Thứ Bảy, 21/09/2024 15:34 CH
Di sản văn hóa dưới đỉnh Đá Bia (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 19/11/2011 08:00 SA

Là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, núi Đá Bia có một vị thế đặc biệt trong hệ thống di sản ở Phú Yên. Di sản này hội tụ về nhiều mặt, vừa có giá trị về lịch sử, vừa có “trữ lượng” di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc và có giá trị về cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Địa danh này chứa đựng những tiềm năng lớn để đầu tư khai thác phát triển kinh tế, nhất là phát triển các loại hình du lịch.

 

dabia111119.jpg
Núi Đá Bia. - Ảnh: N.THẮNG

Nằm trong khu vực tổng thể gắn kết với nhiều địa điểm phụ cận rất có lợi thế về điều kiện tự nhiên như: Vũng Rô, Mũi Điện, Đập Hàn, Vịnh Vân Phong..., nơi đây có thể tạo ra nhiều dịch vụ du lịch như: câu cá, tắm biển, bơi, lặn, leo núi, ngắm cảnh, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, địa chất... thông qua hoạt động du lịch, có thể giới thiệu, phổ biến rộng rãi giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về đất nước và con người Phú Yên của nhiều đối tượng khách tham quan. Đồng thời, qua đó có thể tạo ra nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Trong nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2006 - 2015) của tỉnh Phú Yên đã xác định: “Tăng cường đầu tư và quảng bá phát triển du lịch. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, các điểm giàu tính lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch thành một trong những ngành kinh tế chủ lực...”.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng đưa ra chủ trương: “Hình thành các trung tâm du lịch Sông Cầu, Tuy An, thành phố Tuy Hòa, Vũng Rô - Đá Bia. Liên kết với các trung tâm du lịch nước ngoài, với thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hình thành và khai thác có hiệu quả các tua du lịch”.

 

Trải bao năm tháng, núi Đá Bia hằn sâu trong tâm thức các thế hệ người Phú Yên. “Chóp Chài đội mũ, mây phủ Đá Bia”, “Chiều chiều mây phủ Đá Bia”, tâm hồn người xưa qua câu ca dao ăn sâu vào máu thịt của nhiều thế hệ tạo nên hồn đất, tình người của một vùng quê.

 

Đá Bia sừng sững giữa mây trời là chứng nhân của biết bao sự kiện bi hùng của Phú Yên một thời mở nước, dựng nước và giữ nước.

 

Thế hệ trẻ hôm nay đã tạo một lối đi từ lưng chừng đèo Cả lên đỉnh núi.

 

Đá Bia qua bao tang thương hưng phế vẫn xanh màu cổ tích, là di sản văn hóa lịch sử cấp quốc gia, là biểu tượng của tỉnh Phú Yên, là điểm nhấn độc đáo trong bản đồ du lịch Phú Yên trên con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung Việt Nam.

 

Lên Đá Bia hướng về đông ngắm đại dương xanh tít tắp giữa muôn trùng sóng vỗ; hướng về tây như tiếp nối biển xanh với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ; hướng về bắc đối mặt với Chóp Chài và giữa hai ngọn núi thiêng ẩn hiện dòng sông thiên như dải lụa mềm vắt qua đồng bằng châu thổ sông Ba xanh tít tắp; nhìn về nam, vịnh Vân Phong ngời sáng như tranh, nối Đại Lãnh, Vũng Rô tạo nên một bức tranh hoành tráng và thơ mộng về một vùng biển giàu có của cực đông Tổ quốc.

 

Dưới chân Đá Bia sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc, trườn mình ra biển, qua cửa Đà Nông. Một cây cầu hiện đại đã nối đôi bờ kết hợp với sự chỉnh trị dòng sông, chấm dứt cảnh bên lở bên bồi.

 

Đá Bia cao ngất trong tâm tưởng nhưng cũng chỉ 706 mét. Một cuộc hành hương về ngọn núi thiêng để ngắm quê hương cẩm tú, để thấm hơn câu ca dao xưa:

 

Sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc

Núi Đá Bia cao ngất tầng mây

Sông kia, núi non còn đây

Mà người non nước ngày nay phương nào?

 

Mũi Điện là cảnh quan kỳ thú phía nam tỉnh Phú Yên, nơi có doi đất liền của Tổ quốc vươn xa nhất ra biển Đông. Mũi Điện nằm trên triền núi Bà thuộc dãy Đại Lãnh (nhánh Trường Sơn đâm ngang ra biển tạo thành dãy núi bao quanh Vũng Rô).

 

Là điểm cực đông, từ thời mở đất Mũi Điện mang cái tên dân gian là Mũi Nạy, bởi từ xa ngoài khơi nhìn vào, Mũi Điện như một nhành cây đặt xuống biển.

 

Trên các bản đồ của triều Nguyễn, ông cha ta gọi Mũi Nạy là mũi Đại Lãnh. Và toàn bộ dãy Đại Lãnh hùng vĩ được khắc vào Tuyên đỉnh thời Minh Mạng (Tuyên đỉnh là một trong cửu đỉnh còn được lưu giữ nguyên vẹn trong Đại Nội – cố đô Huế).

 

Cuối thế kỷ XIX, đại úy hải quân Pháp Varella phát hiện và ghi dấu tầm quan trọng của mũi Đại Lãnh trên bản đồ hàng hải và người Pháp gọi là mũi Cap Varella.

 

Năm 1890, người Pháp xây dựng hải đăng trên đỉnh Mũi Nạy ở độ cao 86 mét so với mặt biển, tọa lạc tại tọa độ 12053’4” vĩ bắc, 109027’12” kinh đông. Ngọn hải đăng (đèn biển) này có tầm nhìn địa lý khá xa, là vật chuẩn giúp các tàu bè ngoài khơi định hướng bến bờ chính xác, giúp tàu bè lưu thông thuận lợi trên biển và vào cảng Vũng Rô.

 

Từ khi hải đăng được xây dựng và đi vào hoạt động, Mũi Nạy có tên là Mũi Điện.

 

Năm 1945, hải đăng Mũi Điện tạm ngưng hoạt động. Năm 1961, chính quyền Sài Gòn khôi phục hải đăng nhưng hoạt động chưa lâu thì phải tạm dừng bởi Mũi Điện nằm trong khu vực căn cứ miền đông của cách mạng, là hành lang đón các con tàu Không số. Để ngăn chặn tuyến đường tiếp tế trên biển của cách mạng vào Vũng Rô, Mỹ ngụy ném bom dày đặc vào núi rừng khu vực Vũng Rô, phá hủy cả trạm hải đăng.

 

(Còn nữa)

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek