được nêu ra đầu tiên khi nghiên cứu con người - cư dân của một quốc gia hay một địa phương là về thành phần dân tộc.

Lý luận cơ bản về tộc người, về nguồn gốc tộc người, về quan hệ tộc người, về quá trình tộc người... vốn đã không đơn giản, mà việc vận dụng vào nghiên cứu giải quyết thực tiễn thường lắm khó khăn. Cư dân tỉnh Phú Yên hiện nay có số lượng không đông lắm, thành phần tộc người cũng không nhiều lắm (4 dân tộc), nhưng có nguồn gốc, ngôn ngữ không giống nhau và trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể có nhiều đặc điểm riêng. Do đó, câu hỏi quan trọng đối với tình hình này tưởng như lời giải đáp sẽ có phần đơn giản nhưng lại khá phức tạp.

Trong một số tài liệu, thành phần dân tộc tỉnh Phú Yên được nêu không giống nhau. Tình hình đó có nhiều nguyên nhân. Không ít trường hợp do không phân biệt tên phiếm xứng với tộc danh, lẫn lộn tên gọi chung của cả dân tộc với tên gọi của các nhóm địa phương trong cùng dân tộc đó. Có tác giả không phân biệt các cấp của khối cộng đồng người: đơn vị tộc người cơ bản và các đơn vị tộc người sơ cấp, tức các vi đơn vị. Kết quả là liệt kê bao nhiêu tên gọi bất kỳ thì coi đó là bấy nhiêu dân tộc. Và con số đó là hàng chục. Có người do nghiên cứu và trình bày không theo một phương pháp khoa học nhất định, đã chia nhỏ hay ghép lớn các tộc người một cách tùy tiện.

Vào các thời điểm lịch sử khác nhau sự phát triển tộc người theo những quy luật không hoàn toàn như nhau. Cùng một tộc người, nhưng ở các khu vực khác nhau, lắm khi cũng có sự khác biệt nhất định. Tình trạng đó rất thường xảy ra ở những vùng có nhiều dân tộc cùng cư trú (tiếp cư, cận cư, xen cư, cộng cư), quan hệ lẫn nhau lâu dài, tác động từ nhiều cực và ảnh hưởng nhau nhiều mặt. Phú Yên chính là nơi có tình hình như vậy. Ở Đồng Xuân và Sơn Hòa có nhiều nơi người Chăm Hroi và người Ba Na ở gần nhau và ảnh hưởng nhau sâu sắc. Khi ta hỏi họ là người dân tộc nào, thì câu trả lời nhận được không dứt khoát. Tình hình song ngữ, đa ngữ, song văn hóa, đa văn hóa cùng với việc thực hiện hôn nhân khác tộc qua nhiều thế hệ làm cho việc xác định thành phần dân tộc thêm nhiều khó khăn.

Dưới đây xin trình bày về các dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Yên với những tư liệu khảo sát được của chúng tôi về tộc danh, cấu trúc tộc người, bản đồ phân bố cư trú hiện nay, các quan hệ lịch đại và đồng đại giữa các dân tộc với nhau, giữa các dân tộc thiểu số và người Kinh.

caccogai.jpg
Các sơn nữ người Ê Đê, xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: N. THẮNG

1. DÂN TỘC Ê ĐÊ

Ở Việt Nam, dân tộc Ê Đê xếp thứ 12 theo số lượng trong tổng số 54 dân tộc của cả nước.

Địa vực cư trú của dân tộc Ê Đê khá rộng. Phía bắc họ tiếp cư với người Giơ Rai ở dọc sông Ea Hleo, phía nam họ dừng lại dưới chân dãy núi Chư Yang Sin (2.405m). Về phía tây ngươi Ê Đê cư trú đến tận biên giới Việt Nam - Campuchia, phía đông là chân Trường Sơn. Ở tỉnh Khánh Hòa, người Ê Đê có mặt tại vài xã miền núi với số lượng không nhiều: ở xã Ninh Tây (huyện Ninh Hòa) và ở hai xã Khánh Bằng và Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh).

Ở tỉnh Phú Yên, dân tộc Ê Đê tụ cư đông đảo ở một số xã của huyện Sông Hinh và huyện Sơn Hòa. Họ là cư dân chủ thể của huyện Sông Hinh. Tại đây có những xã gần như toàn người Ê Đê: xã Ea Bia, xã Ea Bá, xã Ea Trol. Ở huyện Sơn Hòa, người Ê Đê tập trung đông ở hai xã: Suối Trai và Krông Pa. Ở một số xã khác có người Ê Đê ở xen cư với người Chăm Hroi hoặc Ba Na.

Người Ê Đê ở Phú Yên cũng như ở Cao nguyên Đắk Lắk đều tự gọi là “Anak Đê” hoặc là “Nak Đê” theo quy luật biến âm rút ngắn của ngôn ngữ này. “Anak” (hoặc “Nak”) tiếng Ê Đê có nghĩa là “Con”. Tộc danh Ê Đê thống nhất và chính thức bắt nguồn từ tên tự gọi đó. Một tên gọi khác cũng thường gặp là Rađê. Chúng tôi đã có dịp nêu ý kiến cho rằng đó là do cách gọi “Orang Ê Đê”, cũng như “Orang Glai” mà thành, theo quy luật ngôn ngữ nói trên.

Orang Glai - Raglai

Orang Ê Đê - Rađê

Dân tộc Ê Đê ở Việt Nam có nhiều nhóm địa phương. Các nhóm cư trú tập trung và có số lượng đông là: Kpas, Adham (hoặc Atham), Krung, Ktul, Dliêsue, Kđung, Hwing, EEpan, Arul, Ening, Bih, Mthur (hay Mdhur)... Người Ê Đê ở tỉnh Phú Yên phần lớn thuộc nhóm Mthur. Một số tài liệu gọi là “dân tộc Mthur” và phân biệt với dân tộc Ê Đê là không đúng. Mà họ là nhóm Mthur của dân tộc Ê Đê, nghĩa là Mthur là đơn vị sơ cấp (vi đơn vị) của tộc người cơ bản Ê Đê như cấu trúc tộc người đã trình bày. Do đó, Ê Đê mới là tộc danh, còn Mthur là vi tộc danh.

Qua khảo sát dân tộc học điền dã ở Phú Yên và ở các nơi khác chúng tôi thấy rõ ở các nhóm Ê Đê ý thức về dân tộc chung ngày càng rộng rãi, thống nhất, còn sự nhận biết về các nhóm địa phương thì ngày càng mờ nhạt. Tình hình đó sẽ phát triển cùng với quá trình cố kết nội tộc người và tăng cường đoàn kết các dân tộc trong nước. Nhiều người, nhất là thế hệ trẻ, hiện nay chỉ biết mình là Anak Ê Đê. Như vậy, việc phân nhóm nhiều và nhỏ của nhiều tác giả khi giới thiệu về dân tộc Ê Đê đến nay một số trường hợp không còn rõ nữa và trong tương lai chắc sẽ không còn là vấn đề khoa học có nhiều ý nghĩa nữa.

(Còn nữa)

Giáo sư NGUYỄN QUỐC LỘC – VŨ THI VIỆT

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek