Thứ Bảy, 21/09/2024 13:30 CH
Di sản văn hóa dưới đỉnh Đá Bia (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 26/11/2011 08:00 SA

Sự vắng mặt của nhóm công cụ mài lưỡi và đồ trang sức ở di chỉ này, cũng như hầu hết các địa điểm khảo cổ học có cùng niên đại ở Phú Yên cho thấy cư dân tiền sử ở khu vực Phú Yên xưa có một phương thức sống và các hoạt động kinh tế khá khác biệt với các khu vực lân cận.

 

Về đồ gốm, thu được 12 thỏi gốm, 1 mảnh gốm ghè tròn và gần 6 vạn mảnh gốm vỡ với nhiều loại hình và kích cỡ khác nhau.

 

Về mật độ phân bố gốm mảnh: có thể nhận thấy với diện tích 52m2 khai quật đã thu được gần 6 vạn mảnh gốm, tỉ lệ mảnh tính theo trọng lượng 1m3 đất trung bình gần 20km/1m3. Cho thấy địa điểm này có mật độ phân bố đồ gốm cao hàng đầu ở khu vực Nam Trung bộ.

 

Loại hình đồ gốm chủ yếu là các loại đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày như bát, nồi, vò, âu... Đồ gốm có kích cỡ lớn và trung bình, khoảng kích thước đường kính nằm tập trung nhất dao động từ 20 đến 35cm. Những đồ gốm kích cỡ nhỏ dưới 15cm có số lượng rất ít. Đồ đựng không có chân đế có số lượng rất thấp, thể hiện ở số lượng mảnh chân đế thu được ở di chỉ chưa đầy 100 mảnh. Loại nồi gốm kích cỡ trung bình miệng loe, thân gãy góc khá gần gũi với nồi gốm cùng loại tìm thấy ở các địa điểm thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Nhìn chung, đồ gốm kích cỡ lớn, chủ yếu là đồ đựng không có chân đế cho thấy việc sinh hoạt khá sung túc và không có nhu cầu tích lũy thức ăn lâu dài.

 

Chất liệu đồ gốm Khe Ông Dậu khá đồng nhất với một loại chất liệu gốm tương tự nhau. Gốm pha cát và sạn sỏi kích cỡ nhỏ, trung bình khoảng 0,05cm, một vài đồ gốm nhỏ pha cát rất mịn. Xương gốm có màu nâu đỏ xẫm, xám nhạt hoặc xám đen, độ chuyển biến màu sắc nhẹ nên rất khó phân biệt khi đặt các nhóm màu sắc gần nhau. Lớp áo gốm được xoa mịn có màu nâu đỏ, nâu, nâu đen hoặc xám đen, độ chuyển biến màu sắc tương tự như xương gốm. Những chuyển biến về màu sắc được quyết định chủ yếu do độ nung. Theo đánh giá bước đầu, đồ gốm có độ nung dao động trong khoảng 700-800oC.

 

Hoa văn trên gốm mảnh chiếm gần 50% tổng số mảnh gốm thu được. Trong đó tuyệt đại đa số là nhóm hoa văn kỹ thuật gồm văn thừng và văn chải. Chỉ tính riêng nhóm gốm mảnh có hoa văn: văn thừng chiếm 70% mảnh, văn chải chiếm 20% mảnh và nhóm hoa văn trang trí chỉ chiếm tỉ lệ trên dưới 5% số lượng mảnh. Văn thừng chủ yếu thuộc loại có kích cỡ nhỏ và trung bình, rất ít mảnh có văn thừng thô, vết thừng thường được đập song song hay cắt chéo nhau, một số mảnh đập không theo một hướng nhất định. Văn Chải có dấu vết thường mờ nhạt hơn, ít có những vết chải rõ ràng, Tuy nhiên một số mảnh lại để lại những dấu ấn rõ nét. Hoa văn trang trí về cơ bản có thể nhận thấy sự áp đảo của loại hoa văn in mép vỏ sò với nhiều mô típ trang trí khác nhau như đan ô trám, ô trám lồng, hình tam giác hay băng in chấm với các ô đệm tam giác, uốn lượn sóng nước, các đường vạch thẳng song song... Loại hoa văn được tạo bằng cách ấn móng tay cũng xuất hiện khá phổ biến và thường được kết hợp với loại hoa văn in mép vỏ sò hoặc tạo thành loại văn khắc vạch hình xương cá. Hoa văn khắc vạch cũng xuất hiện với tỉ lệ rất thấp. Loại văn tô ánh chì cũng thấy ở một số mảnh gốm.

 

Từ những vết tích để lại trên đồ gốm cho thấy kỹ thuật tạo hình chủ yếu là làm bằng tay, nặn từ nguyên khối đất sét, kết hợp với các phương pháp khác như dán gắn, miết láng để tạo nên đồ gốm hoàn chỉnh.

Trong hố khai quật còn xuất lộ khá nhiều viên đá dạng cát kết, rất giống với loại đá mà người dân làng Lò Gõ, thôn Cẩm Sơn, xã Hòa Quang, thành phố Tuy Hòa đến nay vẫn khai thác từ trên núi về, giã nhỏ làm chất trộn trong xương gốm. Việc so sánh với những hạt sạn sỏi trong xương gốm cho thấy chúng có chất liệu tương đồng. Những viên đá này nói lên phần nào quy trình làm gốm của cư dân Khe Ông Dậu xưa.

Các nhà khoa học đã đi đến kết luận sơ bộ:

 

- Kết quả thu được qua đợt khai quật địa tầng hố khai quật có diễn biến khá ổn định, tầng văn hóa dày có diễn biến ổn định, sưu tập hiện vật - đặc iệt là nhóm đồ gốm phong phú, đa dạng, có số lượng lớn. Thể hiện địa điểm Khe Ông Dậu mang tính chất của một di chỉ cư trú điển hình, có niên đại dự đoán khoảng 3000 - 2500 năm.

 

Ghi nhận rằng khu vực này có đặc điểm địa hình khá thuận lợi cho việc cư trú. Địa thế nằm ở khu vực doi cát cao, ven sông suối, có nguồn cung cấp nước ngọt quanh năm, hai bên là hai dải núi án ngữ, trước mặt là cửa biển. Môi trường sống rất thuận lợi cho việc triển khai các phương thức kinh tế khai thác tự nhiên như hái lượm theo phổ rộng, đặc biệt là việc khai thác các nguồn lợi thủy hải sản ven bờ hay ở vùng nước lợ như tôm, cua, cá... Những thuận lợi đó đã khiến người xưa chọn khu vực Khe Ông Dậu làm nơi cư trú lâu dài.

 

- Dù không sử dụng các loại đồ trang sức, nhưng những mô típ trang trí hoa văn trên đồ gốm lại được thể hiện rất đa dạng, cầu kỳ. Nó phản ánh đời sống tinh thần phong phú, những mong muốn thầm kín của cư dân Khe Ông Dậu xưa. Đặc biệt loại hoa văn in mép vỏ sò với các mô típ khác nhau thể hiện một phong cách, một lối sống hướng biển khá mạnh mẽ.

 

(Còn nữa)

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek