Thứ Bảy, 21/09/2024 12:22 CH
Di sản Hán Nôm ở Phú Yên trong bối cảnh hội nhập (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 05/11/2011 08:12 SA

-Sắc Tự Đức 13 (1860) ngày 21 tháng 06: phong ông làm Hùng uy tướng quân Chưởng vệ nhưng lãnh Vệ úy.

- Sắc Tự Đức 13 (1860) ngày 18 tháng 11: phong cho ông làm Vệ lãnh Thần cơ hữu Vệ Vệ úy Hà Tiên Đề đốc.

- Sắc Tự Đức 16 (1863) phong cho ông làm Thống chế Lãnh Hà Tiên tuần phủ và chuẩn cho ông về hưu.

Sắc chỉ gồm có: Chiếu Minh Mạng thứ 16 (1835) ngày 12 tháng 12, ban lệnh Bộ binh đề chuẩn cho ông chức Đội trưởng Suất y đội binh. Đến Minh Mạng thứ 17 (1836), ban lệnh đề nghị Bộ binh bổ chức Quảng Nam Trung Kỳ cho Đội 7 Chánh đội trưởng Nguyễn Công Nhàn. Năm Tự Đức thứ 9 (1856) truyền lệnh Bộ binh bổ Vệ phó Vệ úy Nguyễn Công Nhàn chức Doanh hữu Vệ phó Vệ úy.

3. Các sắc phong của danh nhân Dương Văn Khoa

Dương Văn Khoa là một võ quan có nhiều đóng góp cho triều đình nhà Nguyễn trong một thời gian dài và trải qua nhiều đời vua khác nhau nên được các vua Gia Long, Minh Mạng phong tặng chức tước và phẩm hàm. Dựa vào số sắc mà các vua Nguyễn phong cho Dương Văn Khoa từ sắc đầu tiên năm 1816 khi vào quân ngũ với chức vụ Đội trưởng đến sắc cuối cùng năm 1835 phong thưởng vì có công dẹp cướp biển ở Bình Thuận đã giúp chúng tôi phác thảo cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của ông đối với đất nước (tham khảo Lịch sử huyện Phú Hòa (1611-2009), Huyện ủy Phú Hòa xuất bản năm 2010, tr.67-68). 14 sắc phong hiện còn ở nhà thờ họ tộc Dương Văn Khoa là cứ liệu lịch sử xác đáng về thân thế cũng như sự nghiệp của ông.

Sắc phong chức tước gồm:

Sắc vua Gia Long năm thứ 15 (ngày 07 tháng 11) phong ông Dương Văn Khoa làm Đội trưởng Đội Phí tài bá suất trong đội mười người. Đến Minh Mạng năm thứ 2 (ngày 18 tháng 6) ông được chuẩn thăng làm Đội trưởng Hậu vệ ba đội, mỗi đội mười người, trong doanh Long Vũ. Năm Minh Mạng thứ 7 (ngày 05 tháng 03), ông thăng chức Vệ đội nhất thập cai đội. Đến Minh Mạng năm thứ 13 (ngày 2 tháng 12), ông được bổ nhiệm làm Bình Thuận thuận tráng kỳ Phó quản kỳ trong lực lượng binh lực tỉnh Bình Thuận. Năm Minh Mạng thứ 15 (ngày 03 tháng 10), ông được cử làm Thuận Nghĩa tả kỳ thí sai quản kỳ.

Do làm tốt nhiệm vụ được giao nên đến ngày 01 tháng 3 năm Minh Mạng 16, ông được thăng chức Minh Nghĩa đô úy Thuận Nghĩa tả kỳ quản kỳ theo trật tứ phẩm.

Cùng năm Minh Mạng thứ 16, ngày 21 tháng 3, vì có công đốc sức binh lính, dũng cảm tới nơi nguy hiểm giữa sào huyệt bắt sống nhiều tên giặc, thu nhiều loại vũ khí nên được khen và cho thăng chức Nha vệ úy trật theo tam phẩm, bổ sung vào tỉnh Bình Thuận làm quan Phó lãnh binh.

Từ khi được đề bạt chức Đội trưởng Phí tài bá suất Nội thập quân đến Phó lãnh binh tỉnh Bình Thuận, sự nghiệp của Dương Văn Khoa trải qua những bước thăng trầm. Qua nội dung trong chiếu Minh Mạng năm thứ 14 (ngày 8 tháng 5), chúng ta biết chính xác nguyên nhân Bình Thuận thuận Tráng kỳ Phó quản kỳ Dương Văn Khoa bị giáng một cấp do quản lý không chặt chẽ để cho Nguyễn Văn Thị chở lén hàng cấm nha phiến, vì vậy phải nhận 70 roi và theo điều lệ tội công, ông bị phạt giáng xuống một cấp và lưu tại nhiệm sở: “sự chiếu đắc Bình Thuận thuận tráng kỳ Phó đẳng kỳ Dương Văn Khoa dĩ thừa thuyền lãnh giải quan hạng bất năng thân sức Nguyễn Văn Thị giáp tải nha phiến cấm vật nghĩ tượng thất thập tòng côn tội lệ giáng nhất cấp lưu nhiệm đẳng nhân cụ). Sau đó, do có công trạng giết giặc cướp trên biển Đồ Ba, cứu nhiều dân nên đến ngày 09 tháng 08 năm Minh Mạng thứ 14, ông được phục lại chức.

Có thể số lượng sắc thực tế phong cho Lương Văn Chánh, Nguyễn Công Nhàn (Nguyễn Nhàn), Dương Văn Khoa có thể lớn hơn so với số sắc mà chúng ta được biết và số sắc phong cho mỗi người có thể không giống nhau về số lượng. Tuy nhiên, lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Số sắc còn lưu giữ trong đền thờ Lương Văn Chánh, nhà thờ Dương Văn Khoa và nhà thờ Nguyễn Công Nhàn, đều nằm ở con số 14. Do vậy, chúng tôi không dựa vào số lượng sắc, mà chỉ dựa vào nội dung và loại sắc để so sánh, trên cơ sở đó đưa ra vài nhận xét về giá trị của sắc phong nói riêng và vốn di sản văn hóa Hán Nôm ở Phú Yên nói chung; vị trí các danh nhân nói trên trong xã hội đương thời và trong tâm thức của hậu thế.

a. Sắc phong là loại hình di sản có giá trị rất lớn trong xã hội hiện nay.

Dựa vào loại sắc hiện còn ở trên địa bàn tỉnh và niên đại của chúng, chúng ta có cơ sở khẳng định rằng sắc phong nguyên bản hiện còn ở Phú Yên đa dạng về thể loại, phong phú về số lượng và có giá trị cao.

Như đã trình bày ở phần trên, sắc phong nguyên bản hiện ở Phú Yên có đầy đủ các loại: phong chức tước, phong thần và sắc lệnh. Các sắc này có niên đại khác nhau, sớm nhất từ cuối thế kỷ XVI như sắc vua Lê Thế Tông niên hiệu Quang Hưng thứ 19 (1596), sắc lệnh chúa Nguyễn đời vua Lê niên hiệu Quang Hưng 20 (1597) và muộn nhất là đầu thế kỷ XX như sắc vua Tự Đức thứ 13 (1860), sắc vua Duy Tân năm thứ 3 (1909). Do đó chúng có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử, địa danh, đơn vị hành chính ở địa phương Phú Yên, cũng như nghiên cứu các chức danh, văn tự, ấn triện, kỹ thuật làm giấy sắc phong trong từng giai đoạn.

Các sắc phong nguyên bản hiện có ở Phú Yên là những minh chứng xác thực nhất để chứng minh những vấn đề về lịch sử hiện đang tồn nghi hoặc bổ khuyết vào sử liệu mà vì lí do nào đó, các sử liệu trước kia không đề cập hoặc có nói đến nhưng sơ lược, hay đính chính những thông tin trong sử sách có ghi ghép nhưng không đúng với thực tế.

b. Nhờ có sắc phong mà chúng ta thấy được vị trí các danh nhân nói trên trong xã hội đương thời và trong tâm thức của hậu thế.

Đối chiếu các sắc phong cho các danh nhân đất Phú như Lương Văn Chánh, Dương Văn Khoa và Nguyễn Công Nhàn, chúng ta dễ dàng nhận thấy Lương Văn Chánh là người có công lớn nhất trong quá trình mở đất Phú Yên, và cũng là nhân vật lịch sử duy nhất được phong tới bậc Thượng Đẳng thần trong các sắc phong thần cho các địa phương ở Phú Yên. Điều này cho thấy, so với Dương Văn Khoa và Nguyễn Công Nhàn, Lương Văn Chánh là người có những đóng góp lớn lao không chỉ riêng vùng đất Phú Yên mà cho cả tiến trình mở cõi về phương Nam của dân tộc ta.

(Còn nữa)

TS ĐÀO NHẬT KIM - Th.S VÕ NGỌC HOA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek