Thứ Bảy, 21/09/2024 16:49 CH
Lễ cưới theo nghi thức truyền thống của người chăm H’roi ở Phú Yên:
Những giá trị văn hóa cần bảo tồn và phát huy(Tiếp theo và hết)
Thứ Ba, 15/11/2011 08:01 SA

 

7. LỄ ĐẠP NƯỚC (NAO DÓT EA)

Lễ đạp nước là một nghi thức mang đậm nét bản sắc văn hóa của người Chăm H’roi ở Phú Yên. Đối với người Kinh, khi lễ thành hôn, tơ hồng, hợp cẩn xong xuôi, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên, ông bà cha mẹ, đi thăm hỏi họ hàng thân nhân bên nhà gái, sau đó đón bố mẹ và một vài thân nhân sang nhà chú rể. Kể từ buổi đó, mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà rể và nhà thông gia, vì trong lễ cưới, mẹ cô dâu không đi đưa dâu. Đây gọi là lễ lại mặt. Lễ lại mặt của người Việt (Kinh) thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau ngày cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ) tùy theo khoảng cách xa gần và hoàn cảnh cụ thể mà định ngày. Thành phần chủ khách rất hẹp, chỉ gói gọn trong phạm vi hai gia đình bên nhà trai và nhà gái.

Từ nét văn hóa trong tục cưới của người Việt đối chiếu, so sánh với đám cưới theo nghi thức truyền thống của người Chăm H’roi ở Phú Yên, bước đầu nhận thấy có những nét tương đồng mang tính nhân văn sâu sắc.

Sau 05 ngày kể từ ngày cô dâu rước chú rể về nhà mình, hai vợ chồng cô dâu và chú rể cùng cha mẹ vợ sẽ đến bên nhà trai để dự lễ “đi đạp nước”. Lễ này gọi theo tiếng người Chăm H’roi là “Nao dót ea”. Lễ thức “đi đạp nước” mang đậm nét văn hóa theo phong tục của người Chăm H’roi ở Phú Yên. Trình tự Lễ thức “đi đạp nước” diễn ra như sau:

Khi cô dâu, chú rể và cha mẹ vợ của chàng rể về đến nhà trai, hai bên thông gia tay bắt, mặt mừng, nói cười vui vẻ. Sau đó, Mai dong nhà trai đưa cho cô dâu mang một chiếc gùi nhỏ, đeo phía sau lưng. Gùi đan bằng sợi mây, còn mới rồi dẫn cô dâu xuống suối để mò ốc, bắt cua. Nhà trai cho một số người đi theo để xem tài nghệ bắt ốc, mò cua của cô dâu, mặt khác cũng để canh chừng, tránh những rủi ro xảy ra. Thời gian cô dâu bắt cua, mò ốc khoảng trên dưới một tiếng đồng hồ, sau đó tất cả những con vật bắt được đem về nhà chế biến thức ăn để cúng ông bà tổ tiên.

Lễ “đi đạp nước” với mục đích thử tài cô dâu về tính siêng năng, chịu khó làm lụng và vai trò quán xuyến của người đàn bà trong gia đình bằng cách thức mò cua, bắt ốc ở sông, suối. Ở đây cũng muốn biết khả năng nấu nướng của cô dâu, trước khi ra mắt tổ tiên, ông bà, cha mẹ bên chồng, để cha mẹ bên chồng nhận dâu. Lễ thức này tương tự như việc thử tài “nữ công gia chánh” đối với những cô dâu mới ở gia đình người Việt (Kinh).

Thời gian cô dâu, chú rể về nhà chồng và thực hiện lễ “đi đạp nước” chỉ trong 01 ngày, nhân dịp này cha mẹ chồng cho cô dâu một số của cải như: Kiềng bạc, áo quần mới và một số đồ trang sức khác. Việc cha mẹ chồng cho con dâu nhiều hay ít của cải không đòi hỏi, không bắt buộc mà phụ thuộc vào điều kiện, khả năng kinh tế gia đình nhà trai. Và cô dâu, chú rể cũng không đòi hỏi, phàn nàn gì về số tài sản, trang sức của cha mẹ san sẻ cho con cái.

Kết luận:

Lễ cưới theo nghi thức truyền thống của người Chăm H’roi ở Phú Yên là một trong những nghi lễ quan trọng trong các nghi lễ theo vòng đời người. Vì người Chăm H’roi vẫn duy trì chế độ mẫu hệ nên quyền chủ động trong hôn nhân thuộc về nhà gái. Với những đặc thù mang sắc thái văn hóa tộc người nên các bước nghi lễ cưới của người Chăm H’roi ở Phú Yên phải qua đầy đủ trình tự thủ tục chặt chẽ từ nghi thức cúng Yàng, cúng các thần, cúng ông bà tổ tiên, lễ hỏi, lễ rước rể, lễ cúng nhận rể, lễ cưới, lễ tạ ơn, lễ đi đạp nước và phần hội. Trong lễ cưới theo nghi thức truyền thống của người Chăm H’roi ở Phú Yên còn bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán mang giá trị truyền thống tốt đẹp đó là sự tự do, bình đẳng trong hôn nhân nam nữ, không có việc ép duyên hoặc thách cưới, việc chung tay góp sức của cộng đồng với hạnh phúc lứa đôi thể hiện được tình làng nghĩa xóm luôn thắt chặt, keo sơn; trách nhiệm của cha mẹ trong việc truyền dạy những tri thức về quan hệ gia đình, dòng họ và xã hội cho đôi vợ chồng trẻ; đây cũng là dịp để các bộ môn nghệ thuật truyền thống, văn hóa ẩm thực của người Chăm H’roi được bảo tồn và phát huy...

Hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội của người Chăm H’roi ở Phú Yên đã có sự thay đổi; đời sống của nhân dân đã được nâng cao hơn trước nhiều; mặt khác quá trình chuyển đổi của nền kinh tế và sự giao lưu văn hóa giữa người Chăm H’roi với các dân tộc khác cũng diễn ra rất mạnh. Những năm gần đây, nhiều đám cưới của thanh niên nam nữ người Chăm H’roi ở Phú Yên cũng đã ảnh hưởng ít nhiều theo tập quán, văn hóa của người Kinh, từ cách trang trí, trang phục, ẩm thực, những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người Chăm H’roi đang dần mai một. Kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm H’roi ở Phú Yên là việc làm cần thiết, kịp thời góp phần bảo tồn sự đa dạng văn hóa mang bản sắc tộc người trong xã hội đương đại.

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek