Thứ Bảy, 21/09/2024 18:08 CH
Lễ cưới theo nghi thức truyền thống của người Chăm H’roi ở Phú Yên:
Những giá trị văn hóa cần bảo tồn và phát huy (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 12/11/2011 08:41 SA

- Tú...u giang san, giang chơ nưa, ma tau mo oi (vái thần nhà, thần cửa, tổ tiên, ông bà chứng giám lễ tiễn con trai về ở nhà vợ. Mong sao cho con được mạnh giỏi, hạnh phúc, vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc răng long).

Khi cúng xong. Chú rể rót rượu mời cha, mẹ đẻ. Cha mẹ lần lượt uống và có lời dặn dò con trai khi về sống ở bên nhà vợ, phải lễ phép với mọi người, phải chăm chỉ làm ăn, không được lười biếng bỏ bê công việc, phải hết lòng thương yêu vợ, quý trọng mọi người bên gia đình bên vợ. Những lời căn dặn của cha mẹ là bài học về cách ăn ở, đối nhân xử thế để gìn giữ mái ấm gia đình cho đôi vợ chồng trẻ.

Chú rể tiếp tục rót rượu mời các Già làng, các Mai dong và tất cả những người có mặt trong lễ rước rể. Sau khi mỗi người đã uống cạn một ly rượu trắng, nhà trai bưng lên một ché rượu cần để mời mọi người cùng uống. Các Mai dong nhà gái cùng bưng tô nước chế vào ché rượu cần và mời cha chú rể là người uống đầu tiên, sau đó lần lượt các Già làng, Mai dong và mọi người cùng uống.

Trong lúc uống rượu Già làng và Mai dong hai bên trò chuyện vui vẻ, vừa hát đối đáp rất sôi nổi. Lời hát đối đáp là những bài dân ca của đồng bào Chăm H’roi để chúc mừng cô dâu chú rể, chúc tình thông gia giữa hai bên gia đình được mãi bền lâu. Cầu mong cho hạnh phúc lứa đôi được bền chặt, vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc, răng long, trăm năm hạnh phúc.

Sau khi mọi người đã uống rượu tạ từ chú rể, Mai dong nhà gái đưa cho em vợ chú rể (em trai ruột của cô dâu) một chiếc khăn vải và dẫn người này đến cột tay chú rể. Sau khi đã cột tay anh rể, em vợ dẫn anh rể 3 lần từ cửa vào bếp và ngược lại. Lúc này ở bếp có một nồi cơm đầy, Mai dong nhà trai lấy ngọn đèn sáp ong cuốn trên cần rượu và thắp cháy sáng, rồi cuốn vào quai nồi cơm. Và mỗi lần vào bếp, chú rể lại bốc một bốc cơm bỏ vào miệng ăn. Hành động này theo tập quán của người Chăm H’roi ở Phú Yên có ý nghĩa là bữa cơm cuối cùng của người con trai với gia đình cha mẹ đẻ trước lúc tạ từ về ở bên nhà vợ. Từ đây người con trai này bắt đầu một cuộc sống mới. Sau khi đã thực hiện đầy đủ các lễ thức như trên, Già làng, Mai dong nhà gái xin phép Già làng, Mai dong bên nhà trai và cha mẹ của chú rể được rước rể về bên nhà gái. Già làng, Mai dong, cha mẹ và dòng họ nhà trai cùng nhịp bước trong đoàn rước rể về nhà vợ.

* Thứ tự hai họ từ nhà trai về nhà gái:

- 02 Già làng đi trước, kế tiếp là 05 Mai dong, đến em vợ dắt tay anh rể, rồi 05 thanh niên nhà gái, tiếp đến cha mẹ, anh em, bà con bên đàng trai đi sau. Già làng, Mai dong và những người cùng đi rước rể trong trang phục, trang sức truyền thống, họ đi theo hàng dọc, người sau kế tiếp người trước. Vừa đi vừa chuyện trò râm ran, nói cười vui vẻ.

Lúc này tại nhà của cô dâu không khí rất nhộn nhịp. Trong nhà người thân của cô dâu đang chờ đợi để đón chàng rể. Ngoài khoảnh sân rộng trước cửa nhà, nam, nữ thanh niên của buôn làng trong trang phục, trang sức truyền thống với rất nhiều màu sắc đang nhảy múa theo nhịp trống đôi, cồng 3, chinh 5 rộn ràng. Đứng ở cổng ra vào sân nhà gái, có anh em, dòng họ, Già làng bên gái đón tiếp. Già làng nhà gái rót rượu mời tất cả mọi người có mặt trong đoàn rước rể trước khi vào nhà.

Khi bước lên cầu thang vào nhà, các Già làng, Mai dong bước lên trước, tiếp đến là 5 thanh niên nhà gái, sau đó em vợ tay vẫn cầm khăn vải đã cột tay anh rể dắt anh rể bước lên cầu thang nhà sàn. Đứng trên sàn trước cửa bước vào nhà là mẹ vợ của chú rể, tay cầm một quả bầu khô đựng đầy nước, khi chú rể chuẩn bị bước lên sàn thì mẹ vợ như vô tình làm rớt trái bầu từ trên cao xuống đất, trái bầu vỡ ra thành nhiều mảnh, nước văng tung tóe. Hình ảnh thật sinh động và ấn tượng. Ý nghĩa của việc đánh rớt trái bầu nói lên sự mừng rỡ của cha mẹ vợ, mừng đến nỗi đánh rớt bể cả trái bầu. Tương tự như người Kinh vẫn hay nói là “mừng vấp té”.

Sau khi đánh rớt trái bầu, mẹ của cô dâu bước vào nhà sàn ngồi bên cạnh chồng của mình. Hai vợ chồng ngồi ngay cửa bước vào nhà, họ đã trải chiếu ngồi đón rể. Khi chú rể được em vợ dắt chuẩn bị bước chân vào bên trong nhà, lúc này cha của cô dâu đốt một khoanh đèn sáp ong để hơ chân chú rể. Chú rể nhấc bàn chân trái lên khỏi mặt sàn khoảng 20cm, cha vợ dùng ngọn đèn sáp ong có lửa hơ rồi xoay 3 vòng dưới bàn chân chú rể.

Người cha vợ nói:

- “ Đưa cái chân mày đây, tao xông chân để rửa sạch sẽ và đốt bỏ đi những gì xấu nhất đã xảy ra trước đây, từ nay mày bước vào nhà này, mày phải làm lại từ đầu cho cuộc sống mới, ở nơi gia đình mới”.

Sau đó mẹ vợ cho con rể ăn một miếng trầu, rồi bưng một tô nước cho con rể uống một ngụm, tiếp đến mẹ vợ nhúng tay vào tô nước rồi vuốt nhẹ lên mặt con rể, ngụ ý rửa mặt cho con rể sạch sẽ trước lúc Già làng và Mai dong làm lễ nhận rể.

(Còn nữa)

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek