Thứ Bảy, 21/09/2024 16:33 CH
Lễ cưới theo nghi thức truyền thống của người Chăm H’roi ở Phú Yên:
Những giá trị văn hóa cần bảo tồn và phát huy (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 14/11/2011 07:40 SA

Cuối lễ cưới, các Mai dong dặn dò đôi vợ chồng trẻ về cách ăn ở chung thủy và răn đe bằng cách nêu ra luật tục, tập quán: Nếu như một trong hai người thay lòng đổi dạ về sau này thì sẽ đền bù lễ vật, đền bù gấp đôi chi phí tổ chức lễ cưới và trả lại cái duyên bị mất.

 

Sau lễ cưới là phần tiệc đãi khách. Thực phẩm phục vụ đãi khách trong lễ cưới theo nghi thức truyền thống của người Chăm H’roi khá phong phú, nhưng chủ yếu là sản vật do mình tự sản xuất ra. Ngoài ra còn lương thực, thực phẩm khác như rau, quả, củ để chế biến các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm H’roi, phục vụ đãi khách đến mừng đám cưới.

 

Cách thức dọn ăn trong lễ cưới theo nghi thức truyền thống của người Chăm H’roi cũng rất đặc biệt. Để dọn ăn cho khách được mời, mấy ngày trước khi diễn ra đám cưới, dân làng trong buôn (plei) đến giúp gia đình nhà gái làm một cái sạp bằng cây, hình thức như kiểu nhà sàn. Mặt sàn dùng để ngồi cách mặt đất khoảng 7 tấc, chiều cao sạp 2m có lợp mái tránh mưa nắng, rộng từ 2,5m-3m, dài 6-8m. Khi thức ăn được nấu nướng xong, dọn lên trên sạp theo chiều dài, mọi người ngồi hai bên cùng ăn, uống rượu nói chuyện với nhau vui vẻ. Những ché rượu cần cũng được cột thẳng hàng, ai muốn uống bao nhiêu thì uống, không uống cũng chẳng hề gì, miễn sao vui là được. Cuộc vui kéo dài đến tận khuya, ai buồn ngủ cứ ngủ, ai vui được thì cứ ngồi chơi.

 

Một số gia đình trong buôn làng vì bận công việc không đến dự đám cưới được, chủ nhà cho người mang thức ăn tới tận nhà hoặc gửi bà con đem phần thức ăn về cho họ. Mọi người đều được bình đẳng, tôn trọng như nhau. Đám cưới theo nghi thức truyền thống của người Chăm H’roi ở Phú Yên thể hiện sâu đậm tính chất đoàn kết cộng đồng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

 

5. PHẦN HỘI

 

Ngoài các nghi lễ như đã đề cập trên, đám cưới theo nghi thức truyền thống của đồng bào Chăm H’roi ở tỉnh Phú Yên còn tổ chức phần hội rất đặc sắc. Phần hội trong đám cưới trở thành ngày vui của nam thanh nữ tú và bà con buôn làng. Ngay từ những ngày trước khi diễn ra đám cưới, dân trong buôn làng đã hồ hởi chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc tổ chức phần hội. Chọn địa điểm rộng rãi để sinh hoạt cộng đồng, chuẩn bị củi đốt, rượu cần và thức nhắm cho người dự hội. Đám thanh niên chuẩn bị cồng chiêng, chuẩn bị trang phục, trang sức thật đẹp để dự lễ cưới. Đây là dịp để nam nữ thanh niên trưng diện quần áo đẹp, khoe tài đánh cồng chiêng và nhảy múa.

 

Phần hội trong đêm cưới theo nghi thức truyền thống của đồng bào Chăm H’roi thật sinh động và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ở giữa sân trung tâm plây, ngọn lửa luôn ngùn ngụt cháy, ánh sáng bập bùng, lan tỏa ra xung quanh, làm sáng lên những khuôn mặt tươi xinh của nam thanh, nữ tú. Mọi người dân trong buôn làng tụ tập đông đảo, cười nói vui vẻ, cùng đến chia vui với cô dâu, chú rể và gia đình hai họ. Lễ hội cồng chiêng được tổ chức vào chiều tối cùng ngày (Chi em ching cheng a khôi). Trong tiếng trống đôi, cồng 3, chinh 5 tạo nên những âm thanh rộn rã, thúc giục nam nữ thanh niên dắt tay nhau vào hội nhảy múa say sưa. Đêm rộn ràng, tiếng cồng - chiêng âm vang cho đến sáng. Phần hội mừng đám cưới còn là dịp để dân làng nghỉ ngơi, vui chơi giải trí; là dịp hiếm hoi để nam nữ thanh niên gặp nhau, và cũng từ đêm hội này mọi người trong buôn làng được gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn; điều rất đặc biệt là có không ít đôi nam nữ thanh niên bén duyên để sau đó đã nên vợ thành chồng.

 

6. LỄ TẠ ƠN (BƯNG NÂY SƠ NO)

 

Lễ tạ ơn là lễ thức không thể thiếu trong nghi thức cưới truyền thống của người Chăm H’roi Phú Yên. Địa điểm tại nhà gái. Thành phần tham dự Lễ tạ ơn gồm: Gia đình phía trai và phía gái (phía gái chủ trì chính lễ này), Già làng, thầy cúng, Mai dong, đại diện chính quyền địa phương (thôn, xã), bà con 2 họ, đội nhạc và đội múa xoang...

 

Nội dung cúng tạ gồm: Cúng tạ ơn Yàng, tạ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh ra và nuôi các con khôn lớn để hôm nay có ngày vui trọng đại này. Lễ cúng tạ còn có ý nghĩa để cảm ơn Già làng, Mai dong, hai họ, bà con buôn làng, chính quyền địa phương đã tham gia giúp đỡ gia đình hai bên tổ chức đám cưới cho cô dâu, chú rể thành công. Sau lễ cúng tạ ơn của Già làng, gia đình tổ chức nấu nướng và chiêu đãi khách cùng bà con trong buôn làng.

 

(Còn nữa)

 

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek