Thứ Bảy, 21/09/2024 09:32 SA
Các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 07/12/2011 08:00 SA

Tiếng nói của người Ê Đê thuộc ngữ hệ Nam Đảo, còn gọi là Mã Lai - Đa đảo (Malayo - Polynésia). Các nhà khoa học cho rằng chủ nhân nền văn hóa Sa huỳnh và sau đó cư dân của quốc gia Chămpa là những người sử dụng ngôn ngữ này. Hiện nay, ở các nước Đông Nam Á, nhất là các nước hải đảo, có nhiều dân tộc nói ngôn ngữ Nam đảo. Ở Việt Nam, thuộc dòng ngôn ngữ này có các dân tộc: Giơ Rai, Ê Đê, Chăm, Raglai, Churu, Chăm Hroi. Địa bàn phân bố cư trú chủ yếu của các dân tộc này là vùng cao nguyên trung tâm và duyên hải miền Trung, từ Bình Định đến Bình Thuận. Ở TP Hồ Chí Minh và ở tỉnh An Giang có mấy vạn người Chăm.

 

Ngôn ngữ các dân tộc thuộc dòng Nam đảo có vốn từ vựng cơ bản giống nhau khá lớn. Chúng tôi đã có dịp công bố kết quả điều tra so sánh các ngôn ngữ đó ở miền Trung nước ta hồi năm 1974. Tỉ lệ số từ vựng cơ bản giống nhau như sau:

 

tile111207.jpg

Theo bảng so sánh trên ngôn ngữ các dân tộc được điều tra giống nhau đến 80% trở lên về từ vựng cơ bản, trong đó tiếng nói của người Ê Đê gần với người Giơ Rai và Hroi hơn (88%).

 

Người Ê Đê ở Phú Yên liền cư với người đồng tộc ở huyện Madrac (tỉnh Đắk Lắk) ở phía tây nam, tiếp cư với người Giơ Rai ở huyện Ayun Pa (tỉnh Gia Lai - Kon Tum) ở phía tây bắc, cận cư và xen cư với người Chăm H’roi trong cùng tỉnh về phía bắc.

 

2. DÂN TỘC CHĂM H’ROI

 

Những xã người Chăm Hroi chiếm tỉ lệ cao trong dân số là: Cà Lúi, Phước Tân, Sơn Phước, Sơn Hội. Một số xã có người Chăm Hroi ở xen cư. Ở huyện Đồng Xuân phân bố ở 5 xã: Suối Cối, Phú Mỡ, Xuân Lãnh, Đa Lộc và Xuân Quang.

 

Việc xác định thành phần tộc người của nhóm Chăm Hroi khá phức tạp. Đã có nhiều quan điểm khác nhau, chúng tôi sẽ tóm lược dưới đây:

 

- Cho rằng người Chăm Hroi là một phân nhóm của dân tộc Ba Na - Chủ trương đó là của các tác giả người Mỹ trong các quyển sách “Các nhóm tộc người ở lục địa Đông Nam Á” (1964) và “Các nhóm thiểu số ở Cộng hòa Việt Nam) (1966). Quyển sách “Các sắc tộc thiểu số tại Việt Nam” xuất bản ở Sài Gòn năm 1974 cũng theo quan điểm này.

 

- Coi Chăm Hroi là một bộ phận của tộc Giơ Rai. Cửu Long Giang và Toan Ánh trong quyển sách “Cao nguyên miền Thượng” xuất bản năm 1969 ở Sài Gòn gọi họ là “sắc tộc nhỏ của sắc tộc Giơ Rai”.

 

- Không phân biệt người Chăm Hroi với người Ba Na mà họ cộng cư, gộp chung lại gọi là “Chăm - Ba Na” hay “Ba Na - Chăm”.

 

- Không dùng tên gọi Hroi hay Chăm Hroi mà coi họ là người Chăm. Sogny trong bài viết đăng ở tập san của “Hội những người bạn Huế cổ” (BAVH) năm 1937 đã khẳng định: “Người Chăm ở Đồng Xuân và Sơn Hòa thật sự là con cháu của dân Chăm Pa”. Ý kiến này không bao gồm số người Chăm Hroi ở Bình Định.

 

- Coi Chăm Hroi là một nhóm địa phương của dân tộc Chăm. Đó là ý kiến của nhiều tác giả và sử dụng trong Danh mục các thành phần dân tộc ở Việt Nam.

 

- Coi Chăm Hroi là một tộc người riêng.

 

Chúng tôi cho rằng xác định người Chăm Hroi là một bộ phận của tộc người Ba Na hay của tộc người Giơ Rai đều không đúng, họ gọi là “Ba Na - Chăm” hay “Chăm - Ba Na” là tùy tiện. Rõ ràng người Chăm Hroi có quan hệ nguồn gốc với người Chăm. Người Chăm Hroi đang được trình bày có thể là một trong những kết quả tất yếu đó. Và như vậy coi người Chăm Hroi là nhóm địa phương của tộc người Chăm nghĩa là thừa nhận quá trình tộc người phân chia đã diễn ra. Trước đây trong một số công trình đã công bố, chúng tôi chia xẻ quan điểm này, và vẫn nghĩ rằng cơ sở khoa học của chủ trương đó là đúng đắn. Trong công trình nghiên cứu “Người Chăm Hroi” (thuộc chương trình Toyota Foundation) chúng tôi nêu ý kiến là có thể coi người Chăm Hroi là một đơn vị tộc người cơ bản.

 

(Còn nữa)

 

GS. NGUYỄN QUỐC LỘC – VŨ THI VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek