Thứ Bảy, 21/09/2024 13:52 CH
Di sản văn hóa dưới đỉnh Đá Bia (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 23/11/2011 08:18 SA

Cuối cùng người Pháp lựa chọn giải pháp phát triển hệ thống vận chuyển đường thủy với hai cảng chính yếu là Cù Mông và Vũng Lắm. Thêm vào đó, người Pháp thể hiện ý đồ chính trị trong việc triển khai đường sắt Tuy Hòa - Đăk Lăk đã được thể hiện trong chính sách biến Phú Yên trở thành địa bàn “Tây tiến”, với những nhiệm vụ hậu thuẫn, bảo vệ những nhà thầu người Âu đầu tư lập đồn điền và khai thác khoáng sản; quản lý việc trao đổi buôn bán giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số; bình định, thu phục các cuộc nổi dậy của người dân tộc thiểu số. Mặc dù những kế hoạch xây dựng đường sắt không được triển khai, nhưng điều này thể hiện người Pháp đã có những nghiên cứu đến việc thiết lập loại hình giao thông hiện đại nhất thời bây giờ ở Phú Yên từ đầu thế kỷ XX và những dự án nghiên cứu trên là tiền đề định hướng cho việc xây dựng đường sắt vào đầu những năm 30 thế kỷ XX.

 

Sau chiến tranh thế giới lần thứ I (1918), tư bản Pháp tiếp tục xây dựng một số tuyến đường sắt mới ở Việt Nam và Đông Dương, nhằm hoàn thành hệ thống đường xuyên Đông Dương để phục vụ cho chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai (1918-1939).

 

Chính quyền thực dân Pháp phác họa đoạn đường sắt xuyên Việt chạy qua địa phận tỉnh Phú Yên chủ yếu dựa trên kết quả nghiên cứu khảo sát của đại úy Dunal tiến hành từ năm 1900-1904 với chiều dài hơn 100km vượt qua hai dãy núi Cù Mông, Đèo Cả và nhiều sông, suối (sông Cái, Đà Rằng, Bàn Thạch...). Đến cuối năm 1928, dự án xây dựng đường sắt đi qua địa phận Phú Yên được phê duyệt. Đoạn đường sắt ở phía nam tỉnh đi qua hai cửa sông lớn Đà Rằng và Đà Nông, đặc biệt phải đi qua dãy núi Đèo Cả, người Pháp đã xây dựng 3 cây cầu bắc qua sông Chùa, Đà Rằng và Bàn Thạch, được thiết kế dùng chung cho đường bộ và đường sắt, đoạn đường sắt chui qua bảy đường hầm tại vùng núi Đại Lãnh và một đường hầm dài trên 1km vượt qua dãy núi Đèo Cả. Đến ngày 2/9/1936, tuyến đường sắt Bắc - Nam làm lễ nối ray tại km1222 phía nam ga Hảo Sơn. Hoạt động vận chuyển đường sắt qua địa phận Phú Yên chính thức từ ngày 29/9/1936 với lịch tàu Hà Nội - Tuy Hòa và ngày 1/10/1936 chuyến tàu đầu tiên từ Hà Nội đến ga Tuy Hòa vào lúc 11 giờ 30 phút. Như vậy đoạn đường sắt xuyên Việt qua địa phận tỉnh Phú Yên đi qua 18 ga, trong đó có ga Hảo Sơn còn lưu tấm bia đá ghi dấu sự kiện hợp long đường sắt ngày 2/9/1936.

 

Đền thờ Thiên Y A Na: Đền Thiên Y A Na như Đại Nam nhất thống chí (tập X Phú Yên) gọi là Đền Thần Thiên Y và theo Laborde trong tác phẩm la Prov­ince de Phú Yên thì gọi Miếu Bà, còn dân quanh vùng tôn thờ là Dinh Bà. Đền thờ tọa lạc phía bắc chân núi Đại Lãnh (dãy núi lớn chung quanh Đèo Cả) thuộc bờ nam Biển Hồ thuộc thôn Hảo Sơn, trong vùng mà Nhất Thống chí tả: “Phong cảnh hoang dã nhưng rất thơ mộng, ở giữa những cây cổ thụ, trước kia có con đường cái quan đi qua. Quyền lực của nữ thần được tôn kính nổi tiếng đến nỗi chính các quan lại hàng tỉnh, trước khi đi thực hiện nhiệm vụ thường đến miếu chào Bà. Rất nhiều khách du lịch khi đi qua đều không quên vào miếu dâng lễ”.

 

Dinh Bà ở bờ nam Biển Hồ thôn Hảo Sơn xã Hòa Xuân Nam rất linh ứng. Đền thần Thiên Y hay Dinh Bà ở Hảo Sơn theo truyền thuyết dân gian lại là: Chúa Nguyễn Phúc Ánh khi chạy vào Nam có nghỉ ở chùa Phước Long và Dinh Bà. Chúa đi đến đâu thì có mây che trời mát và có hình rồng ẩn hiện. Khi qua đầm hoặc eo biển có 2 rái cá nổi lên giúp chúa vượt qua dễ dàng. Khi Chúa Nguyễn bị vây ở Thất Sơn, Lê Văn Duyệt cử viện binh vào cứu có nghỉ lại ở Dinh Bà và mượn “ngựa tốt” của Bà. Lát sau, có ông ba mươi (cọp) vàng tàu cau xuất hiện. Tướng Lê Văn Duyệt đã buộc hòn lạt lớn vào cổ cọp, nên về sau đi đâu cũng bị phát hiện. Cọp đói rồi chết. Bà Chúa Xứ ở Dinh Bà sau này được sắc phong của triều Nguyễn là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Tri Thượng đẳng thần và gia phong Hồng Nhơn phổ tế linh ứng Thượng đẳng thần. Hai con rái cá được phong Đông Nam soái hải lang lại nhị đại tướng quân. Sắc phong không còn nhưng trong mục lục cúng tế có nhắc đến. Đền thờ Thiên Y A Na được xây dựng năm 1802 khi vua Gia Long lên ngôi và hoang phế năm 1945. Đền được trùng tu sửa chữa năm 1995 do bà Lương Thị Phụng, cháu họ Lương quê ở Hòa Mỹ hiện nay cư ngụ ở Hảo Sơn hương khói. Lễ dâng cúng Bà có rượu, trầm hương và hoa điệp vào ngày 23 tháng 3 âm lịch. Trước năm 1945, lễ hội Bà có ngồi đồng và múa bóng như lễ hội Tháp Bà ở Nha Trang.

 

Đền thờ Thiên Y A Na có ở nhiều nơi: ở Huế có điện Hòn Chén (Ngọc Trản) tả ngạn trên nguồn sông Hương. Còn ở Ya Tran (Nha Trang) có Tháp Bà xóm Bóng, tại Hòn Bà xã Ninh Hưng phía tây nam thị trấn Ninh Hòa có miếu thờ Thiên Y... Tại Phú Yên dưới triều Nguyễn nhiều miếu đình thờ Bà và có sắc phong từ đời Tự Đức thứ năm (1852) về sau có 20 sắc. Tại Tuy An, Đồng Xuân huyện ngày xưa có 7 sắc ở Phú Thạnh 3 vào các năm 1852, 1887, 1909 và Hòa Đa 4 sắc vào các năm 1852, 1880, 1887, 1909. Tại Tuy Hòa huyện có 13 sắc, ở Bảo Tháp xã có 3 sắc vào các năm 1890, 1909, 1924. Phường 5 có 1 cho Năng Tịnh xã năm 1924. Bình An có 2 vào các năm 1852, 1924. Quy Hậu có 4 vào các năm 1852, 1860, 1886, 1909. Phú Nông có 3 vào các năm 1852, 1880, 1886...

 

(Còn nữa)

PHAN THANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek