Thứ Bảy, 21/09/2024 11:40 SA
Di sản văn hóa dưới đỉnh Đá Bia (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 01/12/2011 08:00 SA

Hang Suối Giữa (thôn Phước Long, xã Hòa Tâm)

 

Hang Suối Giữa là căn cứ địa cách mạng miền đông - Tuy Hòa 1. Trong chiến tranh, hang Suối Giữa bị Mỹ ném bom tàn khốc. Hang này gồm nhiều tảng đá chồng lên nhau tạo ra nhiều hang động chính. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hang Suối Giữa là nơi che chở, bảo vệ lực lượng của ta.

 

Bia Đá (thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam)

 

Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, chúng xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam. Hảo Sơn là điểm tiếp giáp giữa hai đầu đường sắt. Bia Đá này trước kia cao gần 2m. Hiện nay, đã nứt bể thành ba mảnh. Kích thước hiện nay đo được dài 1,3m, rộng 60cm (làm bằng đá xanh). Trên bia có khắc chữ Pháp.

 

Dấu tích Lò Gốm (vườn Đình Sau, thôn Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân Tây)

 

Địa điểm này rất nhiều mảnh gốm trên mặt đất. Theo khảo sát tại thực địa, khi đào xuống tầng và hóa khảo cổ thì có rất nhiều mảnh gốm. Theo nhận định ban đầu, đây có thể là dấu tích Lò Gốm Chăm nằm bên bờ nam sông Bàn Thạch.

 

Lò gạch Thạch Lương (thôn Phước Lương, xã Hòa Xuân Tây)

 

Lò gạch nằm trong khuôn viên nhà bà Ngô Thị Kỷ, xóm Thạch Lương, thôn Phước Lương. Theo lời kể của bà Kỷ: Trước đây bà có nghe ông bà kể lại lò gạch này có từ lâu đời. Theo khảo sát thực tế, ở đây có rất nhiều gạch Chăm. Hiện nay số lượng gạch nguyên và gạch vỡ còn rất nhiều.

 

Nơi phát hiện nhiều đồ gốm (thôn Phước Long, xã Hòa Tâm)

 

Năm 2001, trong lúc đào hồ tôm, gia đình ông Lương Văn Trợ thuộc khu vực gò Ngọn Đầm có diện tích 1.000m2 (độ sâu khoảng 1,5m), dọc thành bờ hồ 40m đã phát hiện nhiều đồ gốm như: lu, hũ, chén (giữa các đồ gốm này là lớp tro đen, có thể là tàn tích bếp lửa). Theo khảo sát thực địa, ở đây có khả năng là lò gốm lộ thiên.

 

Những hang đá phía tây đường quốc lộ 1A (từ cầu Sông Ván đến núi Đồng Lão Nam Bình)

 

* Hang Bầu Giữ (thôn Phú Khê, xã Hòa Xuân Đông)

 

Hang nằm hướng nam sát Bầu Giữ dãy núi sông Tra, sông Ván. Núi ở nơi đây có nhiều tảng đá chồng lên nhau tạo ra nhiều hang động, là nơi che chở, bảo vệ lực lượng cách mạng, là căn cứ cách mạng của thôn Phú Khê trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nơi đây cán bộ thôn Phú Khê (xóm Quán và xóm Mới) trụ bám để về thôn xây dựng cơ sở cách mạng, phá ấp chiến lược, mở phong trào.

 

Năm 1962, lực lượng bộ đội địa phương và du kích xã ẩn nấp trong hang Bầu Giữ tiến ra chặn đánh đoàn xe quận Khang - quận trưởng Hiếu Xương, chuyển công tác đi tỉnh khác. Lực lượng ta nổ súng xung phong đẩy toàn bộ lực lượng của quận Khang và quân lính hộ tống tiễn đưa xuống ruộng sình sông Ván. Địch chạy thục mạng vào Hảo Sơn, bỏ lại trên đường 2 xe Dos, một xe Jeep. Ta thu nhiều quân trang, quân dụng, bắt 1 tù binh, thu 1 súng trường mas, 1 carbin.

 

* Hang Hóc Trùm (thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân Tây)

 

Là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cán bộ xã Hòa Xuân và thôn Bàn Thạch trụ bám để về thôn Bàn Thạch xây dựng cơ sở, phá ấp chiến lược, mở phong trào, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch. Núi ở đây có nhiều hang gộp đá to chồng lên nhau, có suối nước trong mát, là nơi che chở cán bộ, tránh pháo địch, thuận tiện sinh hoạt, an toàn trong mọi tình huống.

 

Tại hang Đá Lợp, cửa ngõ vào hang Hóc Trùm (cách hang Hóc Trùm 100m), ngày 1-1-1966, thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh cục bộ địch mở Chiến dịch mùa khô lần thứ 1 tại huyện Tuy Hòa 1. Địch huy động 2 tiểu đoàn lính đánh thuê Nam Triều Tiên thuộc Lữ đoàn “Rồng Xanh” và 3 tiểu đoàn lính ngụy Sài Gòn tấn công ồ ạt vào các gộp và vực ở Đồng Nẩy nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng đang bám trụ tại đây.

 

Vừa tang tảng sáng, đại đội Nam Triều Tiên đi đầu tiến quân sát gộp Đá Lợp. Lực lượng ta gồm cán bộ Đại đội 377, 8 đồng chí cảnh vệ Trung đoàn 10 và du kích xã làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường đang trú ở đây phát hiện địch, quân ta để địch đến sát gộp Đá Lợp nổ súng diệt gọn đại đội Nam Triều Tiên đi đầu. Do địa hình hiểm trở, bị ta bất ngờ đánh phủ đầu, đội hình phía sau không ứng cứu kịp, nên bọn địch phía trước hoảng loạn bỏ chạy. Ta làm chủ trận địa, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

 

Đây là trận đánh phủ đầu đầu tiên của bộ đội và du kích Hòa Xuân diệt bọn lính Nam Triều Tiên khi chúng vừa đặt chân lên đất Phú Yên.

 

* Hang Hóc Gạo (còn gọi Hóc Ông Thơm thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân Tây)

 

Là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Núi có nhiều đá to chồng lên nhau, tạo thành nhiều gộp rộng có thể che chở hàng trung đội, đại đội, tiểu đoàn trụ bám. Tại đây có suối nước trong mát, có hang sâu vào núi. Có lần, chị Thắc phụ nữ xã đi lạc vào hang 7 ngày mới tìm được đường ra. Kẻ thù dội lên Hóc Gạo không biết bao nhiêu bom đạn nhưng cán bộ, chiến sĩ trụ bám ở đây vẫn rất an toàn.

 

Cạnh hang Hóc Gạo có đường giao liên xuyên rừng núi từ Hòa Xuân lên Hòa Thịnh, Hòa Tân, Hòa Đồng. Hang Hóc Gạo là địa điểm tập kết dân công từ huyện Tuy Hòa 1 để chờ đêm tối vượt đường quốc lộ 1A và đường xe lửa xuống căn cứ miền đông tiếp nhận vũ khí con tàu Không số, và cũng là nơi dân công từ căn cứ miền đông mang vũ khí lên, tạm dừng nghỉ ngơi để tiếp tục hành trình ven núi lên Nam Bình, qua Đồng Lão về Hòa Thịnh.

 

(Còn nữa)

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek