Thứ Bảy, 21/09/2024 10:02 SA
Các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Năm, 08/12/2011 08:00 SA

Cơ sở của đề xuất khoa học đó là thực tế cư trú và văn hóa - sinh hoạt của người Chăm Hroi hiện nay và diễn biến về quá trình tộc người hiện đại đang và sẽ có. Và, như vậy việc thừa nhận về quan hệ nguồn gốc của họ là “Chăm” cũng không có gì mâu thuẫn.

 

Địa bàn cư trú của người Chăm Hroi ở Phú Yên hiện nay tiếp giáp với người Giơ Rai ở tỉnh Gia Lai - Kon Tum về phía tây, với người Ê Đê ở phía nam và tây nam, liên hệ với người đồng tộc ở tỉnh Bình Định (huyện Vân Canh) về phía bắc, cộng cư với người Ba Na trong một số xã, quan hệ nhiều với người Kinh.

 

3. DÂN TỘC BA NA

 

Ở Việt Nam, dân tộc Ba Na đứng hàng thứ 13 về số lượng trong tổng số 54 dân tộc của nước ta (theo Danh mục các thành phần dân tộc ở Việt Nam).

 

Địa bàn cư trú của người Ba Na khá rộng, bao gồm phần phía đông của tỉnh Gia Lai - Kon Tum và vùng dọc Trường Sơn ở phía tây tỉnh Bình Định và Phú Yên. Ở cao nguyên Kon Tum họ tiếp cư với dân tộc Xơ Đăng. Ở cao nguyên Plâycu họ ở giáp liền địa vực cư trú của người Giơ Rai. Còn vùng dọc Trường Sơn ở phía đông họ cộng cư hoặc xen cư với người Hrê, người Chăm Hroi và người Ê Đê.

 

Dân tộc Ba Na có nhiều nhóm địa phương. Có tác giả cho rằng dân tộc Ba Na có hai ngành lớn là Ba Na Kpâng Công (ở trên núi) và Ba Na Alacông (ở dưới núi). Có người lại chia ra nhóm Ba Na miền đông và nhóm Ba Na miền tây. Trên và dưới núi, miền tây và miền đông là cách phân chia theo bình diện địa lý và độ cao địa hình cư trú.

 

Các nhóm địa phương của dân tộc Ba Na được nhiều tài liệu nói đến là: Rơngao, Gơlar, Giơlâng, Kon Tum, Bơnơm, Tơ Lô, v.v...

 

Ở tỉnh Phú Yên, người Ba Na tập trung đông hơn cả là ở huyện Đồng Xuân. Vùng Thồ Lồ là địa bàn cư trú cao và hiểm trở, mà địa danh rất có thể liên quan tới tên gọi nhóm địa phương Tơ Lô.

 

Trong một số xã của huyện Đồng Xuân và huyện Sơn Hòa người Ba Na cộng cư với người Chăm Hroi. Hai nhóm cư dân thuộc hai ngữ hệ khác nhau đó, Nam Á (Ba Na) và Nam Đảo (Chăm Hroi) ở Phú Yên đã có quan hệ lâu đời và ảnh hưởng lẫn nhau sâu sắc nên không ít tác giả đã gộp họ chung làm một tộc người. Và bản thân họ tự coi mình là người Ba Na hay người Chăm Hroi cũng được.

 

Tuy thế, ngay ở tỉnh Phú Yên, tình hình ở các vùng không hoàn toàn như nhau. Tỉ lệ số lượng hai dân tộc ở từng xã cộng cư tại huyện Đồng Xuân khác với huyện Sơn Hòa.

 

Ở Đồng Xuân, tổng số người Chăm Hroi và tổng số người Ba Na gần như tương đương. Tại xã Đa Lộc số người Ba Na gấp 2 lần người Chăm Hroi. Còn ở xã Phú Mỡ người Chăm Hroi đông hơn người Ba Na 1,5 lần. Tỉ lệ chênh lệch Chăm Hroi - Ba Na có cao hơn ở xã Suối Cối nhưng ở đây cả 2 dân tộc đều có số lượng không lớn lắm.

 

Ở huyện Sơn Hòa, tình hình có khác nhiều. Tại xã Sơn Hội số lượng người Chăm Hroi gấp 10 lần người Ba Na. Tỉ lệ đó ở xã Phước Tân là 7,6 và ở xã Sơn Phước là 3,5. Tỉ lệ cư dân Chăm Hroi so với Ba Na của toàn huyện Sơn Hòa là 8,6/1.

 

Cũng cần lưu ý là ở Đồng Xuân chỉ có hai dân tộc thiểu số Ba Na và Chăm Hroi còn ở huyện Sơn Hòa có thêm dân tộc Ê Đê nữa. Mà người Ê Đê và người Chăm Hroi cùng ngữ hệ, có nhiều nét gần nhau trong văn hóa - sinh hoạt.

 

Ở huyện Sông Hinh cũng có người Ba Na.

 

GS. NGUYỄN QUỐC LỘC - VŨ THỊ VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek