Thứ Bảy, 21/09/2024 13:50 CH
Di sản văn hóa dưới đỉnh Đá Bia (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 25/11/2011 08:24 SA

Trước khi mở hố khai quật, đoàn khai quật đã đi khảo sát lại toàn bộ khu vực di chỉ. Kết quả cho thấy di chỉ bị phá hủy khá nghiêm trọng bởi việc san ủi mặt bằng sinh hoạt của các hộ dân hiện đại, đặc biệt ở khu vực đỉnh gò, lớp đất san ủi được cào đắp thành đống ở phía bắc gò ngay trước mặt di chỉ. Quan sát trên bề mặt và các vách taluy có khá nhiều mảnh gốm tiền sử nằm rải rác, có thể thu nhặt dễ dàng.

Hiện diện phân bố của di chỉ còn lại khoảng 2000m2, nằm ở khu vực phía đông và phía tây Gò Cát. Trong đó chỉ còn lại trên 1000m2 còn có khả năng tiếp tục triển khai khai quật nghiên cứu.

Hố khai quật được mở ở giữa khu đất bãi của hộ gia đình ông Lê Văn Tốt, chệch về phía đông so với đỉnh gò khoảng 20m. Tại đây, trên mặt đất, gốm mảnh xuất lộ với mật độ tập trung cao, và những thông tin từ công tác khảo sát cho biết mức độ san bạt lớp đất mặt không nhiều. Do vậy, việc mở hố khai quật tại khu vực này sẽ giúp chúng ta hiểu biết diễn biến địa tầng và hiện vật ở khu vực trung tâm di chỉ. Ngoài ra tư liệu địa tầng cũng sẽ giúp chúng ta đánh giá được mức độ bị xâm hại của di chỉ do việc người dân san ủi mặt bằng gây ra.

Trong hố khai quật được chia lưới tọa độ, với các ô vuông, mỗi ô có diện tích 1m2. Mỗi lớp khai quật sâu 10cm.

Ngoài ra tại khu vực rìa ngoài, phía đông bắc di chỉ, chúng tôi cũng mở 2 hố thám sát để tìm hiểu diễn biến địa tầng cũng như hiện vật phân bố tại đây.

Hố khai quật nằm phía đông nam nhà anh Mai Thành Em, cách rìa móng nhà 3m. Mặt bằng khai quật khá bằng phẳng, nhưng mặt bằng sinh thổ có độ dốc nghiêng từ tây sang đông.

Địa tầng hố khai quật ở vách đông sâu 90cm, diễn biến như sau:

- Lớp mặt dày từ 5cm đến 10cm, là lớp cát mỏng phủ bề mặt hố đào do tác động của tự nhiên (mưa, gió...) trong thời gian gần đây. Trên mặt có một số cây cỏ mọc lưa thưa. Đất cát mịn, màu xám trắng, trong đất có một số mảnh gốm vụn được đưa lên từ lớp dưới.

- Lớp văn hóa dày trung bình 80cm, là lớp cát mịn, tơi bở, màu đen và có màu xám đen khi bị mất nước. Trong đó ở giữa lớp văn hóa là lớp đất cát màu đen ken dày đặc hiện vật gốm mảnh tạo thành lớp dải gốm. Phía dưới lớp cát có màu đen nhạt dần và chuyển màu vàng khi tiến sát bề mặt sinh thổ. Nhìn chung tầng văn hóa khá thuần nhất từ trên xuống dưới.

- Sinh thổ là lớp cát mịn, tơi bở, thuần nhất, có màu vàng thẫm và chuyển màu vàng rực khi bị mất nước.

Địa tầng các vách bắc và nam có diễn biến tương tự vách đông nhưng có độ dốc nghiêng theo mặt bằng sinh thổ. Diễn biến lớp văn hóa như sau:

- Lớp mặt dày trung bình 5cm.

- Lớp văn hóa ở đầu phía đông sâu từ 60-80cm nhưng ở đầu phía tây chỉ sâu khoảng 20-30cm. Độ chênh lệch mặt bằng đo ở hai đầu vách nam là 70cm. Đầu phía tây vách nam lớp đất cát đen chứa lớp dải gốm nằm lộ thiên.

Từ tư liệu địa tầng có thể nhận định nơi mở hố khai quật đã bị san bạt một phần bề mặt. Do đây là sườn phía đông của di chỉ, nơi có độ dốc nghiêng khá cao nên tầng văn hóa thể hiện trên vách đông còn khá nguyên, chỉ bị san bạt một lớp mỏng. Khu vực phía tây hố đào là phần đỉnh gò đã bị san bạt ít nhất 50cm lớp đất bên trên.

Từ diễn biến địa tầng ở các hố thám sát, các nhà khoa học cho rằng tầng văn hóa nằm tập trung ở giữa gò và càng tiến ra các phía ngoài thì tầng văn hóa có hiện tượng bị bồi tụ (như mưa gió làm chảy cát từ trên đỉnh xuống gò) và mật độ gốm nằm thưa thớt hơn so với khu vực trung tâm.

Trong hố khai quật xuất lộ một lớp dải gốm nằm ken kín hầu khắp toàn bộ mặt bằng hố khai quật (diện tích 48m2). Lớp dải gốm này có độ dày trung bình khoảng 10cm-20cm phân bố theo độ nghiêng dốc của sườn gò. Đặc điểm nổi bật của cụm gốm là những mảnh vỡ của các loại đồ dùng sinh hoạt sử dụng hàng ngày như: nồi, vò, bát, âu... Các mảnh vỡ của từng cá thể lại nằm tập trung trong một khu vực nhỏ nhất định, có thể quan sát được dễ dàng và nhận diện các loại hình hiện vật khác nhau, một số tiêu bản đồ gốm đã được chúng tôi phục dựng lại hình dạng ban đầu. Một đặc điểm khác là lớp dải gốm khá dày đặc số lượng mảnh tập trung với mật độ cao nằm ở khu vực phía tây hố đào (tiến về phía đỉnh gò) và càng tiến về phía đông (tiến ra phía chân gò) thì số lượng mảnh có mật độ tập trung thấp dần và lớp dải cũng bắt đầu thu hẹp lại. Ngoài ra, trong lớp dải gốm này cũng thu được một số lượng nhỏ răng động vật, loại động vật ăn cỏ kích cỡ lớn như trâu bò. Than củi, loại than hoa, cũng xuất hiện rải rác trong khu vực này.

Từ mật độ tập trung của các mảnh gốm và sự tập trung của những mảnh gốm của từng cá thể trong một khu vực, có thể nhận thấy lớp gốm được tạo nên bởi nhiều lần đổ gốm vụn. Các nhà khoa học nhận định đây là vết tích sinh hoạt của cư dân Khe Ông Dậu xưa, dạng bãi rác thải các đồ gốm phế phẩm.

Nhóm hiện vật thu được từ đợt khai quật này gồm 2 hiện vật đồ sát (1 hiện vật đồng và 1 công cụ sát) đều ở lớp 3, trong khu vực có địa tầng ổn định. Tuy chỉ ở dạng mảnh nhỏ nhưng nó là bằng chứng quan trọng chứng minh cư dân Khe Ông Dậu đã bước sang giai đoạn kim khí. Đồng thời, thu được 14 hiện vật đồ đá, chủ yếu thuộc loại hình hòn mài, hòn ghè... được sử dụng trực tiếp từ những viên cuội sông suối (công cụ cuội nguyên).

(Còn nữa)

PHAN THANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek