Thứ Bảy, 21/09/2024 13:51 CH
Di sản văn hóa dưới đỉnh Đá Bia (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 21/11/2011 08:10 SA

Đèo có chiều dài ước khoảng 8 cây số, có đến 98 vòng cua, trong đó có 10 vòng cua nguy hiểm, vòng cua gấp khúc nhất là ở Đá Đen. Phía bên núi là tảng đá dựng đứng như bức tường khổng lồ, phía biển đường chạy sát bờ, đứng trên trông xuống thấy nước sâu thăm thẳm. Từ dốc Đá Trải xuống dốc cao đường vòng qua một cua ngặt. Chính nơi này đã xảy ra nhiều tai nạn xe cộ. Hành khách qua lại có lập miếu để thờ.

Trên đỉnh đèo Cả phóng tầm mắt nhìn ra biển, thấy mặt nước mênh mông mãi đến tận chân trời, sóng gợn lao xao, một vài hòn đảo xa gần nhấp nhô trong làn sóng bạc, phản chiếu ánh mặt trời lóng lánh.

Nơi đây thời thuộc Pháp có trạm Phú Hòa về sau có xây một bót gác: bót Petie, chia ranh giới hai tỉnh mà nay không còn dấu vết. Thập niên cuối của thế kỷ XX, ranh giới hai tỉnh được phân định lại, lấy chân đỉnh Đá Đen (Hòn Nưa) làm mốc và Vũng Rô thuộc về Phú Yên.

Đường đèo nhiều vòng cua theo sườn núi nhô ra, lõm vào quanh eo. Nơi nhô ra thường nằm sát biển, chỗ lõm vào có nhiều khe, thác nước chảy quanh năm từ trên cao xuống. Những lúc trời yên, cơn gió thổi nhẹ, rừng cây lá khua xào xạc hòa với tiếng nước chảy rì rào tạo thành nhạc trầm bổng, êm đềm, khiến khách qua đường thư thái tâm hồn quên đi phiền muộn.

Đèo Cả gợi nhớ những tháng ngày Nam tiến hào hùng và là lũy thép chặn giặc trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Lũy thép đèo Cả đã chặn đứng bước tiến của giặc trong những ngày đầu kháng chiến và là con đường hành quân thống nhất đất nước.

Trước cảnh thiên nhiên, non nước hùng vĩ, nhiều thơ ca còn mãi với thời gian và đèo Cả trong dãy núi Đại Lãnh được chạm vào Tuyên Đỉnh trong hệ thống Cửu đỉnh đặt trước sân Thái Miếu ở Hoàng Thành Huế vào năm Bính Thân 1836 thời vua Minh Mạng, 4 năm sau đó lại chuẩn định tế lễ tại núi Đại Lãnh tương đương với tế lễ ở núi Ngự.

Nhà nước đang lập kế hoạch xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả. Con đường kỳ vĩ xuyên dãy Đại Lãnh vẫn và sẽ phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và cả kinh tế du lịch trong tương lai.

Sông Bàn Thạch dài 60 cây số, phát nguyên tại hòn Dù, một nhánh của Trường Sơn cao 1104 mét chảy qua các xã thuộc tổng Hòa Đa và Hòa Đồng rồi chảy ra cửa Đà Nông. Mùa lụt chảy xiết vì nước lũ từ các con suối tràn về. Nước Bàn Thạch chảy lờ đờ, lòng sông cạn nên chỉ ích lợi cho việc nông nghiệp mà thôi.

Khúc sông từ núi Hòn Gió mang tên là sông Đá Đen chảy qua giữa Hòn Trống và Hòn Chảo. Đến vùng Ngọc Lâm đổi tên là sông Bánh Lái, chảy tới vùng Hội Cư tiếp nhận một chi nữa từ đèo Cục Kịch (đèo Cả) giáp giới với Khánh Hòa mang tên là sông Bàu Sắc. Từ Hội Cư mang tên Bàn Thạch, chảy ra biển ở cửa Đà Nông. Diện tích lưu vực 590km2.

Sông bắt nguồn từ phía nam tỉnh, phần thượng nguồn chảy theo hướng đông bắc gần như vuông góc với dãy núi Đèo Cả. Sau đó chuyển hướng tây nam - đông bắc. Đến Đông Mỹ lại chuyển hướng đông bắc - tây nam đổ ra cửa Đà Nông. Trong mùa cạn dòng chảy chuyển hướng sang đông nam – tây bắc đổ ra biển ở cửa Phú Hiệp. Hướng chảy khác hơn các sông khác trong tỉnh. Độ dốc ở thượng nguồn rất lớn 75‰, sau đó chảy ra vùng đồng bằng chỉ còn 2‰. Sông có diện tích lưu vực không lớn nhưng vùng thượng nguồn nhiều mưa nên thường gây ra lũ nghiêm trọng cho vùng phía nam của Tuy Hòa. Tổng lượng dòng chảy 0,8 tỉ mét khối, trữ lượng điện năng khoảng 30.680KW. Trên sông và lưu vực sông có các công trình thủy lợi: trạm bơm Nam Bình, đập Phú Hữu, đập An Sang, hồ Đồng Khôn và các vị trí quy hoạch khác như đập Đá Đen, hồ Mỹ Lâm, hồ Phước Giang…

Tương truyền sông Bàn Thạch là thánh địa của loài cá sấu, dưới đời Minh Mạng, quan sở tại Phú Yên tâu rằng cá sấu ở đây hại người hơn cả cọp, xin thưởng cho ai giết cá sấu như giết cọp. Dân hai bên bờ nộp nhiều bộ da cá sấu để lãnh thưởng. Theo Đại Nam nhất thống chí: có thể sông Bàn Thạch là sông Phan Định mà Nguyễn Trãi có nói đến Địa dư chí từ thế kỷ 15. Lý Thường Kiệt đã phải dừng ngựa trước dòng sông đầy sấu dữ này. Để đoàn quân an toàn qua sông, Lý Thường Kiệt phải tâu vua phong cho ba con cá sấu thủ lĩnh ở đây là Hiếu Thuận Tam Thần.

Núi Hiềm thuộc thôn Phú Khê, xã Hòa Xuân Đông có diện tích gần 4ha. Phía tây núi Hiềm giáp bầu, phía đông nam giáp ruộng, phía bắc giáp hòn Đá Voi. Với địa thế cao, dễ quan sát nên ngày 27/1-1947, Pháp đã chọn núi Hiềm để lập đồn bót. Nhân dân xã Hòa Xuân thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, tản cư triệt để. Bộ đội và dân quân đào chiến hào, tạo vành đai trắng cô lập kẻ thù. Các trung đội dân quân tập trung ở các huyện luân phiên nhau đến núi Hiềm bao vây và đánh địch. Bộ đội và dân quân trực chiến 100% nhưng không đánh được địch. Tháng 2 năm 1947, đồng chí Nguyễn Côn, Xứ ủy viên đi kiểm tra tình hình tại Hòa Xuân, đồng chí đề nghị chuyển hướng chiến lược trong việc đánh Pháp tại núi Hiềm, đồng chí góp ý kiến: Không nên bao vây địch bằng việc lập phòng tuyến mà cần chuyển sang phát triển du kích bao vây và tấn công địch. Sau khi được đồng chí Nguyễn Côn chỉ đạo, tỉnh Phú Yên đưa cán bộ về lại địa phương cùng lực lượng dân quân du kích, hoạt động quấy rối, phục kích đánh nhỏ, diệt trừ tề gian. Để đối phó với ta, tháng 6/1947, bọn Pháp ở núi Hiềm đã chủ trương phát cạc cho dân.

(Còn nữa)

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek