Thứ Bảy, 21/09/2024 16:28 CH
Di sản văn hóa dưới đỉnh Đá Bia
Thứ Sáu, 18/11/2011 10:06 SA

Trong lời căn dặn của Chúa Nguyễn Hoàng trước lúc lâm chung (năm 1613) với người con kế nghiệp là Nguyễn Phúc Nguyên khẳng định tầm quan trọng và tiềm lực của vùng đất Đàng Trong, có đề cập địa danh núi Đá Bia: đất Thuận Quảng phía bắc có Hoành Sơn và Linh Giang hiểm trở, phía nam có Hải Vân Sơn và Thạch Bi Sơn vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng...”1.

dl2111118.jpg
Khu neo đậu tàu thuyền mũi Đại Lãnh - Ảnh: N. MIMH

Sau hơn 40 năm giữ vai trò là vùng đất biên viễn của Tổ quốc, đến năm 1653, khi hai phủ Thái Khang và Diên Ninh (sau là tỉnh Khánh Hòa) được thành lập, thì dãy Đại Lãnh - Đá Bia trở thành ranh giới giữa Phú Yên và vùng đất Khánh Hòa cho đến nay. Thời Nguyễn, đường thiên lý đoạn qua núi Đại Lãnh nằm về phía tây Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Cả hiện nay. Trên đoạn đường hiểm trở này, chính quyền phong kiến có đặt một trạm dịch và tuyển chọn trạm phu làm việc, chuyên phục dịch cho việc giao thông, chuyển công văn, chiếu chỉ... từ triều đình trung ương về địa phương và ngược lại, trạm này có tên là trạm Phú Hòa 2.

Đoạn đường thiên lý qua núi Đại Lãnh nay vẫn còn vết tích, nhân dân địa phương gọi là đường Gia Long, nếu đi bộ theo đường này khoảng 4 giờ đồng hồ sang phía bên kia núi sẽ gặp Quốc lộ 1A tại vị trí bãi biển Đại Lãnh (Khánh Hòa). Tại chân núi phía bắc, nằm trên đường thiên lý (thuộc địa phận thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa), có di tích đền thờ Thiên Y A Na (người địa phương gọi là Dinh Bà). Đền đã bị sụp đổ, chỉ còn lại phần nền móng, trên nền cũ nhân dân lập một miếu nhỏ và vẫn đang thờ cúng. Tại đây có nhiều gạch Chăm, có thể di tích này đã có từ rất lâu cùng với sự hình thành đường thiên lý. Người già địa phương kể lại rằng, xưa kia, trước khi qua đèo người ta đều vào đền này để cầu sự may mắn, bình an. Năm 1836, vua Minh Mạng cho thể hiện biểu tượng núi Đại Lãnh (bao gồm cả núi Đá Bia) vào Tuyên đỉnh, một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế miễu trong Đại nội kinh thành Huế. Năm 1840, triều Nguyễn quy định lệ tế thần danh sơn đại xuyên (thần núi cao sông lớn) trong nước, cho phép các địa phương lập đàn tế hàng năm và quy định phẩm vật cúng tế, núi Đại Lãnh và sông Đà Diễn ở Phú Yên lễ vật gồm 1 trâu và 1 lợn. Năm 1853, núi Đại Lãnh được liệt kê vào tự điển thờ cúng. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các nhà hàng hải người Pháp gọi khối đá trên đỉnh núi Đá Bia là Ngón tay Chúa (Le Doigt de Dieu), vì đi ngoài biển nhìn vào, nó có hình thế như một ngón tay khổng lồ chỉ lên trời. Đó là mục tiêu để họ làm căn cứ cho tàu hoạt động trên biển. Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer có mô tả núi Ngón tay Chúa trong sách Lindochine Francise như sau: “Đây, mỏm Va-re-la, núi cao và lớn, màu sẫm, kỳ dị với hòn đá dài và to tướng ở trên đỉnh và chỉ thẳng lên trời: Ngón tay Chúa, mà từ chung quanh cách xa 20 dặm người ta có thể trông thấy. Đó là mũi đất xa nhất về hướng đông của bán đảo Đông Dương; nơi đây tàu Trung Hoa và Nhật Bản đến cập bến. Ban ngày mũi đất rất dễ nhận thấy, cái ngón tay là điểm mục tiêu không bao giờ nhầm. Điều may mắn là nó không thường bị mây che khuất.

Núi Đá Bia là nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, địa hình núi đa dạng, môi trường tự nhiên trong lành, hệ sinh thái được bảo tồn phong phú và liên tục tái sinh phát triển với nhiều loài động thực vật đặc trưng của rừng nhiệt đới. Vùng phụ cận núi Đá Bia có những di tích, thắng cảnh nổi tiếng như Vũng Rô, Mũi Đại Lãnh, Núi Hiềm, Biển Hồ, Đập Hàn,... có nhiều bãi biển với vẻ đẹp nguyên sơ, tinh khiết như Bãi Xép, Bãi Bàng, Bãi Tiên, Bãi Môn,... đỉnh núi Đá Bia là không gian lý tưởng để nghỉ mát, ngắm cảnh và thưởng ngoạn. Đứng ở đây có thể hướng tầm nhìn về mọi phía để thu vào tầm mắt bức tranh phong cảnh hùng vĩ, bao gồm đầy đủ các yếu tố núi, sông hồ, vịnh, ruộng đồng, làng mạc bên bờ đại dương mênh mông.

(Còn nữa)

PHAN THANH

 

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Sử học, Hà Nội, 1962, trang 44

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hóa, 1997, trang 77

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek