Thứ Bảy, 21/09/2024 15:36 CH
Di sản văn hóa dưới đỉnh Đá Bia (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 20/11/2011 08:02 SA

30 năm sau, nhà nước ta xây dựng lại hải đăng Mũi Điện và chính thức đưa vào hoạt động ngày 3/7/1995, là một trong 45 đèn biển cấp một quốc gia. Hải đăng Mũi Điện hiện nay khang trang bề thế đối mặt với biển Đông, do đơn vị Bảo đảm an toàn hàng hải Khu vực 3 quản lý.

Từ chân tháp đến ngọn đèn biển cao 26m với 107 bậc cầu thang xoắn ốc. Hải đăng sử dụng thiết bị thu năng lượng mặt trời của Australia và đèn điện tử của Mỹ. Hải đăng có tầm nhìn địa lý 26,5 hải lý, tầm hiệu lực ánh sáng 24 hải lý, có đèn chính và đèn phụ với thiết bị hiện đại, bảo đảm chiếu sáng theo quy định (ánh sáng trắng chớp nhịp 3, chu kỳ 15 giây), tạo bờ nối giữa người đi biển và đất liền.

Mũi Điện cùng với ngọn hải đăng tạo thành cảnh quan kỳ thú, là một tuyệt tác của thiên nhiên cộng với bàn tay con người tô điểm. Cùng với việc xây dựng cảng Vũng Rô, xây dựng tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà gắn với Khu công nghiệp Hòa Hiệp và TP Tuy Hòa, Mũi điện là một trong những điểm hẹn hấp dẫn của du lịch Phú Yên. Du khách có thể đến Mũi Điện bằng đường bộ từ Bãi Chính hoặc theo đường biển qua cửa Vũng Rô. Bãi Môn (chân Mũi Điện) nằm lọt giữa hai dãy núi tạo thành một vịnh nhỏ nước trong như ngọc.

Mũi Điện - nơi đón ánh mặt trời đầu tiên từ đất liền của Tổ quốc - là viên ngọc quý của Phú Yên. Viên ngọc ấy sẽ càng tỏa sáng hơn qua chiều sâu cội nguồn, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng quê hương trong giai đoạn mới.

Đứng ở quốc lộ 1A, trên đỉnh đèo Cả nhìn xuống Vũng Rô là một cái vịnh ở phía cực Nam Phú Yên thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Mặt nước trong xanh ba bề có núi bao bọc. Phía đông là núi Hòn Nưa chắn gió biển khơi. Phía đông bắc, phía tây và tây nam là dãy đèo Cả ôm vòng lấy vũng, quanh năm khí hậu trong lành.

Trước đây Vũng Rô có nhiều bến bãi nguyên khai mà tàu trọng tải 10 đến 15 ngàn tấn vào ra thuận tiện. Năm 1946, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, giặc đã nhiều lần bắn phá Vũng Rô và đèo Cả nhưng quân dân ta đã chống cự quyết liệt. Mãi đến ngày 16/10/1947, một trung đoàn Pháp đổ bộ Vũng Rô và Bãi Xếp, kết hợp với cánh quân trên quốc lộ 1A chiếm đóng núi Hiềm, Hòa Xuân. Vũng Rô vẫn còn dấu vết một cầu cảng bốc dỡ hàng quân sự trong chiến tranh và rừng thông lá kim xanh thẳm nơi những con “tàu Không số” của đường mòn trên biển cuối năm 1964, đầu năm 1965 cập bến.

Vũng Rô có Bãi Chùa, Bãi Lách là xóm ngư dân ngoài tỉnh mà phần lớn là người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần gốc huyện Đông Hòa.

Bãi Chùa nằm ở phía bắc cảng cá Vũng Rô. Đây là cảng mà Trung ương đã có kế hoạch đầu tư xây dựng từ năm 1996. Bãi Lách hay còn gọi là xóm Vũng Rô là vùng dân mới hình thành sau ngày đất nước hòa bình. Vậy mà có khoảng 150 tàu thuyền lớn nhỏ. Tương lai Vũng Rô là cảng lớn thuận tiện về các mặt vận chuyển, thương mại, du lịch… nếu kinh tế trong vùng và các tỉnh bạn phát triển.

Hiện nay, cư dân sống chen chúc sát mé bãi, chuyên nghề đánh bắt cá. Một số nghề nhỏ như câu, trủ, lưới đánh bắt quanh quẩn trong vũng. Số hành nghề quy mô như lưới quây, lưới cản, đánh bắt ngoài biển khơi, thu hoạch hằng năm đủ cho cuộc sống thư thả. Số hộ gia đình ở đây mỗi năm mỗi tăng. Làng Vũng Rô ngày nay đã có mật độ dân số cao dần.

Vũng Rô ba bề núi cao bao bọc, những ngọn gió sóng lớn được núi ngăn lại. Khi giông tố, thuyền đậu trên bến rất yên ổn, không những ngư dân trong vùng, mà thuyền bè các nơi đều nhằm hướng Vũng Rô xuôi về ẩn núp. Vũng Rô là nơi thuận lợi cho ngư dân sinh sống và làm nghề. Hiện nay cảng Vũng Rô đã đi vào hoạt động, tiếp nhận những con tàu có trọng tải hàng vạn tấn cùng hệ thống phao dẫn luồng. Đường dẫn dài 85m, cầu dẫn dài 36m, rộng 8m. Cầu chính dài 80m, rộng 19m. Ngoài ra cầu cảng Vũng Rô có bến liền bờ dài 200m dành cho tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên.

Vũng Rô đang được xây dựng và mở rộng thành cảng biển hiện đại, là cửa ngõ ra biển của tỉnh Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên.

Địa danh đèo Cả: Dãy Trường Sơn đến tỉnh Đắk Lắk khởi núi Ba Non cao hơn 200m là tổ sơn của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Núi Ba Non khởi núi Bồng Con cao 2051m liên tiếp đến Hòn Nhọn, Hòn Ông (1104m), Hòn Chảo, Hòn Chúa (1010m) xuống đến núi Đá Bia cao 706m gọi chung là dãy Đại Lãnh. Trên dãy núi này có đèo Cả được tác giả Roland Dorgelé mô tả trong “Sur la route mandarine”.

“…Những hòn đá cao quá bắt ngộp, nghiêng mình mà trầm tư mặc tưởng, những cái thác nhỏ trắng phau, chảy từ cao xuống hố thẳm, những cây suông đuộc lên trời, bốn bên dây leo lá phủ, thật là một cảnh cỏ cây chen đá lá chen hoa.

Chúng tôi trèo, trèo mãi rồi thình lình đứng trước khoảng không gian vô hạn. Rồi từ đó xe xuống dốc, cứ quanh co bên triền núi, bên này non cao đồ sộ, bên nọ biển rộng mênh mông.

Chiều lại, văng vẳng bên rừng một tiếng hươu kêu, vài tiếng vượn hú…”.

Đèo Cả còn gọi là đèo Cục Kịch, ngăn cách hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Phía bắc giáp làng Hảo Sơn xã Hòa Xuân Nam huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Phía nam giáp thôn Đại Lãnh huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa. Phía đông giáp biển Nam Hải, phía tây giáp dãy Trường Sơn.

(Còn nữa)

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek